Ghi từ tâm lũ miền Trung:

Sáng ngời phẩm chất cán bộ Công an trong cơn lũ dữ

Thứ Sáu, 22/11/2013, 08:20
Dù mưa lũ có quái ác, có tàn khốc thay, thế nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, ở những nơi lũ dữ đi qua, khó khăn đã nhường chỗ cho tình người, tình quân dân thân thương. Hình ảnh về cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân tận lòng giúp dân gượng dậy sau cơn lũ dữ mãi luôn dội về trong tâm khảm bà con nơi tâm lũ.

Trận lũ lớn trung tuần tháng 11 vừa qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cho một số tỉnh miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…  Cuộc sống của người dân miền Trung vốn khó khăn, nay càng trở nên bĩ cực hơn. Nhiều hộ gia đình mất người thân, mất nhà cửa, sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”.

Và, cũng trong trận lũ này, hình ảnh về người chiến sĩ Công an nhân dân quên mình, giúp dân vượt lũ, gượng dậy sau khó khăn, bĩ cực thêm một lần nữa được tô thắm.

Nơi nào khó, có Công an

Trở lại Hành Dũng – huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) – nơi mà cơ mưa diện rộng kèm với đó là nước lũ lên cao cuồn cuộn trong ngày này, chúng tôi vẫn thấy trên khuôn mặt của bà con sự kinh hãi trước sức tàn phá của mưa lũ. Xung quanh, cảnh vật trở nên hoang xơ, tiêu đề. Cũng phải thông, lũ dữ đi qua nào có chừa một ai, một không gian địa lý nào.

Và cũng chính trong thời khắc mong manh sự sống ấy – ngày 15 đến 17/11 cũng như những ngày này khi lũ dữ đã đi qua, hình ảnh về những cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nghĩa Hành, Công an tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và lực lượng Công an nói chung thêm một lần nữa được tô thắm.

Trên khắp các ngả đường, hễ nơi đâu còn bị bùn đất khỏa lấp, cuộc sống bà con đang gặp khó khăn là các anh lại có mặt. Theo Công an huyện Nghĩa Hành cho biết, trong mấy ngày mưa lũ “án ngữ” trên địa bàn, 100% cán bộ chiến sĩ của Công an huyện đã được huy động chốt chực, “xuống” địa bàn giúp dân chống chọi lũ dữ.

Đến nay, dù ngôi trường đã được chỉnh trang, tu sửa sau lũ, song cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường mầm non Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành vẫn không quên hình ảnh của các anh Công an huyện Nghĩa Hành (Công an tỉnh Quảng Ngãi) ngày ngày lội bùn, cầm xẻng, cẩm chổi xuống giúp thầy cô giáo nhà trường dọn dẹp đồ đạc, nạo vét bùn đất, tạo điều kiện cho các em học sinh sớm được đến trường.

Thượng tá Phạm Văn Phụng, Phó trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết, trong mấy ngày mưa lũ vừa qua, 100% cán bộ chiến sĩ Công an huyện đã chốt trực, trực tiếp xuống cùng bà con “vượt” lũ dữ.

Trước những diễn tiến khôn lường của thời tiết, lũ dữ trong các ngày từ 15 đến 17/11, Công an huyện phối hợp cùng lực lượng chức năng của huyện đã tổ chức sơ tán tại chỗ 1.213 hộ với 3.959 khẩu. Giúp các hộ gia đình giảm thiểu đáng kể mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi dọn dẹp một ngôi trường trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận mưa lũ vừa qua.

Trong thời gian này, bên cạnh các tổ công tác làm nhiệm vụ lưu động trên đường, ứng trực tại những điểm xung yếu có nguy cơ gây mất an toàn cho cuộc sống người dân cao, tại 18 xã thị trấn luôn có các đồng chí Công an phụ trách xã “3 cùng” – cùng ở, cùng ngủ, cùng chống lũ với dân.

Sáng 21/11, có mặt tại địa bàn các xã của huyện Đại Lộc (Quảng Nam), chúng tôi chứng kiến cảnh các cán bộ chiến sĩ Công an huyện Đại Lộc đang tiếp tục khẩn trương cùng bà con dọn dẹp “hiện trường” do mưa lũ để lại. Người thì nạo vét bùn, người thì cùng bà con chặt các nhành cây đã đổ… Các anh – cán bộ, chiến sĩ Công an huyện không chút ngơi nghỉ.

Tại chân cầu Phốc, Trung úy Nguyễn Văn Thạch – cán bộ Đội CSGT, Công an huyện Đại Lộc mặc cho cơn mưa mỗi lúc một nặng hạt vẫn tập trung cao độ vào việc phân luồng, điều tiết các phương tiện khi lưu thông qua đây. Bởi, trong trận lũ vừa qua, cây cầu này đã bị sụt lún, ảnh hưởng nghiêm trọng và hiện đang được các đơn vị thi công cầu đường tập trung sửa chữa.

Trung úy Thạch cho biết thêm, trong mấy ngày qua, anh cùng đồng nghiệp luôn túc trực tại các tuyến đường xung yếu, ngập lụt để làm cọc tiêu sống, đảm bảo TTATGT cho người dân đi lại trong mấy ngày mưa lũ này.

Đáng bàn hơn khi theo đại diện Công an huyện Đại Lộc, chỉ cách đây mấy ngày thôi, mặc dù lũ dữ đã qua, song các anh vẫn không ngừng “cắm chốt” thế nên tại nút giao thông liên xã Đại Hiệp, các anh đã ngăn được một vụ tai nạn nghiêm trọng, nguyên nhân trước đó một lái xe bồn thiếu ý thức đã cố tình vượt qua điểm ngập úng trên tuyến đường liên xã này.

Và nếu không có các anh ngăn cản, yêu cầu chấp hành nghiêm lệnh của người thực thi nhiệm vụ, tai nạn đau lòng rất có thể sẽ xảy ra

Giúp dân vượt khó, thoát gian nguy

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Trần Văn Dũng, Trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết, mục tiêu xuyên suốt của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện trong những ngày này không gì khác đó chính là việc tất cả chung tay, cùng người dân gượng dậy sau cơn lũ dữ. Sớm đưa bà con trở lại cuộc sống thường nhật, tăng gia sản xuất.

Để làm được điều này, trong mấy ngày qua, bên cạnh việc cắt cử cán bộ “bám xã”, giúp dân thu dọn bùn đất, sang sửa nhà cửa, Ban Chỉ huy Công an huyện cùng tăng cường thêm lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đến những điểm đường có nguy cơ sạt lún để cảnh báo cho người dân biết.

Đáng bàn, qua tuần tra kiểm soát, “bám xã”, Công an huyện cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương đề xuất cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường như: tuyến đường từ Quảng Huế đến giáp QL14B qua đó, tạo điều kiện cho việc lưu thông, đi lại, đồng thời cũng là tuyến đường chạy lũ cho nhân dân các xã vùng B của huyện.

Đồng thời đề nghị chính quyền cấp trên sớm di dời khẩn cấp 83 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm đang có nguy cơ bị sạt lở (khu vực xã Đại Hưng) để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Cũng trong những ngày này, khi mưa lũ trên địa bàn tỉnh Bình Định đã qua, song hình ảnh về người chiến sĩ Công an giúp dân vượt khó, thoát gian nguy vẫn luôn hiện hữu. Điển hình phải kể đến gương các cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1 – Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên hải Nam Trung bộ (Bộ Công an) trong mấy ngày qua đang “căng mình” giúp dân trong lũ dữ ở tỉnh Bình Định.

CBCS Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên hải Nam Trung bộ (Bộ Công an) có mặt kịp thời cứu hộ, đưa gia đình chị Tuyền đến nơi an toàn.

Ngày 21/11, đã mấy ngày thức trắng trực ban cứu hộ, tiếp xúc với PV Báo CAND, đồng chí Đoàn Hồng Trường – Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 vẫn chưa hết bàng hoàng trước trận mưa lũ vừa qua gây ra trên địa bàn. Và dù có mưa, có lũ, có sạt lở đấy, thế nhưng đồng chí Phó Tiểu đoàn trưởng cùng anh em trong Tiểu đoàn sau khi nhận lệnh vẫn luôn ngời sáng gương người chiến sĩ CAND vì nhân dân phục vụ.

Chỉ tính riêng trong đêm đỉnh lũ 16/11, các cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 1 cùng chính quyền địa phương đã băng nước, tổ chức sơ tán tại chỗ hơn 15 hộ dân đang bị cô lập trong khu vực thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định). Sự linh hoạt, sáng tạo, kịp thời sơ tán người dân đến nơi an toàn của các anh – những người lính Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên hải Nam Trung bộ (Bộ Công an) đã khiến người dân địa phương rất cảm phục.

Cũng theo đồng chí Trường, đến nay lực lượng Tiểu đoàn 1 vẫn ứng trực tại địa phương, cùng bà con khắc phục hậu quả do lũ dữ vừa qua gây ra.

Nói về những tấm gương lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng và lực lượng CAND nói chung, chị Trần Thị Thanh Tuyền, ở thôn Quảng Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định) tỏ rõ sự cảm kích khôn tả.

Chị nhớ lại ngày định mệnh hôm ấy: “Tối 15/11, nước bắt đầu tràn vào nhà tôi, đến 3h sáng hôm sau nước đột ngột lên rất nhanh. Vợ chồng tôi không thể nào chợp mắt được vì lo cho hai đứa con sinh đôi còn nhỏ mới 5 tháng tuổi của mình không biết có bị cơn lũ dữ kia đe dọa không. Thật may thay, mà các anh Cảnh sát đã đến kịp thời, đưa vợ chồng cùng hai người con của chúng tôi đến nơi an toàn. Gia đình tôi vô cùng biết ơn các anh”.

Chị Tuyền cũng cho biết thêm, ngay sau khi đưa gia đình chị Tuyền đến khu vực an toàn, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Duyên hải Nam Trung bộ lại quay canô, hướng về phía những ngôi nhà nằm giữa biển nước mênh mông để tiếp tục công tác cứu hộ. Tất cả đều rất khẩn trương, vì họ biết rằng cứ mỗi giờ phút trôi qua thì lại có thêm nhiều sinh mạng bị đe dọa, và rất nhiều người dân đã kiệt sức sau hơn hai ngày chống chọi với cơn lũ lịch sử.

Dù mưa lũ có quái ác, có tàn khốc thay, thế nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, ở những nơi lũ dữ đi qua, khó khăn đã nhường chỗ cho tình người, tình quân dân thân thương. Hình ảnh về cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân tận lòng giúp dân gượng dậy sau cơn lũ dữ mãi luôn dội về trong tâm khảm bà con nơi tâm lũ

M. Hà - T. Huy - L.Vân – H.Nguyên – T.Lai – T. Sự
.
.