Tết ở Đồn Công an giáp ranh ba tỉnh

Thứ Sáu, 20/02/2015, 10:09
Với các chiến sĩ, cán bộ của Đồn Công an 89, năm nay là Tết thứ 3 họ xa nhà, nơi xung quanh chỉ có núi bao bọc ở một địa bàn được coi là điểm “nóng” về ma túy của tỉnh Hòa Bình.

1. Rót chén rượu thơm nồng, cụng li chúc mừng năm mới đúng kiểu của bà con dân tộc Thái  ở xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, Đại tá Phạm Mạnh Chấn, Phó Trưởng Đồn Thường trực Đồn Công an 89, tươi cười giới thiệu, đây là rượu của bà con tặng anh em chiến sĩ của Đồn ăn Tết. Nhớ lại ngày 14/11/2012, Đồn Công an 89 chính thức đi vào hoạt động, cũng là ngần ấy thời gian Đại tá Chấn cùng anh em của Đồn đón Tết xa nhà.

Đại tá Phạm Mạnh Chấn chia sẻ, Đồn có nhiệm vụ tổ chức công tác nắm tình hình, bảo vệ an ninh, trật tự. Trong năm 2014, Đồn Công an 89 phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh Hòa Bình và Công an huyện Mai Châu đã bắt quả tang 9 vụ 13 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 30 bánh và 57,47g heroin; hơn 10 nghìn viên ma túy tổng hợp; 3 ôtô, 6 xe máy và một số tang vật kèm theo. Ngoài giấy khen của lãnh đạo trao thưởng, các anh còn nhận được sự giúp đỡ, tin tưởng, thương yêu của bà con dân tộc trên địa bàn huyện Mai Châu, nơi Đồn đang đóng quân.

Xuân không chỉ về với thiên nhiên, trên mọi nẻo đường thôn xóm mà còn phủ tràn hương sắc trong Đồn Công an 89. Dù chỉ là nhà thuê nhưng không gian rực sáng hơn, khí xuân như ấm áp hơn bởi nghĩa tình đồng đội, các hoạt động vui đón Tết. Quây quần quanh nồi bánh chưng, cành đào phai hoa nở rực rỡ được anh em lấy từ xã Hang Kia – Pà Cò càng làm cho không khí Tết thêm ấm cúng. Mùa xuân năm nay, khi mọi người sum họp, có rất nhiều chiến sĩ nghĩa vụ trẻ tình nguyện ở lại Đồn. Mỗi người trong số họ đều gắng sức hoàn thành công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao phó.

2. Trước Tết mấy tháng, chiến sĩ nghĩa vụ Nguyễn Quyết Tiến, quê ở Hải Dương, quân số thuộc Đội Cảnh sát cơ động (Đồn Công an 89) viết lá đơn xin ra quân với lí do xa nhà và cực khổ thiếu thốn quá. Nhận được tin, bố mẹ chiến sĩ này lặn lội hàng trăm cây số lên động viên con trai. Chỉ còn một đêm nữa ở lại Đồn, nghe vẻ ý chí của chiến sĩ Tiến sẽ quyết tâm về cùng với bố mẹ.

Trước sự việc này, Thiếu tá Phú Đình Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát cơ động (Đội 4) rất băn khoăn, bởi một chiến sĩ về, tay như mất một khúc, không thể để lòng anh em lung lay. Sau bữa cơm tối, Thiếu tá Đức gọi riêng chiến sĩ Tiến ra một chỗ động viên an tâm tư tưởng và để chiến sĩ Tiến hiểu thêm về công việc của một chiến sĩ cảnh sát cơ động. Sau 2 tiếng tâm sự ấy, Tiến bước vào xin phép bố mẹ cho ở lại cùng anh em. Đêm đó, cả Đội vui mừng không ai chợp mắt được.

Do đặc thù công việc, Tết Ất Mùi Đội 4 phải ở lại làm nhiệm vụ 100% quân số. Đồn Công an 89, hầu hết cán bộ chiến sĩ nghĩa vụ tuổi đời còn rất trẻ (đều ở độ tuổi sinh năm 1991 cho đến 1994). Đặc biệt hơn, họ đến từ 8 dân tộc gồm Kinh, Mông, Thái, Mường, Tày, Nùng, Thổ, Dao, có chiến sĩ nghĩa vụ nhà xa nhất quê ở Nghệ An. Với phương châm tiết kiệm, cải thiện đời sống, Đồn thuê 3 mảnh ruộng của người dân địa phương để trồng rau và ao 60m2 thả các loại cá.

“Tết năm nay Đồn đã chuẩn bị tươm tất mọi thứ. Cá đầy ao, gà cũng được chuẩn bị sẵn, các loại rau quả thì… vô tư. Tết này cán bộ, chiến sỹ sẽ được ăn ngon, thịnh soạn hơn...”, Thiếu tá Đức chia sẻ.

Trong khuôn viên nhà ở của Đội 4, vốn dĩ là thuê lại của một gia đình bà con dân tộc Thái, thuộc xã Chiềng Châu (Mai Châu). Dù chật chội nhưng đã được anh em cải tạo thành nơi ở, chơi thể thao đánh bóng bàn, bóng rổ... Sinh hoạt thường nhật là thế, còn trong lúc luyện tập lính Cảnh sát cơ động của Đội 4 lại hăng say quên mình chịu đau bởi những bài tập khó. Việc dãn dây chằng ở lưng, chảy máu ở chân, tay... là thường xuyên xảy ra đối với lính Cảnh sát cơ động.

Trong thời khắc chuyển giao năm cũ đón năm mới, để khuyến khích mọi người cùng kể chuyện, các tổ của Đội 4 tổ chức đêm Giao thừa tâm tình. Đêm ấy, những người rời kíp trực sẽ ngồi quây quần bên nhau, cùng kể chuyện riêng ở nhà, với các ngôn ngữ, giọng điệu của quê hương mình. Những phong tục đón Tết của từng dân tộc, chuyện đi học thời phổ thông, chuyện mắc lỗi bị bố mẹ đánh đòn và cả những rung động đầu đời của cậu thanh niên mới lớn...

Mỗi câu chuyện là những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng đã đoàn kết toàn Đội 4 thành khối thống nhất, hiểu nhau hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Vào giờ khắc thiêng ấy, ai cũng hướng về gia đình và những người yêu thương nhất.

Với những lính Cảnh sát cơ động cũng không ngoại lệ. Trung sĩ Xa Thị Huyền, cô gái trẻ của Đồn Công an 89, quê ở tỉnh Sơn La tâm sự: “Nhớ nhà lắm! Nhất là thời khắc giao thừa, phụ nữ lại hay yếu đuối thường mau nước mắt, nhưng sau đó lại nghiêm trang chỉnh tề trang phục, tất cả vì công việc”.

Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, nỗi nhớ nhà và khát khao đoàn tụ lại trào dâng trong mỗi người. Thế nhưng, với những cán bộ, chiến sỹ Đồn Công an 89 đang đóng quân trên mảnh đất  “thơm nếp xôi” đã vượt lên tất cả, sẵn sàng gác lại tình cảm riêng để làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm về ma túy và bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn giáp ranh 3 tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Sơn La.

Minh Hiền
.
.