Tập trung giúp nhân dân khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 14

Thứ Hai, 11/11/2013, 18:01
Mặc dù bão đã tan nhưng Lực lượng Công an vẫn "chốt" tại các điểm nóng nhằm chống ùn tắc giao thông, bên cạnh đó giúp nhân dân khắc phục hậu quả như lợp lại mái nhà, thu hoạch hoa màu, dọn dẹp vệ sinh, cây cối đổ gãy… Đồng thời, yêu cầu Công an các đơn vị tổ chức lực lượng đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự cho bà con di chuyển tài sản, ổn định cuộc sống.
>>Công an các đơn vị, địa phương dốc sức, chủ động phòng, chống siêu bão Haiyan

Tại Quảng Ninh:

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh tính đến chiều ngày 11/11, bão số 14 không gây thiệt hại về người. Trên địa bàn tỉnh có 43 nhà bị đổ; 843 nhà bị tốc mái; 14 nhà bị ngập úng; 16 phòng học bị tốc mái; 55 công trình phụ bị hư hỏng; 16 chiếc tàu thuyền bị chìm (trong khu neo đậu); 360m2 bè mảng bị hư hỏng; 2 cột ăngten bị đổ; 3.360m2 nhà lưới bị hư hỏng; 279ha hoa màu bị hư hỏng; một số nhà cửa bị vữa kính, đổ tường rào; nhiều cây xanh đường phố bị đổ và gẫy. Dù con số thiệt hại vẫn đang tiếp tục được thống kê, ước tính tổng thiệt hại lên đến gần 100 tỷ đồng. Đặc biệt, trong bão, một tàu vãng lai chở đá mang BKS HD1089 của Hải Dương trọng tải 650 tấn neo đậu tại Vân Đồn bị đứt neo trôi dạt và đắm tại Cẩm Phả. Ngay sau khi nhận được tin báo, Đồn BP Cửa khẩu Cảng Cẩm Phả đã huy động lực lượng ra ứng cứu nhưng chỉ cứu sống được một thuyền viên. Hiện chưa có tin thêm về kết quả tìm kiếm 3 thuyền viên mất tích. Như vậy, có thể coi những trường hợp mất tích này là thiệt hại về người trong bão Haiyan tại Quảng Ninh.

Lực lượng Công an đang tích cực giúp nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống

Theo báo cáo từ các địa phương thì nơi được cho là thiệt hại nặng nề nhất trong bão là TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, công tác khắc phục hậu quả đang tích cực triển khai và do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đọc trực tiếp chỉ đạo. Theo đó, TP Hạ Long đang khẩn trương thu dọn, sửa chữa nhiều lán trại của công nhân xây dựng ga tàu cảng Cái Lân bị tốc mái; 1 nhà ở phường Hà Trung bị sụt lún. Tại huyện Vân Đồn công khắc phục tập trung vào 148 nhà bị tốc mái, 5 nhà bị đổ; tìm kiếm và trục vớt 9 tàu trọng tải từ 2 đến 10 tấn bị đắm. Tương tự, tại TP Cẩm Phả, Chủ tịch UBND tỉnh đang chỉ đạo khẩn trương hỗ trợ trên 300 trường hợp nhà dân bị tốc mái, gia cố các hồ đập chứa và chắn đất đá thải, nước thải của các đơn vị thuộc Tập đoàn than khoáng sản, đề phòng mưa lớn xuất hiện sau hoàn lưu bão sẽ gây thiệt hại nặng nề như đã từng xảy ra.

Gia cố lại bờ kè bị sạt lở tại huyện Tiên Yên

Tại huyện miền núi Tiên Yên, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh  Đỗ Thông hiện đang có mặt chỉ đạo ứng cứu và khắc phục hậu quả. Hiện các đơn vị đã khắc phục xong sự cố sạt lở bề mặt đê Trường Đoàn, xã Tiên Lãng.

Ngay trong buổi sáng 11/11, các đơn vị quân và dân trong huyện đã gia cố ngăn chặn được hiện tượng nước lũ tràn qua mặt đê. Phần còn lại là tập trung các giải pháp tiêu úng tại thị trấn Tiên Yên đang bị ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1m. Dự kiến đến hết ngày 11/11 sẽ giải quyết xong tình trạng ngập úng.

Nhiều địa phương khác trong tỉnh, người dân được sự trợ giúp tối đa của các tập thể, đơn vị LLVT, các cấp ngành đang nỗ lực triển khai đồng loạt nhiều phương án khắc phục hậu quả, giải phóng ách tắc giao thông, đưa người dân sơ tán trở lại địa bàn cư trú.

Theo Phòng CSGT – Công an tỉnh Quảng Ninh, mặc dù bão đã tan nhưng các đơn vị vẫn duy trì tình trạng chốt điểm tại các điểm nóng nhằm chống ùn tắc giao thông và không để xảy ra TNGT.

Tất cả những nỗ lực trên cho thấy, dù bão số 14 đến tỉnh Quảng Ninh là yếu tố hoàn toàn bất ngờ với cường độ mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền nhưng cả tỉnh đã chung sức, đồng lòng đối phó hiệu quả tất cả các tình huống trước, trong và sau bão. Nhờ đó thiệt hại sau bão Haiyan không đáng kể và có thể khắc phục rất nhanh để trở lại nhịp điệu cuộc sống bình thường. 

Tại Nam Định:

Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nam Định, toàn tỉnh có 121.400 người ở 3 huyện ven biển (Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng) đã được di dời đến nơi an toàn trước cơn bão. Hơn 2.000 tàu thuyền cũng được đưa về neo đậu ở những nơi an toàn tránh bão. Ban chỉ huy PCLB tỉnh cũng đã xuất 100.000 bao tải để chuyển tới 3 huyện ven biển để phòng sự cố trong bão.

Tính đến trưa ngày 11/11, theo thống kê sơ bộ của Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, chưa phát hiện thiệt hại nào về người. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 2 và bão số 6 chưa khắc phục xong, bão số 14 tiếp tục gây ảnh hưởng nên hai bãi tắm Quất Lâm và Thịnh Long bị hư hỏng, sập sụt nặng nề. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định có hơn 20.000 cây rau màu vụ đông chủ yếu là khoai tây, cà chua, dưa, bí, đậu tương… và một diện tích lớn lúa Tám thơm và lúa đặc sản sắp đến vụ thu hoạch, hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.

Tại huyện Hải Hậu, khu vực mỏ số 4 kè Mỏ Hải Thịnh 2 thềm cơ bị lún võng, thềm cơ cánh mỏ phía trong bị sập dài 5m, mái đầu cánh mỏ phía đông bị sập khoảng 18m2; khu vực mỏ số 5 hai bên thềm cơ thân mỏ cũng bị lún võng, sập mỗi bên dài 35m, mái đầu cánh mỏ bị sập khoảng 10m2, mặt cánh mỏ sập dài 35m, đồng thời một số cấu kiện bị mất. Khu vực bãi Cồn Tròn Hải Hòa do hiện tượng biển tiến bãi thoái và triều cường đã làm mất phần lớn lượng cây chắn sóng ở bãi này, sơ bộ ban đầu ước khoảng 2.000 ha cây bị chết và bị mất. 9h sáng ngày 11/11, tại bãi tắm Thịnh Long (huyện Hải Hậu) vẫn có những con sóng dâng cao tầm 3m, gió khá mạnh.

Công an tỉnh Nam Định đang giúp nhân dân lợp lại mái nhà sau cơn bão.

Đại tá Trần Văn Nhận, Trưởng Công an huyện Giao Thủy cho biết, cơn bão số 14 gây ảnh hưởng đến địa bàn huyện Giao Thủy từ 10h đêm ngày 10/11 đến khoảng 2h sáng ngày 11/11, có lúc gió giật lên đến cấp 10. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh và Ban PCLB tỉnh Nam Định, ngày từ ngày thứ 7, Công an huyện Giao Thủy đã huy động 100% quân số giúp dân chằng chống nhà cửa đối phó với cơn bão số 14. Công an huyện Giao Thủy đã phối hợp với bộ đội biên phòng kêu gọi gần 900 phương tiện tàu thuyền đến nơi trú ẩn an toàn, người dân ở gần 1.000 chòi canh nuôi trồng thủy sản vào bờ trú ẩn. Đến thời điểm này, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể trên địa bàn huyện Giao Thủy nhưng không có thiệt hại nào về người và nhà cửa, chỉ có thiệt hại một số về hoa màu, thủy sản nuôi trồng. Đại tá Nhận cho biết, nhằm giúp dân khắc phục hậu quả sau bão, Công an huyện Giao Thủy đã tổ chức lực lượng tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hệ thống đê kè, đồng thời bố trí lực lượng dọn dẹp cây cối đổ gãy, giúp dân di chuyển người và tài sản trở về sau khi đi tránh bão. Lực lượng sẽ tập trung chủ yếu tại các xã Tân Hồng, Giao Thiện, TT Quất Lâm bởi đây là những địa phương chịu ảnh hưởng lớn nhất. Hết ngày 11/11, điện và nước sinh hoạt đã được cấp trở lại, đảm bảo cuộc sống thường ngày cho người dân.   

Thiếu tướng Đặng Văn Sinh, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định cho biết, ngay khi nhận được Công điện khẩn của UBND tỉnh, Bộ Công an về công tác phòng, chống cơn bão số 14 Haiyan, Công an tỉnh Nam Định đã thành lập 3 tổ công tác, do trực tiếp các đồng chí trong Ban Giám đốc Công an tỉnh tổ chức đi kiểm tra công tác phòng chống bão của các địa phương, nhất là khu vực xung yếu của các huyện ven biển như Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Các đơn vị công an trong tỉnh đã thực hiện ứng trực 100% quân số, tổ chức bảo vệ kho tàng, tài liệu, các nhà tạm giữ… Huy động các mũi xung kích tập trung xuống các địa điểm xung yếu, phối hợp với công an các huyện, chính quyền địa phương khẩn trương  giúp dân chằng chống lại nhà cửa, di dời nhân dân nhất là phụ nữ trẻ em, người già và người neo đơn; đảm bảo ANTT, an toàn về tài sản và tính mạng cho nhân dân trong các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt và sạt lở cao... đảm bảo hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi bão đổ bộ vào Nam Định.

Đến 17h, ngày 10/11/2013 đã phối hợp kêu gọi cho 2.089 tàu thuyền, 8968 ngư dân về nơi trú ẩn an toàn, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi; đảm bảo ANTT di dời trên 20.700 người và 2.500 hộ dân vùng xung yếu, người nuôi trồng thuỷ sản về nơi trú ẩn an toàn.

Lực lượng Công an tỉnh Nam Định đang đắp lại một bờ kè bị sạt lở sau bão.

Thiếu tướng Đặng Văn Sinh cho biết thêm, ngay sau khi cơn bão đi qua, Công an tỉnh Nam Định đã tổ chức lực lượng tăng cường xuống các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều nhất thuộc 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng giúp người dân khắc phục hậu quả như lợp lại mái nhà, thu hoạch hoa màu, dọn dẹp vệ sinh, cây cối đổ gãy… Đồng thời, yêu cầu công an các đơn vị tổ chức lực lượng đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự cho bà con di chuyển tài sản, ổn định cuộc sống.

Tại Quảng Bình:

Ngày 11/11, tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, phòng chống bão số 14, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có một người chết và 24 người bị thương trong lúc chằng chéo nhà cửa, chặt cây cối để chống bão. Nạn nhân tử vong được xác định là anh Phạm Thanh Tương (SN 1962), trú phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. 24 người bị thương trong lúc chằng chéo nhà cửa và chặt cây cối chống bão ở huyện Quảng Trạch có 11 người, Tuyên Hoá 3 người, Quảng Ninh 4 người...

Ngày 11/11, hàng ngàn người dân ở các vùng ven biển thuộc huyện Bố Trạch, Lệ Thuỷ, Quảng Ninh đi trốn tránh bão được sự giúp đỡ của lực lượng Công an, Quân đội đã về nhà ổn định sinh hoạt

Phan Hoạt - Duy Hùng – Lê Minh Triết - Sông Lam
.
.