Xuất xứ một nguồn tin quan trọng

Thứ Bảy, 29/04/2017, 23:32
Tác giả bài viết này muốn nhắc tới một bức điện của Cụm Tình báo H67 (Đơn vị Anh hùng) từ căn cứ bám trụ ở Bến Tre gửi về Trung tâm (Đoàn Tình báo Chiến lược J22) cách đây gần một phần hai thế kỷ (tháng 8-1970) – sáu tháng trước thời điểm quân lực Việt Nam Cộng hòa (quân đội của chế độ Sài Gòn) mở chiến dịch “Lam Sơn 719”.

Phía ta gọi là chiến dịch “Đường Chín Nam Lào”, diễn ra vào mùa khô năm 1971 (mở màn chiến dịch ngày 8-2 và kết thúc ngày 24-3-1971).

Đây là chiến dịch cực kỳ quan trọng, nằm trong mưu đồ của các nhà chiến lược Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn, bởi chiến thắng của nó sẽ minh chứng hùng hồn về chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” mà hồn cốt của nó là “hỏa lực Mỹ cộng với quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) đủ sức tiêu diệt “Việt Cộng” giành toàn thắng trên chiến trường”. 

Tiếc thay, cục diện cuộc chiến đã đảo ngược hoàn toàn, “Lam Sơn 719” trở thành chiến dịch thảm bại, dẫu rằng nó đã được chuẩn bị công phu từ nhiều tháng trước – vũ khí, khí tài, đạn bom, các phương tiện phục vụ chiến đấu, tới lực lượng tham chiến được huy động tối đa. 

QLVNCH huy động tới 17.000 quân, sau tăng lên 21.000 (không kể 10.000 quân hỗ trợ ở tuyến sau), cùng với 450 xe tăng thiết giáp và 250 khẩu pháo các loại; phía Hoa Kỳ huy động 10.000 quân, 800 trực thăng, 300 máy bay cường kích, 50 máy bay vận tải, 50 máy bay chiến lược B52.

Với thế chủ động tiến công quy mô lớn, nên các nhà chiến lược quân sự Sài Gòn nghĩ rằng sẽ nắm chắc phần thắng trong tay, nên ngay từ khi mở màn chiến dịch và những ngày sau đó, họ đều cho đăng công khai trên báo chí diễn biến tình hình chiến sự. 

Cố nhiên, họ tô vẽ, thổi phồng cho cái gọi là chiến thắng lẫy lừng của chiến dịch để khích lệ tinh thần binh sĩ và che đậy cho sai lầm chiến thuật bởi sự đọ sức quá bất ngờ với xe tăng, pháo binh của “Việt Cộng”, để rồi tới ngày kết thúc “Lam Sơn 719” (24-3) trở thành cuộc rút lui không kèn không trống, bởi sự thất bại nặng nề với 168 trực thăng bị phá hủy, trên 600 chiếc bị hư hỏng, hơn 1.000 xe các loại và 112 khẩu pháo, súng cối bị phá hủy, tịch thu.

Hàng ngàn binh lính bị tiêu diệt. Hơn 1.000 binh sĩ, sĩ quan bị quân giải phóng bắt sống (trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Thọ - Lữ đoàn trưởng Tăng thiết giáp).

Những ngày tháng 3 năm ấy trở thành mốc son lịch sử của quân giải phóng miền Nam, báo hiệu sự phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Hoa Kỳ, tạo niềm tin và cơ sở vững chắc làm nên chiến thắng lịch sử 30-4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tác giả (bìa phải) trở lại Bến Tre thăm đồng đội ngày 30-4-2012.

Đã có hàng trăm, hàng nghìn bài báo viết về chiến dịch trên. Nhân kỷ niệm lần thứ 42 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và kỷ niệm lần thứ 46 chiến thắng Đường 9, tác giả bài viết này xin nêu một sự việc về chiến công thầm lặng của một lưới điệp báo nội thành của Cụm Tình báo H67 góp phần tạo nên chiến thắng trên.

Đầu tháng 8-1970, Cụm Tình báo H67 nhận được một báo cáo của điệp viên từ Sài Gòn gửi về căn cứ. Cụm trưởng Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh) chỉ đạo tôi điện gấp về Trung tâm. 

Nội dung báo cáo tóm tắt như sau: “Tổng hợp các nguồn tin thu thập được cho thấy, mấy tháng gần đây có sự di biến động rất lớn về quân số, vũ khí, xe cộ… của QLVNCH hướng về miền Trung. Nhận định: Nhiều khả năng mùa khô năm tới sẽ diễn ra một chiến dịch lớn. Trọng điểm là đường số 9 tại khu vực hạ Lào. 

Với mục đích: Tiêu diệt sinh lực, phá hủy hậu cứ, kho tàng của “Việt Cộng” nhằm thực hiện ý đồ chiến lược “bình định đường 9” trong 2 năm, buộc tất cả các toán quân Bắc Việt chi viện cho “Việt Cộng” ở miền Nam Việt Nam phải chấp nhận giao chiến tại đây. 

Chỉ 2 năm thôi, các đơn vị cơ sở của “Việt Cộng” sẽ cạn kiệt nguồn chi viện nhân lực, vũ khí, khí tài, lương thực, thực phẩm… hết khả năng chống đỡ với sức mạnh của QLVNCH, đồng nghĩa với viễn cảnh “quân đội quốc gia” sẽ toàn thắng trên chiến trường”.

Là người được giao trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp báo cáo của các điệp viên, vì nguyên tắc nghiệp vụ, tôi không được biết cụ thể về họ, song với kinh nghiệm nghề nghiệp và quá trình lâu năm công tác ở đơn vị, nghiên cứu báo cáo của họ, tôi vẫn có thể suy đoán xuất xứ của mỗi nguồn tin. 

Với bản báo cáo đặc biệt lần này thì nhiều khả năng nguồn tin phải là người nằm trong Bộ Tổng tham mưu QLVNCH và chắc chắn người đó phải là một sĩ quan tầm cỡ. Dẫu là dự đoán thời điểm diễn ra chiến dịch quá xa (mùa khô năm tới), song, trước sự hồ hởi của Cụm trưởng, tôi thầm nghĩ đây là nguồn tin đáng tin cậy. 

Trước khi chuyển tài liệu cho tôi, dù ngồi ở dưới hầm làm việc, ông hạ thấp giọng chỉ đủ hai người nghe: “Đây là báo cáo của H81 (bí số của điệp viên), nội dung hay lắm. Đồng chí cho điện ngay trong phiên liên lạc gần nhất theo chế độ “Tối khẩn”. Đúng, sai chưa biết, nhưng đây là nguồn tin quan trọng để cấp trên nghiên cứu, phối kiểm qua báo cáo của các đơn vị bạn, để chủ động đối phó”. 

Nghe Cụm trưởng nhắc tới H81, tôi giật mình nhớ lại sự việc từ 3 năm trước. Cụm trưởng Bảy Vĩnh được giao nhiệm vụ vào Sài Gòn điều nghiên một số mục tiêu quan trọng phục vụ cho chiến dịch Mậu Thân, trong đó có Bộ Tổng tham mưu. 

Theo báo cáo của ông thì người trực tiếp đưa ông thị sát mục tiêu này là H81 (sĩ quan có cấp hàm Thiếu tá) làm việc trong Bộ Tổng tham mưu. Đó là cơ sở để chúng tôi đặt niềm tin vào chất lượng bản báo cáo lần này. Nhiều tháng sau đó là những ngày thấp thỏm theo dõi tình hình chiến sự miền Trung. Cho tới trưa ngày 9-2-1971, có chuyến giao thông từ Sài Gòn về căn cứ. 

Tôi đang làm việc dưới hầm, bỗng nghe tiếng Cụm trưởng gọi phía trên, vội chạy lên, ông dúi vào tay tôi tập báo: “Quà của cậu đây. Nổ rồi! toàn tin sốt dẻo. Địch đã mở chiến dịch miền Trung, lấy tên là “Lam Sơn 719”. Đăng công khai trên báo chí. Tôi sẽ giao cho bộ phận điện đài của cậu Lĩnh theo dõi, tập hợp tin tức trên đài phát thanh của ta. 

Ba Dương (tên thường gọi của tôi ở chiến trường) tập trung nghiên cứu báo chí Sài Gòn. Hằng ngày có cơ sở ở Mỹ Tho chuyển về. Tập hợp hai nguồn tin để thông báo trong đơn vị và khi có chủ trương của cấp trên, đồng chí sẽ thay mặt đơn vị tham gia công tác tuyên truyền chiến thắng tới các đơn vị bạn và địa phương”.

Thế là từ đó, ngoài công tác chuyên môn, tôi dành thời gian nghiên cứu, tập hợp tình hình chiến sự trên báo. Tập trung vào 2 tờ Nhật báo Tin sáng và Điện tín và 2 tạp chí Đối diện và Đứng dậy. 

Đó là những ấn phẩm xuất bản tại Sài Gòn, với sự có mặt của nhiều cây viết cự phách lúc đó mà hầu hết họ là người thuộc “lực lượng 3”, nhiều người là nghị sĩ Quốc hội, bất đồng với chính phủ quốc gia của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Vì vậy, nội dung các bài viết của họ thể hiện khách quan hơn.

Thắng lợi to lớn chiến dịch Đường 9 đã đập tan mưu đồ thâm hiểm của đối phương. Những người quan tâm tình hình chiến sự lúc đó đều suy đoán rằng “quân đội quốc gia đã rơi vào bẫy của quân giải phóng”. 

Hẳn nhiên là vậy. Cái bẫy khổng lồ ấy được hình thành từ trí tuệ, tài thao lược của các cấp chỉ huy; công sức và lòng dũng cảm của các lực lượng quân giải phóng, trong đó có phần đóng góp quan trọng của lực lượng hoạt động bí mật trong lòng địch.

Hà Nội, tháng 4-2017

Ký sự của Khổng Minh Dụ
.
.