Tháng 7 ở nghĩa trang Hàng Dương

Thứ Ba, 11/07/2017, 11:15
Những ngày tháng 7, trong không khí cả hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), đoàn công tác của Viện Chiến lược và Khoa học Công an do Đại tá Trần Anh Vũ, Phó Viện trưởng làm Trưởng đoàn đã đến Nghĩa trang Hàng Dương thuộc huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) thực hiện nghi lễ tri ân các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước qua nhiều thế hệ bị tù đày trong hệ thống nhà tù Côn Đảo, đã mãi yên nghỉ tại hòn đảo từng là “địa ngục trần gian” này. 


Nghĩa trang Hàng Dương có tổng diện tích 20 ha, được xây dựng từ năm 1941 và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tôn tạo vào ngày 19-12-1992. 

Hiện Nghĩa trang Hàng Dương có 1.921 phần mộ, trong đó có 723 phần mộ có tên, còn lại là khuyết danh, chỉ còn lại số ít phần mộ còn sót lại quy tập được từ Nghĩa trang Hàng Keo (với hơn 10 nghìn phần mộ) sau khi Nghĩa trang này bị thực dân Pháp san phẳng. Điều đặc biệt là mỗi phần mộ tại Nghĩa trang Hàng Dương hiện nay đều được ốp đá, có in hình ngôi sao ở giữa tượng trưng cho mỗi sinh linh đã yên nghỉ tại Côn Đảo.

Đại tá Trần Anh Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an cùng Đoàn Công tác thắp hương tri ân các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Hàng Dương.
Đoàn Công tác Viện Chiến lược và Khoa học Công an viếng mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương.

Tại Nghĩa trang Hàng Dương, Đoàn đã làm lễ dâng hương tại khu tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng và đồng bào Côn Đảo, viếng mộ chị Võ Thị Sáu, nữ trinh sát của Đội Công an xung phong - người nữ anh hùng miền Đất Đỏ đi vào huyền thoại, đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc khi chưa đầy tuổi 20. 

Đứng trước Đài tưởng niệm tại Nghĩa trang Hàng Dương, thay mặt Đảng uỷ, lãnh đạo Viện Chiến lược và Khoa học Công an, Đại tá Trần Anh Vũ đã báo cáo những thành tích mà tập thể cán bộ, chiến sĩ của Viện đã đạt được trong thời gian qua trên các mặt công tác: nghiên cứu chiến lược, quản lý khoa học, lý luận, thông tin khoa học và tạp chí và hứa sẽ nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ cấp trên giao phó, xứng đáng là đơn vị nghiên cứu, quản lý thông tin khoa học đầu ngành của lực lượng Công an nhân dân.

Đoàn công tác của Viện Chiến lược và Khoa học Công an cũng đã tới thăm Nhà tù Phú Hải, một trong những phân trại do thực dân Pháp xây dựng đầu tiên (năm 1862) tại Côn Đảo. Trại Phú Hải nổi tiếng về sự tàn bạo của chế độ thực dân cũng như của Mỹ - Nguỵ sau này. 

Với 10 phòng giam, nhưng đỉnh điểm của sự tàn bạo tập trung vào một phòng, mà những người tù ở đây thường gọi là “Phòng chết điển hình”, lúc cao điểm có tới 180 người tù bị giam tại phòng giam này. Hiện nay, trại Phú Hải đã dựng mô hình cảnh người tù bị giam tại “Phòng chết điển hình” để ghi lại tội ác, sự dã man của chế độ nhà tù thực dân, đế quốc.

 Mức độ dã man của hệ thống nhà tù Côn Đảo còn được nhân lên khi những hình thức tra tấn tàn bạo như thời trung cổ được thực thực dân Pháp và sau này là chế độ Mỹ - Nguỵ áp dụng tại khu chuồng cọp, một khu biệt giam nằm bên trong phân trại Phú Tường.

Dưới sự tra tấn đến cùng cực, phẩm chất cách mạng của những người tù chính trị tại Côn Đảo vẫn bừng sáng, trong nhà tù vẫn hình thành Chi bộ cộng sản, vẫn xuất bản báo Ý kiến chung là tài liệu tuyên truyền, sinh hoạt chính trị tư tưởng, giữ vững sự niềm tin vào Đảng, vào cách mạng nhất định thắng lợi. 

Những chiến sĩ cách mạng kiên cường từng bị lưu đày ở Côn Đảo như: Tôn Đức Thắng, Ngô Gia Tự, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lưu Chí Hiếu, Võ Thúc Đồng, Võ Sỹ… đã chứng tỏ mọi sự tra tấn cùng cực đã không thể khuất phục ý chí của các thế hệ sẵn sàng hy sinh bảo vệ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. 

Đoàn tham quan nhà tù Phú Hải, nhà tù do chế độ thực dân lập ra sớm nhất trong hệ thống nhà tù Côn Đảo.

Đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung và cán bộ, chiến sĩ Viện Chiến lược và Khoa học nói riêng, Côn Đảo thực sự là “trường học lớn” để qua đó học tập, tu dưỡng, rèn luyện hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, ngành Công an và nhân dân giao phó.“Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng/ Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại/ Côn đảo là một trường học lớn đối với thế hệ mai sau…” là những câu được trích trong bài nói chuyện của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn khi về thăm Côn Đảo vào ngày 27-8-1976 được lưu tại Bảo tàng Côn Đảo, thực sự như nói thay tất cả những ai đã từng đặt chân đến mảnh đất thiêng này. 

Giờ đây Côn Đảo đã là một ốc đảo xinh đẹp được bao bọc bởi màu xanh ngan ngát của biển và của trời. Những ngày tháng 7 tri ân, Côn Đảo tấp nập những đoàn khách thập phương, các đoàn học sinh, sinh viên từ mọi miền Tổ quốc tìm đến để hiểu thêm về sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước, để tu dưỡng và rèn luyện bản thân mình.

Thu Uyên
.
.