Tết bi tráng 50 năm trước

Thứ Bảy, 10/02/2018, 08:49
“Lộ Vòng Cung năm Mậu Thân 1968 vô cùng ác liệt. Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom như thế mà các đồng chí lãnh đạo được bảo vệ an toàn tuyệt đối là một thành công lớn. Thành công đó là sự hy sinh dũng cảm, mưu trí sáng tạo, bình tĩnh, linh hoạt, quyết đoán và tận tụy của các đồng chí bảo vệ.

Đại tá Nguyễn Văn Phấn kể, đầu năm 1965, ông được Đơn vị bảo vệ Khu ủy Tây Nam bộ phân công đi bảo vệ lãnh đạo Khu ủy. “Khi nhận nhiệm vụ, tôi mới biết người mình bảo vệ là đồng chí Vũ Đình Liệu, bí danh Tư Bình, Thường vụ Khu ủy (sau này là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - PV). 

Quãng thời gian cả chục năm trời bảo vệ đồng chí lãnh đạo trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng nhớ nhất là những ngày ở “Tuyến lửa Vòng Cung” trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”.

Lộ Vòng Cung là tuyến đường chạy dọc theo bờ sông Cần Thơ hình cánh cung bao quanh gần trọn nội ô TP Cần Thơ, bắt đầu từ cầu Cái Răng, đi qua các phường, xã của quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền và quận Ô Môn ngày nay. 

Nửa thế kỷ trước, đây chính là vành đai phòng thủ của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố giữ để bảo vệ cơ quan đầu não Vùng 4 chiến thuật và Tiểu khu Phong Dinh đóng tại TP Cần Thơ. Địch đã đóng hàng trăm đồn bốt, sử dụng không quân, pháo binh, kể cả máy bay ném bom, thậm chí rải chất độc hóa học, thực hiện “Vùng lộ trắng”… 

Nơi đây, Quân khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ đã chọn làm điểm tập kết lực lượng, làm bàn đạp tiến công vào TP Cần Thơ và các mục tiêu quân sự trọng yếu của địch, như: Bộ Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, sân bay Trà Nóc, căn cứ hải quân…

Lãnh đạo TP Cần Thơ tham quan triển lãm “50 năm - Nhớ mãi Mùa Xuân 1968” tại Bảo tàng TP Cần Thơ.

Trở lại với câu chuyện gần ngót 50 năm trước, Đại tá Nguyễn Văn Phấn kể, khi ông đi về ngọn Trà Niềng - nơi đồng chí Tư Bình và Ban Chỉ huy tiền phương đang ở là vào sáng mùng 6 Tết. Lúc đó, một số anh em bảo vệ canh gác, số còn lại đào công sự. 8 giờ sáng, một chiếc trực thăng “cán gáo” đến quần đảo. 

“Tôi leo lên cây kiểm tra, xác định địch đang kéo vào theo sự dẫn đường của chiếc trực thăng cán gáo. Tôi hướng dẫn đồng chí Tư Bình ra khỏi nhà khoảng 200 mét đến ngã ba sông thì bị trực thăng địch phát hiện bắn xối xả. Đồng chí Chín Tiền và Năm Quang, cán bộ của Quân khu hy sinh tại chỗ”, Đại tá Nguyễn Văn Phấn nhớ lại.

Ngậm ngùi nhớ về đồng đội và sự khốc liệt của chiến tranh năm xưa, Đại tá Nguyễn Văn Phấn kể tiếp: “Tình hình quá nguy hiểm. Tôi không thể đưa đồng chí Tư Bình qua sông trong điều kiện như thế. Tôi thống nhất với đồng chí Tư Bình là chạy vào ruộng lúa. 

Mà từ bờ sông vào cánh đồng lúa phải qua hàng chục liếp vườn. Tôi cõng đồng chí Tư Bình vượt qua 4, 5 liếp vườn, trong khi trên đầu trực thăng bắn như mưa. Thấy tôi mệt, đồng chí Tư Bình không cho tôi cõng mà kè nhau vượt qua các bờ mương”.

Hai “thầy trò” bò vào ruộng lúa chừng 30m. Khi đó, đồng chí Tư Bình phát hiện có một số lính Mỹ đang rất gần nên ra lệnh khẽ: “Tụi Mỹ tới. Đừng bò, nằm xuống”. 

“Khi địch đi qua, chúng tôi bò vào ruộng lúa chọn chỗ rậm rạp nằm tránh trực thăng địch phát hiện. Thầy trò vừa thoát chết trong gang tấc, thì pháo 105 ly từ Chi khu Phong Điền bắn vào cách chúng tôi chừng 25m, mảnh pháo văng trúng miếng vải dù, đồng chí Tư Bình cầm xem còn nóng hổi”, Đại tá Nguyễn Văn Phấn kể tiếp. 

Đến 3 giờ chiều, dứt các đợt pháo, tiếng trực thăng xa dần, đồng chí Tám Phấn nghe ngóng thấy an toàn nên đưa đồng chí Tư về ngọn Rạch Miễu Ông gặp đồng chí Mười Dài và các đồng chí trong Ban Chỉ huy tiền phương. Ở đây đến ngày 9 tháng Giêng, một bộ phận Ban Chỉ huy tiền phương đã di chuyển ra ngoài lộ Vòng Cung để phân tán lực lượng… 

“Đầu tháng 3-1968, địch tăng cường phản kích rộng hơn, kiểm soát toàn tuyến Vòng Cung hết sức gắt gao. Để đảm bảo an toàn cho các đồng chí lãnh đạo, Ban Chỉ huy tiền phương tiếp tục chuyển bớt ra ngoài Vòng Cung”, Đại tá Nguyễn Văn Phấn vẫn nhớ như in.

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Văn Phấn, gần 200 ngày, đêm chiến đấu ác liệt trong cũng như ngoài lộ Vòng Cung Tết Mậu Thân 1968, lực lượng bảo vệ, phục vụ Ban Chỉ huy tiền phương hy sinh và bị thương khá nhiều. Tuy nhiên, các đồng chí lãnh đạo được bảo vệ an toàn, phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo Tổng tiến công Tết Mậu Thân. 

“Lộ Vòng Cung năm Mậu Thân 1968 vô cùng ác liệt. Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom như thế mà các đồng chí lãnh đạo được bảo vệ an toàn tuyệt đối là một thành công lớn. Thành công đó là sự hy sinh dũng cảm, mưu trí sáng tạo, bình tĩnh, linh hoạt, quyết đoán và tận tụy của các đồng chí bảo vệ. Thành công đó là sự che chở đùm bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ; sự hy sinh tính mạng, tài sản của biết bao gia đình nhân dân ở vùng này”, Đại tá Nguyễn Văn Phấn khẳng định.

Đại tá Nguyễn Văn Phấn, tên thường gọi là Tám Phấn, năm nay 76 tuổi, quê xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Tham gia cách mạng khi mới 17 tuổi, từ năm 1961 đến 30-4-1975, ông là bảo vệ Khu ủy Khu Tây Nam Bộ (thuộc Ban An ninh khu Tây Nam bộ). Sau ngày 30-4-1975, đồng chí được phong quân hàm Đại úy. Từ năm 1975 đến năm 1992, đồng chí Nguyễn Văn Phấn lần lượt trải qua các chức vụ: Phó Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ; Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế; Trưởng Công an huyện Mỹ Tú (tỉnh Hậu Giang cũ, nay là tỉnh Sóc Trăng). Từ năm 1992 đến 2003, đồng chí giữ chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Cần Thơ (nay là TP Cần Thơ). Hiện, Đại tá Nguyễn Văn Phấn là Chủ nhiệm CLB hưu trí Công an TP Cần Thơ, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn K31, bảo vệ Khu ủy Tây Nam bộ.
Đức Văn
.
.