Tết của những người quản giáo tại Trại giam số 1

Thứ Tư, 09/02/2011, 11:52
Khi những chùm pháo hoa bung tỏa trên bầu trời, báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, 100% cán bộ Trại tạm giam số 1 (Hà Nội) đều có mặt ở đơn vị, họ đến từng buồng giam chúc tết các phạm nhân... Để các phạm nhân vui chơi ăn Tết, yên tâm cải tạo, các cán bộ trong trại đã phải hy sinh niềm hạnh phúc bình dị của họ, đó là những giây phút được đoàn tụ bên gia đình.

4h sáng mùng 1 Tết, Trung tá Bùi Thị Hồng Hạnh, Đội phó Đội quản giáo nữ, Trại tạm giam số 1 Hà Nội mới về đến nhà. Nghe tiếng xe máy quen thuộc của mẹ, cậu con trai duy nhất của Trung tá Hạnh, hiện đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội vội vã mở cửa. Lúc này mẹ con họ mới sắp sửa, thắp nén hương cúng giao thừa.

Trung tá Hạnh chia sẻ: Dịp Tết Nguyên đán thường là thời điểm tâm lý phạm nhân diễn biến rất bất thường, đặc biệt là các phạm nhân nữ vốn đa sầu đa cảm nên công việc của các quản giáo nữ như chị thật vô cùng vất vả. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi chị Hạnh vừa được đề bạt làm đội phó, kiêm thêm việc quản lý, ngoài công tác chuyên môn còn có trách nhiệm lo cho phạm nhân một cái Tết thật đầy đủ, yên vui, giúp họ yên tâm cải tạo.

"Vất vả nhất có lẽ là quản lý các phạm nhân ở tuổi vị thành niên", Trung tá Hạnh bộc bạch. Vào những ngày trước và trong Tết Tân Mão, tâm lý các phạm nhân "nhí" biến động rất khó nắm bắt, đặc biệt là trường hợp các cháu không có người thăm nuôi. Bình thường, các đối tượng này ít nói, ít thổ lộ nhưng lại thường có hành động bột phát, bất cần. Rồi đến các nữ phạm nhân đã có gia đình, người già cao tuổi không có người thăm nom, vào những ngày Tết đến, xuân về nỗi nhớ gia đình trong họ càng cồn cào, da diết.

Những đêm khuya, bất chợt nhìn thấy họ, lặng lẽ đứng bên song sắt, quệt nước mắt, Trung tá Hạnh đồng cảm hơn nỗi day dứt của những phụ nữ, không may sa chân lỡ bước ấy. Bởi vậy, với những cán bộ quản giáo như chị, vào dịp Tết Nguyên đán khi mọi người nghỉ ngơi, vui xuân lại là thời điểm họ phải làm việc nhiều hơn. Họ luôn ở trong tâm trạng lo lắng, giữa đêm một tiếng chuông điện thoại cũng giật mình hoảng hốt.

Trung sỹ Xuyên chăm sóc phạm nhân.

Chẳng kể đâu xa, mới cách đây vài hôm các chị đã phải thay nhau cắt cử trông một phạm nhân nữ là Phạm Ngọc Anh (16 tuổi, trú tại TP Hải Phòng). Từ ngày vào Trại tạm giam số 1, Ngọc Anh chưa bao giờ nhận được một món quà, hay sự quan tâm thăm hỏi của những người thân. Vào những giáp Tết Nguyên đán, Ngọc Anh bất ngờ nhận được một bọc quà là chiếc chăn của gia đình gửi vào… Vì tủi thân, trong lúc bồng bột thiếu suy nghĩ, Ngọc Anh đã tìm cách kết liễu đời mình bằng cách dùng chiếc móc sắt trong áo lót cắt cổ tay. 1h30' sáng hôm đó, đúng vào ca trực, Trung tá Hạnh phát hiện Ngọc Anh đang ngồi trong nhà vệ sinh nên đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, vì thế tính mạng của cô gái đáng thương được cứu sống.

Hiểu được tâm lý của Ngọc Anh, những ngày qua Trung tá Hạnh thường xuyên gần gũi, động viên chia sẻ, đối xử với Ngọc Anh như một cô con gái nhỏ. Được sự quan tâm, Ngọc Anh đã vơi bớt nỗi nhớ nhà và cảm giác bị bỏ rơi. Có lúc, không kiềm chế được cảm xúc của mình, Ngọc Anh cảm động ôm chầm lấy Trung tá Hạnh, khóc nức nở như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt hiếm hoi của một cô bé từng trải, sớm bị vứt lăn lóc trong trường đời! 

Trung tá Hạnh bùi ngùi: Hai mươi mốt năm gắn bó với nghề quản giáo, cũng là ngần ấy thời gian, chị chưa có một cái Tết trọn vẹn với gia đình. Những đêm giao thừa, khi Trung tá Hạnh đang trực chiến ở đơn vị thì chồng chị, một cán bộ Công an Hà Nội cũng đang có mặt ở các cung đường, đảm bảo cho những tuyến đường thông suốt, giúp người dân có một đêm giao thừa vui vẻ. Những lúc ấy, vợ chồng chị phải gửi cậu con trai, nhờ những người hàng xóm tốt bụng trông nom giúp. Hết ca trực, trong lúc mải miết phóng xe từ cơ quan về nhà, nhìn thấy những cặp vợ chồng tay trong tay đưa con đi chơi xuân, trong lòng chị lại trào dâng nỗi niềm thương con vô hạn. Nhưng rồi cảm giác đó nhanh chóng qua đi, chị tự nhủ rằng còn có nhiều đồng đội của mình cũng đang âm thầm làm nhiệm vụ.  

Năm đầu tiên đón Tết ở đơn vị, Trung sỹ Đặng Thị Xuyên, y tá Trại tạm giam số 1 cũng không khỏi bùi ngùi nhớ nhà, nhớ con. Trước Tết, các nhà trẻ nghỉ sớm nên cô con gái 3 tuổi, đã được Xuyên gửi về nhà ông bà nội nhờ trông nom giúp. Những lúc nhớ con, Xuyên chỉ biết gọi điện thoại, nhiều lúc chị phải kìm lòng mình, ngăn dòng lệ tuôn rơi trước câu nói bi bô của đứa con trẻ, hỏi bao giờ mẹ về? Những ngày Tết, công việc của Xuyên và các đồng nghiệp càng bề bộn hơn, họ vừa phải đảm bảo sức khỏe cho các phạm nhân lao động, cải tạo trong phân trại, lại lo sức khỏe cho các đối tượng đang tạm giữ.

Vừa tiếp chuyện chúng tôi, Trung sỹ Xuyên vừa nựng đứa bé 2 tháng tuổi, con của phạm nhân Nguyễn Thị Thu Hằng (32 tuổi, trú tại Cầu Đất, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Đây là cái Tết đầu tiên ở trong trại giam nên Hằng không khỏi xốn xang vì nhớ bố mẹ, nhớ đến 2 đứa con côi cút đang thèm khát vòng tay yêu thương của mẹ. Hằng ôm đứa con nhỏ, khóc sướt mướt, nói với chúng tôi: "Trung sỹ Xuyên là người mẹ thứ hai của con em…". Hằng bị bắt về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, khi vào trại được khoảng một tháng thì cô phát hiện có thai đứa con thứ 3. Lúc đó, Hằng vô cùng lo lắng cho sức khỏe của mình và đứa con trong bụng. Rồi, cô đã nhận được sự quan tâm của các y, bác sỹ trong Trại tạm giam số 1, đặc biệt là y tá Xuyên.

Vào những ngày trước và trong Tết thời tiết rất khắc nghiệt, y tá Xuyên thường xuyên lo cho mẹ con Hằng từng bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng, giúp mẹ con Hằng có được sức khỏe trong những ngày Hà Nội rét tê tái. Tận mắt chứng kiến một ngày làm việc của y tá Xuyên và các cộng sự mới thấu hiểu nỗi vất vả của các y, bác sỹ nơi đây. Những cô gái thân hình mảnh mai, "liễu yếu đào tơ" nhưng hằng ngày, hằng giờ vẫn phải tiếp xúc với những đối tượng mang căn bệnh thế kỷ, những người chẳng thiết sống với đầy những vết xăm trổ trên thân hình... Lúc này, chỉ có tình người mới giúp sưởi ấm được tâm hồn những con người lầm lỗi.

Bề bộn suốt một năm nhưng trước và trong Tết lại là thời điểm cán bộ Trại tạm giam số 1 Hà Nội vất vả hơn bao giờ hết. Năm nay, để đảm bảo cho các phạm nhân yên tâm cải tạo, Ban giám thị đã tổ chức cho các gia đình thăm, gặp phạm nhân. Họ như những người ươm mầm xuân, nhân mầm thiện trong mỗi con người lầm lỗi. "Cứu một người phúc đẳng hà sa"… Đó chính là những điều thôi thúc các cán bộ Trại tạm giam số 1 Hà Nội, vượt qua vất vả để cống hiến

Mai Xuân
.
.