Thái Bình: Giữ bình yên trên biển

Thứ Tư, 16/07/2014, 10:25
Không chỉ gắn kết để hỗ trợ nhau ra khơi khai thác hải sản, phát triển kinh tế, tổ tự quản an ninh trật tự trên biển ở bến cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải - Thái Bình còn tích cực bám biển, cùng nhau đối phó với sóng to, gió lớn, hiểm nguy và góp phần bảo vệ vùng biển quê hương.

Cửa Lân là một trong những bến cá trọng điểm của vùng biển Tiền Hải. Trên khu vực bến có 31 hộ dân sinh sống, 2 công ty, xí nghiệp thuỷ, hải sản của địa phương và cá nhân thường xuyên hoạt động. Đây là nơi tập trung nhiều phương tiện đánh bắt, nuôi trồng hải sản ngư dân trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, tại bến có 370 phương tiện, trong đó có 2 đôi tàu đánh bắt xa bờ, 90 tàu trung bờ, 280 tàu ven bờ cùng nhiều tàu thu mua hải sản. Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động tại khu vực bến còn bộc lộ những hạn chế, phức tạp mới như: Vấn đề tranh chấp thu, mua, khai thác thuỷ, hải sản, tình hình trộm cắp tài sản gây mất trật tự xã hội, khu vực ngoài biển nơi đánh bắt hải sản còn xảy ra tranh chấp ngư trường, sự xâm lấn của tàu thuyền nước ngoài... Làm cho bến bãi chưa thực sự là nơi an toàn cho con người và phương tiện hoạt động.

Đội tàu thuyền tự quản Bến cá Cửa Lân được thành lập gồm 20 thành viên hoạt động theo quy định của UBND xã, được sự hướng dẫn về nghiệp vụ của lực lượng Bộ đội biên phòng, Công an đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. Tình hình an ninh trật tự trên bến cũng như trên biển chuyển biến tích cực, bà con ngư dân yên tâm ra khơi bám biển. Ông Bùi Văn Cử - Đội trưởng đội tàu thuyền tự quản phấn khởi nói: "Giữa biển nước mênh mông, mọi vật đều trở nên nhỏ bé. Ra khơi bám biển lúc trời yên biển lặng, may mắn thì không vấn đề gì, nhưng khi có sự bất trắc như: tàu bị hư hỏng, gặp tàu lạ, thời tiết xấu, sóng to… thì rất nguy hiểm. Từ khi thành lập Đội tự quản an ninh trật tự trên biển thì mọi người xích lại gần nhau hơn, yên tâm hơn khi ra khơi bám biển. Khi nào ra khơi cũng có hai, ba tàu đi cùng, hỗ trợ nhau. Ví dụ, nếu một tàu bị hư hỏng, không thể sửa chữa được thì đã có tàu khác dắt về, khi thiếu nước ngọt, xăng dầu đều được tàu đi cùng chia sẻ, thông tin cho nhau về tình hình ngư trường nên việc tổ chức đánh bắt hải sản hiệu quả hơn".

Không chỉ hỗ trợ, bảo vệ nhau mà trong quá trình bám biển, ngư dân xã Nam Thịnh cũng đã nhiều lần thông tin cho các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an về sự xuất hiện của các tàu thuyền nước ngoài, tàu lạ hoạt động trên vùng biển nước ta… Ngoài ra, Đội tự quản an ninh trật tự trên biển còn tổ chức hòa giải những xích mích, mâu thuẫn nảy sinh giữa các thành viên, giữa tổ này với tổ khác khi khai thác trên biển hay khi neo đậu. Kịp thời thông tin những trường hợp vi phạm Luật Biển, giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết. Việc làm của các thành viên trong Đội tự quản an ninh trật tự trên biển xã Nam Thịnh đã làm cho ngư dân trong xã cũng như các xã lân cận yên tâm hơn khi bám biển. Có thể nói mô hình này đã thực sự đem lại niềm tin cho nhân dân về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật. Có tác dụng tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, có biện pháp tự phòng ngừa với các hoạt động phạm tội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, góp phần tích cực vào sự bình yên và phát triển của quê hương

Hồ Tuyên
.
.