Kỷ niệm 88 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2013):

Thắp lửa cho từng trang viết

Thứ Sáu, 21/06/2013, 07:37
>> Báo chí CAND - kênh thông tin quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh
365 ngày gần như không có ngày nghỉ. Không báo giấy thì báo điện tử. Không ngồi tại Tòa soạn thì lại đang có mặt tại một vùng đất nào đó để lấy thông tin, tác nghiệp. Để có được một dòng tin ngắn hay bài viết nóng hổi tính thời sự, đậm đặc thông tin mới, lạ, độc đáo không chỉ cần lòng đam mê nghề nghiệp, một trái tim nóng và cái đầu tỉnh táo mà những phóng viên, nhà báo Báo CAND luôn trăn trở, hết mình trên mỗi hành trình, mỗi trang viết.

Những câu chuyện thú vị bếp núc nghề báo của các phóng viên Báo CAND, xin được chuyển đến bạn đọc.

Tác nghiệp tại nước ngoài và những cảm nhận thú vị

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Phó Tổng biên tập Báo CAND: “Rất ấn tượng khi tận mắt nhìn thấy nhiều ấn phẩm báo chí của lực lượng CAND và Việt Nam có mặt tại châu Âu”.

Hơn 10 ngày đi qua một số nước châu Âu một trong những điều tôi ấn tượng nhất đó là sự có mặt của nhiều ấn phẩm báo chí Việt Nam trong đời sống cộng đồng người Việt.

Ông Nguyễn Đức Hùng, chủ một quầy báo lớn nhất tại chợ Đồng Xuân - một khu chợ rộng hàng chục hécta tại Berlin, CHLB Đức cho biết, ông sang định cư tại đây từ những năm 70 và đã có hàng chục năm gắn bó với quầy sách báo.

Tại đây có đủ các ấn phẩm của Báo CAND như: An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, Văn nghệ Công an. Ngoài các ấn phẩm lấy từ TP Hồ Chí Minh chuyển sang đây bằng đường biển, riêng tờ ANTG hàng tuần được lấy từ đại diện phát hành Báo An ninh thế giới tại CH Séc.

Giá bán khá cao, mỗi số An ninh thế giới và Cảnh sát toàn cầu giữa tháng, cuối tháng là khoảng 1,5 euro tương đương khoảng 45 ngàn đồng; còn các số An ninh thế giới và Cảnh sát toàn cầu hàng tuần giá 0,7 euro tương đương khoảng 20 ngàn đồng, tuy nhiên rất đắt khách.

Ghé thăm nhà anh Nguyễn Lợi - một cựu sinh viên ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã 25 năm định cư ở Đức tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy những ấn phẩm An ninh thế giới xếp thành từng chồng cao ngất. Là độc giả trung thành và say mê tờ An ninh thế giới nhiều năm nay bao giờ anh Lợi cũng là người ra sạp mua báo sớm nhất.

Ông Nguyễn Lợi (Việt kiều tại CHLB Đức) mua ấn phẩm An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu tại chợ Đồng Xuân, CHLB Đức. (Ảnh chụp ngày 2/6/2013 tại Berlin) .

Trung thành, đam mê tờ báo độc giả này cũng tâm sự ông rất yêu quý và mến mộ Tổng Biên tập, Nhà văn Hữu Ước và nhiều cây viết của ấn phẩm này như nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà văn Như Bình, tác giả Ngô Nguyệt Hữu…

Đi qua một số nước châu Âu, tôi cảm thấy rất tự hào khi được chứng kiến tờ An ninh thế giới trực tiếp in và phát hành tại đây và đến với cộng đồng người Việt tại nhiều nước châu Âu. Việc đưa những sản phẩm báo chí đáp ứng nhu cầu của bà con người Việt sống xa Tổ quốc hết sức cần thiết. Tuy nhiên để phát hành được đòi hỏi chất lượng tờ báo phải hay, độc đáo.

Đã đến lúc, các cơ quan báo chí mạnh, không xin vốn Nhà nước, hãy kết hợp với một số doanh nghiệp ở châu Âu, châu Mỹ để mở rộng việc in và phát hành các ấn phẩm này phục vụ cộng đồng người Việt, góp phần đưa tin tức, thông tin trung thực của Việt Nam ra thế giới.

Thượng tá Bùi Công Gôn, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ Báo CAND: “Cần sự linh hoạt, nhạy bén khi tác nghiệp”

Là phóng viên Báo CAND nhiều lần được cử đi tác nghiệp tại nước ngoài, tôi đã cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, kịp thời chuyển tải thông tin, hình ảnh “nóng” phục vụ yêu cầu của tòa soạn và độc giả.

Chia sẻ về việc tác nghiệp tại nước bạn, trước tiên tôi thấy phóng viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật trong công tác, thể hiện qua việc phải nắm chắc các tài liệu liên quan đến sự kiện; phải quán xuyến được các hoạt động liên quan để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, khách quan về sự kiện.

Phóng viên là một nghề hoạt động độc lập. Điều này càng thể hiện rõ khi đi công tác ở nước ngoài. Vì thế, trước mỗi chuyến đi công tác nước ngoài, tôi rất chú ý đến công tác chuẩn bị bao gồm vốn kiến thức về đất nước, con người nơi sẽ đến; tài liệu liên quan đến sự kiện phải phản ánh; kiểm tra lại toàn bộ “đồ nghề” phục vụ công tác phóng viên, thậm chí số ổ cắm điện mang theo cũng phải lựa chọn cẩn thận, rồi tranh thủ thời gian để ôn luyện lại vốn tiếng Anh vốn không dư dả gì của mình…

Một trong những khó khăn đối với phóng viên tại nước ngoài là phải làm sao kịp thời chuyển tải thông tin, hình ảnh về tòa soạn. Lúc này cần đến sự linh hoạt của phóng viên. Đối với những sự kiện kết thúc muộn, sau khi hoàn thành tin, bài, tôi thường vào “quán nét” gần nhất hoặc nhờ đồng nghiệp nước sở tại gửi ngay sản phẩm về tòa soạn.

Qua một số chuyến công tác nước ngoài, tôi nhận thấy về sự linh hoạt, độ nhanh nhạy, tác phong khẩn trương khi tác nghiệp thì phóng viên Việt Nam không hề thua kém các đồng nghiệp quốc tế…

Những khó khăn vất vả của phóng viên công tác tại vùng sâu, hải đảo

Nhà báo Trần Duy Hiển, Phó Trưởng ban Thư ký Tòa soạn, Báo CAND - tham gia Đoàn công tác Bộ Công an làm việc, thăm Trường Sa tháng 5/2013 “Thêm tin yêu Tổ quốc mình”

Đoàn công tác của Bộ Công an ra Trường Sa vừa rồi, do Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực làm Trưởng đoàn; cùng với 22 vị tướng lĩnh và nhiều đồng chí là lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương; đại diện phụ nữ, thanh niên tiêu biểu trong CAND. Đây là lần đầu tiên Bộ Công an cử một đoàn công tác hùng hậu như vậy với những mục tiêu, yêu cầu rất cụ thể của từng thành viên trong đoàn.

Đoàn đã làm việc, thăm hỏi và tặng quà quân, dân Trường Sa tại một số đảo và các nhà giàn (thuộc khu vực thềm lục địa phía Nam). Đến đâu, chúng tôi cũng cảm nhận được tinh thần lạc quan, coi biển đảo là nhà; kiên quyết, sẵn sàng chấp nhận hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Qua các buổi làm việc và quá trình tự tìm hiểu, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ bảo vệ vững chắc biển, đảo mà các thế hệ cha anh đã dày công mở mang, gìn giữ.

Chiến sĩ trẻ Trường Sa với một số ấn phẩm của Báo Công an nhân dân. (Ảnh: Duy Hiển).

Chuyến công tác Trường Sa có tác dụng rất lớn với mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi. Với các nhà báo, đó thực sự là một khoá bồi dưỡng chính trị vô cùng bổ ích, thiết thực và hiệu quả... Tôi vẫn nhớ đêm chia tay ở đảo Trường Sa Lớn, nhiều cán bộ, quân và dân trên đảo đã ra tận cầu tàu, bịn rịn, lưu luyến hơn 1 tiếng đồng hồ mà tàu chưa thể nhổ neo.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu; Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Quân chủng Hải quân Nguyễn Ngọc Tương và Thượng tọa Thích Giác Nghĩa (trụ trì chùa Trường Sa Lớn) cùng chúng tôi xiết chặt tay nhau thành hàng ngũ và hát vang những bài ca hào hùng, cùng hô những khẩu hiệu: Việt Nam - Hồ Chí Minh; Trường Sa - Hoàng Sa - Việt Nam… Đó sẽ là những kỷ niệm không thể phai mờ với không chỉ riêng tôi.

Nhà báo Đặng Ngọc Như, PV Báo CAND thường trú tại Tây Nguyên: “Những góc khuất của phóng viên ở buôn làng”

Tây Nguyên là quê hương thứ hai đã gắn bó với nghề của mình thấm thoắt gần 20 năm trôi qua. Tôi không học nghề báo, không chọn nghề báo, nhưng nghề nghiệp lại cứ đến với tôi một cách rất tự nhiên như lẽ đời thường vậy. Nhưng không phải chuyện tác nghiệp ở buôn làng lúc nào cũng êm xuôi và thành công.

Có lần mới vừa kéo máy ảnh ra bấm thì bị nhóm côn đồ áp tải gỗ lậu khống chế bắt xóa hết hình ảnh trong máy mới thả cho đi. Có lần bài báo chống tiêu cực mới vừa đăng lên thì ngay hôm sau bị kẻ xấu ném phân pha nhớt vào nhà... Càng viết nhiều về những vụ việc tiêu cực lại thấy mình nguy hiểm và chịu nhiều sự rủi ro cao. Vụ án sai phạm ở Công ty Xuất nhập khẩu Gia Lai chúng tôi phải theo đuổi đến cấp Giám đốc thẩm mới hủy án điều tra lại và sau đó nhiều đối tượng vi phạm đã bị xử lý.

Tác nghiệp của phóng viên ở buôn làng Tây Nguyên còn “nóng” nhất là những trận theo chân các trinh sát. Tôi nhớ hồi mới vào nghề, những năm tháng bám làng trong các đợt chống đối tượng gây rối ở Tây Nguyên nhiều lúc hiểm nguy cận kề.

Chuyện “bếp núc” của phóng viên ở buôn làng không sao kể hết nhưng cứ sau mỗi lần đi, tìm hiểu và viết là mỗi cuộc “trường chinh” thầm lặng mà chỉ có niềm đam mê nghề nghiệp mới vươn tới được những gian nan trên mảnh đất Tây Nguyên muôn trùng nắng gió...

Và chuyện của những người chuyên “săn tin” trong các chuyên án lớn

Nhà báo Trần Thu Hòa, Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ: “Trắng đêm cùng trinh sát để đưa đến độc giả những thông tin nóng hổi, độc đáo”.

Từ khi công tác tại Báo CAND, như là duyên nợ, tôi đều làm ở mảng nghiệp vụ và được phân công phụ trách một số “binh chủng” nóng như: hình sự, ma túy, tham nhũng… Vì thế, tôi may mắn được tiếp cận hồ sơ vụ án, theo chân các trinh sát, điều tra viên trong những vụ án lớn, gây chấn động dư luận như: vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, vụ án Lê Văn Luyện, vụ đánh sập một số tổ chức giang hồ như: Phương “Ninh hột”, Dũng “mặt sắt” ở Móng Cái (Quảng Ninh); Phạm Khắc Tú, tức Tú “khỉ” ở Hưng Yên…

Để có được các tài liệu “độc” trong vụ án “nóng” như trên quả thực không dễ, đối với phóng viên nữ điều đó càng khó hơn. Một trong những kinh nghiệm của chúng tôi là phải bám sát từng diễn biến để biết được những ngóc ngách của vụ án. Muốn làm được điều đó, người viết phải đi, phải lăn lộn, thậm chí sống cùng đời sống của người lính trinh sát.

Như trong vụ án Lê Văn Luyện, từ ngày vụ án xảy ra cho đến khi bắt được đối tượng Luyện, hầu như ngày nào, chúng tôi cũng từ “tổng hành dinh” của Ban chỉ đạo chuyên án tại Bắc Giang trở về Hà Nội khi đã quá nửa đêm. Ngày 31/8/2011, khi đối tượng Lê Văn Luyện bị bắt giữ, chúng tôi đã thức trọn đêm để chờ đưa đối tượng về và là những phóng viên đầu tiên đặt những câu hỏi đầu tiên đối với kẻ sát nhân máu lạnh này…

Không phải không có những băn khoăn về cuộc sống gia đình, không phải không có những giây phút chạnh lòng khi trở về nhà muộn thấy con nhỏ mếu máo chờ mẹ... Nhưng chúng tôi đã cố gắng bố trí thời gian và công việc gia đình hợp lý, để được trọn vẹn với sự yêu nghề và trách nhiệm nghề nghiệp của mình.

Nhà báo Lò Anh Hiếu, phóng viên Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ: “Ngủ lại giữa rừng để nghe chuyện đấu súng với tội phạm ma túy…”

Để có tư liệu về loạt bài “Cuộc chiến nơi cửa tử” tôi cùng đồng nghiệp đã cùng ăn, cùng ở, bám sát quá trình đánh án với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy Công an huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. 21h, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ trụ sở Công an huyện đến cung đường thuộc xã Phong Phú, huyện Tân Lạc để săn “sói trắng”.

Đồng chí Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về ma túy nói rằng, địa bàn này rất nguy hiểm, đã có nhiều cuộc đọ súng xảy ra ở “cửa tử” vốn là một cung đường bằng nhỏ hẹp giữa hai khe đồi núi, phía hai bên là dốc cua nguy hiểm. Đêm hôm đó, sương mù giăng khắp nẻo đường, cái lạnh thấm vào da thịt nhưng chúng tôi vẫn kiên nhẫn bám “trận địa”. S

au một đêm trắng thức cùng tổ công tác Công an huyện Tân Lạc, nghe những câu chuyện bắt tội phạm ma túy và cuộc chiến đấu nơi “cửa tử”, trở về Hà Nội, chúng tôi đã có loạt bài dài kỳ đăng trên Báo Công an nhân dân - loạt bài viết được giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2009. Và tôi hiểu hơn rằng, những chuyến đi cơ sở làm giàu thêm chất liệu sống để những trang viết thực sự mang hơi thở cuộc sống. 

Nhà báo Lê Thu Thủy, Ban Thời sự - Chính trị - Nghiệp vụ: “Theo đuổi vụ án, không kịp xin cắt phép để về chăm bố”

Trong vụ án Lê Văn Luyện với ưu thế là phóng viên nhiều năm theo dõi lĩnh vực, địa bàn chúng tôi được Ban Chuyên án cho phép được tiếp cận những tình hình vụ án sớm nhất so với các báo. Hôm bắt được đối tượng Luyện, chúng tôi đợi ở Bắc Giang chờ đưa đối tượng về. Cả đêm đó, chúng tôi không dám ngủ, chờ bằng được lúc đưa đối tượng về và là phóng viên đầu tiên tiếp xúc được với đối tượng để đưa đến bạn đọc những thông tin nóng hổi nhất.

Đây là chuyến công tác mà tôi sẽ mãi không bao giờ quên được. Thời điểm đó, bệnh ung thư của bố tôi đã phát triển khá nặng, bác sĩ dự đoán chỉ còn được khoảng vài tháng nữa. Tôi định xin nghỉ phép ít hôm để chăm sóc bố nhưng hôm bố tôi hết đợt điều trị cũng là thời điểm xảy ra vụ án nên lần lữa, định vụ án thành công sẽ xin nghỉ. Không ngờ, đợt điều trị đó cũng là lần cuối cùng tôi được gặp bố.

Ngày 31/8/2011, Lê Văn Luyện bị bắt, cả đêm hôm đó chúng tôi ở Bắc Giang gặp đối tượng. Cũng đêm đó, bố tôi ra đi mãi mãi. Do công việc cần liên hệ với tòa soạn nhiều cũng như trao đổi với lực lượng phá án để thu thập thông tin, điện thoại của tôi và đồng nghiệp Thu Hòa đều hết pin, gia đình không thể liên lạc được nên chồng tôi “lần” qua nhiều người, tìm được số máy của một cán bộ Công an tỉnh Bắc Giang có mặt tại đây nhờ nhắn cho tôi. Chính vì vậy, mãi đến 6h sáng hôm sau tôi mới biết tin về chịu tang bố…

Xuân Luận (thực hiện)
.
.