Tháng Tám ở Sơn Dương

Thứ Năm, 20/08/2015, 09:33
Nằm bên dòng sông Phó Đáy hiền hòa, mảnh đất bán sơn địa Sơn Dương, Tuyên Quang - nơi đặt trụ sở của Nha Công an Trung ương cuồn cuộn mang trong mình dòng chảy lịch sử hào hùng.

Cách đây 68 năm, trước yêu cầu của cách mạng, Nha Công an Trung ương đã được di dời từ Hà Nội lên thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Hàng chục năm qua, giống như “người gác cổng” cần mẫn, sứ mệnh bảo vệ khu quần thể di tích Nha Công an Trung ương nói riêng, mảnh đất Sơn Dương anh hùng nói chung luôn được tập thể cán bộ chiến sỹ Công an huyện Sơn Dương hoàn thành xuất sắc. Kế thừa phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, Công an huyện Sơn Dương không ngừng nỗ lực trong công tác giữ gìn an ninh trật tự địa bàn.

1. Tháng Tám đến mang theo những cơn mưa khiến cây cỏ, hoa lá của vùng đất bán sơn địa Sơn Dương như khoác lên mình bộ áo mới. Những vạt đồi xanh thẫm trải dài hai bên đường - màu xanh của sự bình yên, ẩn hiện trong sương mờ. Những ngày tháng Tám lịch sử này, Khu di tích Nha Công an Trung ương trở nên tấp nập đông đúc khi đón hàng trăm lượt khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về nguồn ôn lại truyền thống lịch sử của lực lượng CAND mặc không khí ẩm ướt của tiết trời đang dần chuyển sang thu.

Đoàn viên công đoàn CAND thành kính dâng hương tại Tượng đài “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” khu di tích Nha Công an Trung ương.

Được trở về với cái nôi của cách mạng trong đoàn công tác gồm 70 đoàn viên công đoàn xuất sắc của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, thăm lại những di tích lịch sử trong Khu di tích Nha Công an Trung ương, lòng chúng tôi trào dâng lên niềm xúc động xen lẫn tự hào. Qua lời hướng dẫn trầm ấm, giàu cảm xúc của Trung úy Nguyễn Như Trang, cán bộ Khu di tích Nha Công an Trung ương, ký ức về những năm tháng thành lập Nha Công an Trung ương như được sống lại một cách vẹn nguyên.

Cách đây đúng 70 năm, vào năm 1945, nhận thấy lợi thế đặc biệt của rừng núi hiểm trở, dù tiến công hay phòng thủ cũng đều rất thuận lợi nên Bác Hồ đã quyết định di dời Thủ đô kháng chiến từ Hà Nội về Sơn Dương, Tuyên Quang. Cùng với các cơ quan khác, Nha Công an Trung ương được di chuyển lên thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Trụ sở của Nha Công an Trung ương được xây dựng trên hai quả đồi rộng, không cao lắm có nhiều cây cổ thụ, gần cánh đồng Lũng Cò và suối Lê, cán bộ trong cơ quan gọi là đồi A và đồi B. Từ đây có thể quan sát được cả một vùng rừng núi, xóm làng rộng lớn thuận tiện cho việc đi lại hội họp. Phía sau hai quả đồi có núi Đền bao bọc, địa thế kín đáo và hiểm yếu rất thuận lợi cho việc bảo vệ. Trong hơn 3 năm ở và làm việc tại đây từ tháng 4 năm 1947 cho đến tháng 9 năm 1950, Nha Công an Trung ương đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các cơ quan đầu não của Trung ương.

Thành kính dâng nén hương thơm tại tượng đài “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” và bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ CAND, trong không khí trang nghiêm, hình ảnh về những người liệt sỹ CAND hy sinh xương máu ngã xuống Đất Mẹ để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc khiến nhiều đoàn viên trong đoàn chúng tôi rưng rưng xúc động.

Với tâm trạng bồi hồi, Trung úy Trần Quang Huy, đoàn viên công đoàn tiêu biểu của Báo CAND bày tỏ: Trở về với di tích Nha Công an Trung ương lần này, thế hệ trẻ như chúng em đã ý thức được những mất mát, hy sinh của thế hệ các bậc cha, anh trong lực lượng CAND đi trước để từ đó cố gắng hơn nữa. Tại Bảo tàng lịch sử Công an nhân dân hiện nay vẫn còn lưu giữ hơn 2000 kỷ vật gắn liền với hoạt động của lực lượng Công an trong suốt 3 năm hoạt động. Đó là những chứng tích còn mãi với thời gian giúp cho thế hệ đi sau phần nào hình dung được những khó khăn, vất vả của lực lượng Công an trong suốt quá trình làm việc tại nơi đây trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đi sâu vào khu di tích, những căn phòng làm việc bằng tranh, tre, nứa dành cho các cán bộ Công an năm xưa được phục dựng lại một cách hết sức sinh động như Nhà Ty Tình báo, Nhà Ty Trật tự - Tư pháp, Nhà Ty Chính trị, Nhà làm việc của đồng chí Giám đốc Nha Công an Trung ương…

2. Nằm không xa khu di tích Nha Công an Trung ương, bao năm qua, giống như một “người gác cổng” cần mẫn, Công an huyện Sơn Dương là đơn vị đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Không khí làm việc tại Công an huyện Sơn Dương những ngày này hối hả, bận rộn hơn bao giờ hết.

Công an huyện Sơn Dương giúp dân làm đường.

Vừa trở về từ khu di tích Nha Công an Trung ương để kiểm tra công tác triển khai, cắm chốt lực lượng bảo vệ, Thượng tá Ma Quang Trung, Trưởng Công an huyện cho chúng tôi biết: Đã trở thành truyền thống, bắt đầu từ tháng 7, khi cả nước cùng hòa chung các hoạt động hướng tới kỷ niệm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân 19-8, khu di tích Nha Công an Trung ương lại đón hàng trăm lượt khách. Công tác đảm bảo an ninh luôn được siết chặt. Ở đây tuyệt đối không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự hay những sự kiện, diễn biến đột xuất, bất ngờ. Suốt nhiều năm qua, khu di tích lịch sử Tân Trào và Khu di tích lịch sử CAND đều được bảo vệ an toàn tuyệt đối.

Bên cạnh nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ khu di tích Nha Công an Trung ương cũng như các hoạt động chính trị, văn hóa gắn liền với khu di tích, Công an huyện Sơn Dương còn luôn thực hiện tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự cơ sở. Là mảnh đất bán sơn địa với 17 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Tày, Sán Dìu, Cao Lan, Mông…huyện Sơn Dương tiếp giáp với 3 tỉnh là Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, lại là nơi có Quốc lộ 37 và Quốc lộ 2C chạy qua tạo điều kiện đi lại giao thương với các tỉnh bạn hết sức thuận lợi.

Tuy nhiên, với 17 thành phần dân tộc, trình độ dân trí trên địa bàn huyện không đồng đều. Tại nhiều thôn bản, sự nhận thức, hiểu biết của người dân vẫn còn những hạn chế nhất định. Hiện, huyện Sơn Dương vẫn còn 9 xã thuộc diện 135 đặc biệt khó khăn. Phụ trách địa bàn rộng, dân số đông nhưng với sự nỗ lực cố gắng không ngừng, hơn 200 cán bộ chiến sỹ Công an huyện Sơn Dương đã kế thừa truyền thống của cái nôi cách mạng phát huy sức mạnh, xây dựng vững mạnh bộ máy. Phát huy lợi thế của một vùng quê cách mạng, Công an huyện Sơn Dương luôn tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Ma Quang Trung cho biết: Tại nhiều xã trên địa bàn huyện như Tân Trào, Minh Thanh… các gia đình có công với cách mạng trong thời kỳ Thủ đô kháng chiến được di dời lên huyện Sơn Dương được coi là những hạt nhân quan trọng trong việc xây dựng “thế trận an ninh trật tự trong lòng dân”. Đó là gia đình cụ Ma Văn Khanh tại thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh- nơi đã vinh dự được đón Bác Hồ đến sống và làm việc trong thời kỳ đón quân Đồng Minh.

Đó là gia đình cụ Ma Thị Thơ, cụ Ma Thị Ngân-những gia đình đã tích cực cùng với cán bộ cách mạng tham gia xây dựng sân bay Lũng Cò, sân bay đầu tiên của nền Cách mạng Việt Nam chỉ trong vòng 2 ngày… Cũng giống như thời kỳ cả nước chung tay bảo vệ nền độc lập, trong thời bình, người dân cũng luôn đồng lòng cùng với lực lượng Công an cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự.

Cùng với đó, nhằm lắng nghe ý kiến, tiếng nói của nhân dân từ cơ sở để xây dựng bộ máy vững mạnh, giữ vững tình hình an ninh trật tự, hàng tuần, Công an phụ trách 33 xã trên địa bàn huyện còn tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của nhân dân” đóng góp về xây dựng lực lượng, công tác phòng chống tội phạm. Chính những phát biểu thẳng thắn, chân thành của nhân dân thông qua những diễn đàn này đã giúp rút ngắn nhất khoảng cách của lực lượng Công an cơ sở với nhân dân, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng trở nên vững mạnh.

Nguyễn Hương
.
.