Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất

Thứ Năm, 16/04/2015, 08:34
“Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”, đó là khẩu hiệu được phát động trong toàn lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Ninh Bình sau sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Mai Linh, Cảnh sát giao thông trạm cầu Lim.

Chúng tôi trở về Ninh Bình vào những ngày tháng 4 lịch sử, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mảnh đất nơi đây, trong suốt 9 năm (1964-1973), đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu tấn bom đạn của đế quốc Mỹ hòng phá hoại con đường huyết mạch lưu thông để chi viện cho chiến trường miền Nam. 

Các cán bộ chiến sỹ (CBCS) lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Ninh Bình ngày ấy, dù chiến đấu trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù, vẫn một lòng kiên trung với sự lãnh đạo của Đảng, của ngành Công an, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, phục vụ kịp thời việc vận chuyển quân lương, vũ khí, khí tài, quân sự chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần đánh giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước…

Phóng viên Báo CAND và cán bộ Công an phường Phúc Thành, TP Ninh Bình thăm gia đình bác Hoàng Ngọc Thanh.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình và Công an phường Phúc Thành, TP Ninh Bình, chúng tôi đã tìm gặp được bác Hoàng Ngọc Thanh và bác Nguyễn Duy Mảng, nguyên cán bộ Phòng CSGT, hai nhân chứng của những năm tháng lịch sử mà Ninh Bình nói riêng, miền Bắc nói chung phải oằn mình chống lại sự phá hoại của kẻ thù. Hai người đồng đội cũ, bịn rịn nắm tay, cùng hồi tưởng lại những ngày tháng ấy, với những chiến công và cả những mất mát, hy sinh.

Các ông kể rằng, ngày ấy, họ đều là những thanh niên ở tuổi đôi mươi, quả cảm và đầy nhiệt huyết. “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”, đó là khẩu hiệu được phát động trong toàn lực lượng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình sau sự hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Mai Linh, CSGT trạm cầu Lim. 

Ngày 16/4/1966, một tốp 5 máy bay Mỹ từ hướng biển Đông lao vào ném bom xuống khu phố Phạm Hồng Thái, cửa hàng ăn uống thị xã Ninh Bình (nay là TP Ninh Bình). Một số gian nhà, hầm trú ẩn bị đánh sập, nhiều người vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát. 

Mặc dù máy bay địch vẫn đang gầm rít trên đầu, khói bụi mù mịt, đất đá rơi rào rào, song các chiến sỹ CSGT đang làm nhiệm vụ tại chốt cầu Lim, ga Ninh Bình vẫn lao vào tìm kiếm, cứu được 6 người thoát nạn. 

Trong khi đang đào bới cứu người sập hầm, đồng chí Nguyễn Mai Linh đã bị mảnh bom của địch phạt ngang bụng, máu ra nhiều… Khi được đồng đội đến băng bó, anh vẫn cố gắng gồng sức, chỉ tay về phía có hầm bị sập và nói: “Ở kia còn 1 người bị bom vùi”, rồi lịm đi, hy sinh trên tay đồng đội.

“Khi nghe tin đồng đội hy sinh, chúng tôi lặng đi. Nhưng sự đau thương ấy càng khiến chúng tôi thêm kiên cường bám đường, bảo vệ các cầu phà để thông suốt các tuyến quốc lộ nối vào Nam” - bác Thanh bồi hồi nhớ lại. 

Bến phà Non Nước nằm trên quốc lộ 10 là mục tiêu bắn phá nhiều nhất của máy bay Mỹ. 3h20 ngày 10/4/1967, có hơn 300 xe ôtô ở cả 2 đầu bến phà Non Nước đang chờ qua sông, trên phà có chiếc xe kéo pháo 100 ly. Một tốp máy bay Mỹ lao tới thả pháo sáng và ném bom xuống bến phà, bom rơi tạo nên nhiều cột nước cao tới 10 mét. 

Bất chấp hiểm nguy, đồng chí Nguyễn Vinh Ba, Nguyễn Từ Thức đã băng qua làn bom đạn, hướng dẫn các đồng chí lái xe vào hầm trú ẩn. Phát hiện đồng chí lái phà bị thương, đồng chí Thức đã nhảy xuống sông, bơi ra phà, vừa hướng dẫn 2 đồng chí lái xe quân sự băng bó cấp cứu đồng chí lái phà, vừa dũng cảm điều khiển chiếc phà trú ẩn vào chân núi Non Nước an toàn trong sự khâm phục của các đồng chí bộ đội và công nhân bến phà.

Năm 1967, máy bay Mỹ đánh phá thị xã Ninh Bình ác liệt nhất, cầu Non Nước lại bị đánh sập. Ngành GTVT làm thêm 5 cầu phao qua sông Đáy để nối liền giao thông giữa Ninh Bình và Nam Định. Tổ CSGT cắm chốt tại bến phà Non Nước được tăng cường thêm lực lượng do đồng chí Nguyễn Vinh Ba làm Tổ trưởng. 

3h20 ngày 15/10/1967, đồng chí Ba và 4 đồng chí khác đang làm nhiệm vụ hướng dẫn đoàn xe quân sự chở tên lửa và chuyên gia Liên Xô qua cầu phao thì máy bay Mỹ kéo đến thả pháo sáng, ném bom, bắn rốc két. 

Trong khi đồng chí Ba đang chỉ huy tổ công tác của mình hướng dẫn các chuyên gia Liên Xô vào hầm trú ẩn thì một tình huống nguy hiểm xảy ra: bánh xe bên trái của một chiếc xe chở tên lửa bị dệ xuống mép sông, đồng chí lái xe không dám lái tiếp vì sợ xe và tên lửa lao xuống sông. Trong lúc đó, trên bầu trời, máy bay Mỹ vẫn gầm rít thả bom, bắn rốc két, tiếng bom, tiếng súng bắn trả ầm ầm. 

Bất chấp nguy hiểm, đồng chí Ba đến tận nơi xem xét và nảy ra sáng kiến, kê thêm gỗ và dùng 2 kích, 1 kích thẳng đứng, 1 kích nghiêng về phía sau sang bên phải đẩy bánh trái vào được mặt cầu. Sau đó, chính đồng chí Ba xung phong lên điều khiển chiếc xe bị dệ xuống sông, đưa xe vào nơi trú ẩn an toàn. 

Noi gương Tổ trưởng, các đồng chí CSGT đang làm nhiệm vụ kiên cường thay nhau điều khiển đoàn xe chở tên lửa vượt qua cầu phao, thoát khỏi trọng điểm đang bị đánh phá của máy bay địch rồi bàn giao cho đoàn chuyên gia Liên Xô. 

Nhận lại xe và những quả tên lửa còn nguyên vẹn, các đồng chí chuyên gia nước bạn siết chặt tay cán bộ chiến sỹ CSGT Ninh Bình với sự khâm phục sâu sắc.

Ngày ấy, bác Nguyễn Duy Mảng, bác Hoàng Ngọc Thanh cùng đồng đội của mình tham gia bảo vệ, điều phối giao thông ở khu vực cầu Yên và bến Đức Hậu. “Khi đó, chúng tôi mới đôi mươi, đầy nhiệt huyết và sự kiên cường đánh giặc. Nhà ở ngay thị xã Ninh Bình nhưng cả tháng cắm chốt, thông đường, không thể về thăm nhà” - bác Thanh cho biết. 

Bác đã kể cho chúng tôi nghe về trận thả bom của máy bay Mỹ lúc 11h ngày 10/7/1967 tại bến Đức Hậu. Thời điểm đó, tổ CSGT làm nhiệm vụ tại bến đò Đức Hậu do bác Thanh chỉ huy có thêm 2 đồng chí Nguyễn Duy Mảng, Phạm Ngọc Thuần. Khi máy bay Mỹ thả bom, trên sông có 4 chiếc xà lan và hơn 50 chiếc thuyền của HTX Vận tải 19-5 đang vận chuyển lương thực, thuốc men theo kênh nhà Lê vào Thanh Hóa để chi viện cho tiền tuyến. 3 giờ liền máy bay Mỹ liên tục bắn phá, gần 100 người chết và bị thương, hàng chục nóc nhà bị cháy, một chiếc xà lan bị trúng đạn cũng đang bốc cháy giữa sông… 

Bất chấp bom đạn, Tổ CSGT bến phà Đức Hậu đã dũng cảm phối hợp với dân quân xã Yên Lâm lao xuống sông cứu vớt những người bị thương. Họ mưu trí dùng những thùng phuy xăng rỗng ghép lại làm phao trục vớt phương tiện, tài sản bị chìm. Rồi họ lao vào đào bới cứu những người bị bom vùi lấp, băng bó cho những người bị thương…

Trong những năm quật cường chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, máu của lực lượng CSGT Công an Ninh Bình đã đổ, 1 đồng chí đã hy sinh, 8 đồng chí bị thương, 1 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và tập thể Phòng CSGT Công an Ninh Bình cũng được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Hòa - Thủy
.
.