Sỹ quan bảo vệ tiếp cận và những điều ít biết

Chủ Nhật, 06/02/2011, 07:52
Họ là những sỹ quan thuộc lực lượng đặc biệt Bộ Tư lệnh Cảnh vệ (Bộ Công an) chuyên đảm trách nhiệm vụ bảo vệ các nguyên thủ, chính khách quốc tế đến thăm Việt Nam. Xuất hiện bên cạnh yếu nhân trong những bộ veston lịch lãm, ngoài việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho khách, những sỹ quan bảo vệ tiếp cận còn  mang đến cho các vị khách cảm nhận về một Việt Nam hoà bình, thân thiện và hiếu khách.

Ở các nước trên thế giới họ có những đội vệ sỹ hay cận vệ được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cực kỳ bài bản, công phu, đồng thời được trang bị những thiết bị, vũ khí hiện đại bậc nhất. Mục đích cuối cùng là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các yếu nhân. Do tính chất công việc đặc biệt quan trọng nên những sỹ quan Cảnh vệ Việt Nam cũng không nằm ngoài những yêu cầu và đòi hỏi đó.

Thượng tá Vũ Minh Thản tâm sự: Đối với những sỹ quan bảo vệ tiếp cận, công tác huấn luyện, trau dồi nghiệp vụ luôn đòi hỏi rất cao. Ngoài những bài huấn luyện võ thuật, bắn súng theo định kỳ, những sỹ quan bảo vệ tiếp cận cũng phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản khác về bơi lội, điền kinh và khả năng ứng xử, giao tiếp.

Thủ tướng Australia Howard đi quanh hồ Hoàn Kiếm năm 2006 - đi sát bên cạnh là sỹ quan bảo vệ tiếp cận Việt Nam Trung tá Nguyễn Quang Khai.

Còn nhớ hồi APEC 2006 những người dân tập thể dục ven hồ Hoàn Kiếm đã khá bất ngờ khi thấy Thủ tướng Úc Jonh Howard quần short chạy bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào sáng sớm. Thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, nên vị nguyên thủ nổi tiếng thế giới này nhanh chóng được nhiều người dân Hà Nội nhận ra. Chạy sát bên cạnh vị Thủ tướng Australia, người ta nhìn thấy một thanh niên Việt Nam cũng quần short, áo phông. Nhìn bề ngoài ít ai biết được đó là Trung tá Nguyễn Quang Khai - sỹ quan bảo vệ tiếp cận thuộc lực lượng Cảnh vệ Việt Nam, người được giao nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng Australia. Đó là tình huống bảo vệ nằm ngoài dự kiến ban đầu nhưng cuối cùng tất cả đã diễn ra cực kỳ suôn sẻ…

Bảo vệ tiếp cận là theo sát như hình với bóng bên cạnh chính khách, nguyên thủ ở cự ly gần nhất cho phép. Do tính chất công việc nên ngoài công việc bảo vệ, nhiều lúc những sỹ quan này còn phải là những "hướng dẫn viên du lịch" khi khách đặt câu hỏi. Những sỹ quan bảo vệ tiếp cận kể với chúng tôi rằng chuyện các anh bơi dưới chân hòn Ti Tốp ở Vịnh Hạ Long hay các bãi biển ở miền Trung vài giờ đồng hồ là chuyện thường gặp trong những chuyến bảo vệ yếu nhân khi những vị khách này bất ngờ thay đổi lịch trình và… tắm biển.

Bảo vệ Quốc vương Campuchia sang thăm Việt Nam

Niềm vinh quang lặng lẽ

Đối với những sỹ quan bảo vệ tiếp cận, được giao nhiệm vụ bảo vệ một nguyên thủ, chính khách vừa là nhiệm vụ nặng nề nhưng đồng thời cũng là vinh dự lớn. Trung tá Phạm Văn Thắng, người đã có 25 năm trong lực lượng Cảnh vệ và có hàng chục lượt bảo vệ các nguyên thủ, chính khách quan trọng chia sẻ: Để đảm bảo việc bảo vệ an toàn cho khách, người sỹ quan bảo vệ tiếp cận còn phải tìm hiểu nét đặc trưng văn hoá của nước bạn, cả những đặc điểm, thói quen cá nhân được bảo vệ để từ đó có những cách ứng xử phù hợp trong công tác tiếp cận. Ở Phòng 7 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ có một nữ sỹ quan còn khá trẻ đó là Trung úy Lê Thị Hiền.

Tốt nghiệp Học viện An ninh khoa Ngoại ngữ tin học năm 2006, Hiền xin về công tác tại Phòng 7 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Cho đến nay cô đã tham gia bảo vệ tiếp cận hàng chục nữ nguyên thủ, chính khách và các phu nhân như: Tổng thống Ấn Độ, Tổng thống Philippines, phu nhân Thủ tướng Thái Lan, phu nhân Tổng thống Hàn Quốc...

Hiền kể không ít lần những nữ chính khách, phu nhân đề nghị hạn chế bớt lực lượng bảo vệ để được thoải mái hoà mình dạo phố ăn kem hoặc mua sắm như một du khách. Trong những tình huống ngoài dự kiến đó, cô và một sỹ quan an ninh của bạn sẽ trực tiếp phải đảm nhận việc đảm bảo an toàn cho khách…

Bảo vệ Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm Việt Nam năm 2006.

Đối với các sỹ quan Cảnh vệ, được bảo vệ cho các nguyên thủ tầm cỡ trên thế giới luôn là một vinh dự. Trung tá Lê Bá Hằng - người có hơn 20 năm thâm niên trong lĩnh vực này đã kể cho tôi nghe kỷ niệm về lần anh vinh dự được bảo vệ Chủ tịch Fidel Castro trong dịp Chủ tịch sang thăm Việt Nam vào tháng 3/2003. Từng bảo vệ những nguyên thủ, chính khách nổi tiếng như: Vua Thụy Điển, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nga… tuy nhiên đối với Lê Bá Hằng, những cảm xúc và ấn tượng về lần bảo vệ Chủ tịch Fidel Castro vẫn còn nguyên vẹn.

Anh tâm sự: Lần đó, trên suốt chuyến xe từ sân bay Nội Bài về đến Hà Nội, Chủ tịch Fidel Castro đã làm cho người sỹ quan Cảnh vệ Việt Nam đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Là người rất am hiểu, thường xuyên quan tâm đến Việt Nam, ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay, Chủ tịch đã quay sang người sỹ quan bảo vệ tiếp cận và đặt câu hỏi: "Nhà ga sân bay này là do ta làm hay phải đi thuê?", câu hỏi bất ngờ và cách dùng từ ngữ hết sức tình cảm của Chủ tịch đã làm Lê Bá Hằng xúc động. Dọc trên suốt quãng đường về Hà Nội, Chủ tịch liên tục trò chuyện với người sỹ quan bảo vệ tiếp cận như một người thân vừa đi xa trở về. Ông bảo: "Tôi sang lần này thấy cảnh vật đổi thay nhiều quá, hàng quán cũng sầm uất hơn lần trước". Rồi ông hỏi hiện tại Việt Nam xuất khẩu được bao nhiêu gạo?, bao nhiêu cà phê?... Bình dị và gần gũi.

Ấn tượng về Chủ tịch Fidel Castro trong những sỹ quan bảo vệ tiếp cận như Lê Bá Hằng là hình ảnh một vị lãnh tụ đáng kính và gần gũi. Ông cũng là vị nguyên thủ rất quý anh em cảnh vệ. Lê Bá Hằng còn nhớ, lần đó khi gần kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch đã nói với vị cán bộ dưới quyền của mình ra mời anh vào để chụp một kiểu ảnh lưu niệm. Tấm ảnh kỷ niệm quý giá với hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro thân mật quàng tay lên vai anh giờ đây luôn được anh nâng niu cất giữ như một báu vật…

Thay lời kết     

Bảo vệ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và phu nhân thăm Việt Nam.

Nhiều lần theo chân lực lượng bảo vệ tiếp cận, xem họ tác nghiệp tại những cuộc hội nghị lớn, các chuyến thăm quan trọng, mới cảm nhận hết sự căng thẳng, vất vả thường xuyên của lực lượng này. Để đảm bảo sự an toàn cho một nguyên thủ, chính khách luôn có sự phối hợp của nhiều lực lượng khác nhau thuộc Bộ Công an. Trong đó những sỹ quan bảo vệ tiếp cận là người trực tiếp giữ vị trí gần nhất với yếu nhân và kịp thời xử lý mọi tình huống bất ngờ xảy ra ngoài dự kiến.

Đến trụ sở đơn vị này vào những ngày cuối năm, cảm nhận được không khí bận rộn của đơn vị trong lịch trình dày đặc của những chuyến công tác. Đây là một năm mà đơn vị đã huy động quân số, phương tiện ở mức cao nhất để phục vụ các hội nghị, chuyến thăm của chính khách quốc tế đến Việt Nam. Những sỹ quan bảo vệ tiếp cận có quyền tự hào về những thành tích mà mình đã đóng góp.

Đã không ít lần chúng tôi đặt câu hỏi với những sỹ quan bảo vệ tiếp cận: Đặt giả thiết trong những trường hợp khẩn nguy ảnh hưởng đến sự an toàn của người được bảo vệ, các anh, các chị có sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ khách, chúng tôi đều nhận được những cái gật đầu không chút ngần ngại. Thượng tá Vũ Minh Thản nói rằng: Trong giáo trình giảng dạy của lực lượng cảnh vệ luôn luôn giáo dục ý thức sẵn sàng xả thân mình để che chở khách. Đó cũng là một trong những phẩm chất cao quý của những chiến sỹ CAND Việt Nam

Xuân Luận - CAND Xuân 2011
.
.