Cán bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

Thăm lại chiến trường xưa cùng đồng đội và các gia đình liệt sĩ Công an

Thứ Hai, 07/04/2014, 09:07
Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014), đoàn 36 cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã nghỉ hưu ở Hà Nội đã có chuyến thăm lại chiến trường xưa, thăm lại đồng chí, đồng đội, các gia đình liệt sĩ Công an và các cán bộ Công an lão thành ở tỉnh Kiên Giang.

Vượt hơn 1.700km bằng xe ôtô từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh chiều  26/3, trong đoàn hơn một nửa đã trên 70 tuổi, chỉ nghỉ ngơi một ngày (27/3), sáng 28/3 cả đoàn lại lên xe về với TP Cần Thơ -  một trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long. TP Cần Thơ đang phấn đấu đến năm 2025, sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, y tế và văn hoá của đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là đô thị cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mêkông, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Rời TP Cần Thơ, sáng 29/3 cả đoàn lại di chuyển bằng ôtô đến với TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Buổi gặp gỡ giao lưu giữa đoàn với thế hệ trẻ Công an tỉnh Kiên Giang được tổ chức vào đêm 29/3 để lại cho mỗi thành viên trong đoàn nhiều kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc.

Gửi đến tuổi trẻ Công an tỉnh Kiên Giang, Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - người được chi viện chiến trường Trị Thiên Huế đầu năm 1964 đến năm 1976 mới trở ra Bắc tâm sự: Từ ngày vào chiến trường, chúng tôi sát cánh cùng các đồng chí an ninh miền Nam được phân công về vùng sâu đồng bằng và TP, tiến hành các hoạt động điệp báo, phản gián, trừ gian, diệt ác, xây dựng lực lượng an ninh cơ sở. Trải qua nhiều cuộc càn quét, bình định, dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ - ngụy đã gây ra cho ta nhiều khó khăn, tổn thất nặng nề. Trong tình hình đó, nhiều cán bộ an ninh miền Nam và cán bộ Công an chi viện vẫn kiên trì bám trụ vững chắc trong dân với cuộc sống lấy đất làm giường, lấy hầm làm nhà, mưa gió đội trời che thân, giá rét lấy thân sưởi ấm, đói lòng lấy nước thay cơm… và đủ thứ bệnh tật, ai nấy đều xanh xao, gầy còm, ốm yếu, bước đi không vững, có người chân bước đi nhưng mắt đã lạc thần. Nhưng mọi người vẫn lạc quan tin tưởng vào sự tất thắng của cách mạng, quyết giành lại sự sống để tiếp tục cuộc chiến đấu đến ngày toàn thắng 30/4/1975. Ngày nay tuổi trẻ Công an tỉnh Kiên Giang cần phải sống gần gũi với nhân dân, lo cho nhân dân, từ đó nhân dân sẽ tin tưởng, giúp đỡ mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Thăm Đại tá Ngô Quang Hớn (Hai Hồng), nguyên Phó trưởng Ban An ninh Khu 9, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang.

Đại tá Ngô Quang Hớn (Hai Hồng), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó trưởng Ban An ninh Khu 9 trong thời kỳ chống Mỹ, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang khẳng định: S ự chi viện của Bộ Công an về con người, phương tiện, trang thiết bị… cho chiến trường miền Nam rất quý báu, giúp cho lực lượng An ninh tại chỗ trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt. Trong đó quan trọng nhất là nâng cao về nghiệp vụ Công an, công tác nắm tình hình và vận động nhân dân trong phòng gian, bảo mật, bảo vệ an toàn nơi  làm việc của Khu ủy Khu 9 và Tỉnh ủy các tỉnh.

Với bác Thái Doãn Mẫn, (Tám Nam), nguyên Ủy viên Ban An ninh TW Cục Miền Nam, nguyên Phó ban Thường trực Ban An ninh Khu 9, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh – mặc dù đã bước sang tuổi 92, sức đã yếu nhưng bác vẫn trở về mảnh đất gắn bó với mình một thời gian trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bác Thái Doãn Mẫn là một trong 250 cán bộ Công an được chi viện cho chiến trường miền Nam đầu năm 1962 cho biết: Lực lượng cán bộ Công an chi viện không chỉ góp phần đào tạo về số lượng, chất lượng cho lực lượng An ninh tại chỗ mà còn cùng lực lượng An ninh tại chỗ làm tốt các mặt công tác. Khu 9 thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chiến trường ác liệt; nhưng lực lượng An ninh Khu 9 đã bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Khu ủy, các cơ quan khác của Khu ủy và Tỉnh ủy các tỉnh.

Rời TP Rạch Giá, điểm tiếp theo của đoàn là huyện đảo Phú Quốc - mảnh đất một thời là “địa ngục trần gian” của Mỹ - ngụy để giam cầm, tra tấn, đày đọa, giết hại các chiến sĩ cách mạng, trong đó có những cán bộ An ninh miền Nam và cán bộ Công an chi viện. Mặc dù bị tra tấn vô cùng dã man, nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng, sẵn sàng xả thân vì Đảng, vì nước, vì dân, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cộng sản, khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ.

Người không kìm giữ được xúc động là bác Thạch Văn Toàn, năm nay đã 85 tuổi. Năm 1967, bác Toàn được chi viện cho chiến trường miền Nam và được đưa vào hoạt động ở an ninh Khu 6. Đầu năm 1970, trong một lần đi công tác, bác Toàn chẳng may sa vào tay giặc. Gần 1 năm bị giam cầm, tra tấn ở Phan Thiết rồi Pleiku, cuối năm 1970, bác Toàn bị địch đưa ra nhà tù Phú Quốc cho đến ngày 21/3/1973 được trao trả tại sân bay Thiện Ngôn ở huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Đây là lần đầu tiên bác Toàn trở lại  Phú Quốc, bác Toàn xúc động vì thấy Phú Quốc đã vươn mình mạnh mẽ cùng với sự phát triển của đất nước. Bác Toàn tâm sự: “Hiện tại Phú Quốc đã và đang thu hút đầu tư lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, với đà phát triển này, chẳng bao lâu nữa Phú Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ và toàn diện”.

Trong thời gian ở tỉnh Kiên Giang, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, đoàn cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã đến thăm gia đình, tặng quà và thắp hương cho các liệt sĩ Công an: Trần Văn Tất, Nguyễn Công Thượng, Phạm Văn Hớn, Phạm Văn Đô, Trần Văn Lời, Trần Văn Ky, Lâm Văn Nhiều và gia đình các cán bộ Công an nghỉ hưu (Ngô Quang Hớn, Võ Hồng Lạc, Nguyễn Văn Đức, Đặng Văn Phú và Nguyễn Hồng Lạc)  ở TP Rạch Giá, huyện Phú Quốc và thị xã Hà Tiên.

Đoàn cũng đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Phú Quốc. Trước các đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, cả đoàn đều bùi ngùi, xúc động. Nhiều người quên đi tuổi cao, sức yếu, đi đến từng ngôi mộ thắp nén hương viếng linh hồn đồng chí, đồng đội 

Công Trường
.
.