Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên:

Sẵn sàng ứng phó bão số 8

Thứ Tư, 18/09/2013, 23:11
Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, lãnh đạo Công an các tỉnh miền Trung đã triển khai lực lượng phối hợp với Ban Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) các tỉnh, cùng chính quyền địa phương triển khai khẩn cấp phương án ứng phó, kêu gọi tàu thuyền còn đánh bắt trên biển vào bờ, giúp người dân trên địa bàn chằng, chống nhà cửa, sẵn sàng di dời dân các vùng nguy cơ sạt lở, vùng ven biển, trũng thấp đến nơi trú ẩn an toàn trước khi bão số 8 đổ bộ vào bờ...
>> Lực lượng Công an chủ động đối phó với bão số 8

Tại tỉnh Quảng Nam: Lúc 8h sáng 18/9, nước lũ đã dâng cao băng qua ngầm, chia cắt và cô lập hoàn toàn huyện Nam Trà My và 6 xã vùng cao: Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Ka của huyện Bắc Trà My.

Công an huyện Bắc Trà My và Công an xã Trà Sơn đã nhanh chóng bố trí lực lượng túc trực, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại ngầm để đảm bảo an toàn. Do nước lũ dâng cao nên đã có hàng trăm người và phương tiện bị mắc kẹt hai bên đầu cầu ngầm này.

Từ trưa 18/9, mưa lớn không ngớt nên các trường học ở Bắc Trà My đều cho học sinh nghỉ học, các hoạt động đón trung thu cho thiếu nhi, học sinh phải tạm hoãn. Tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, nước đổ về lòng hồ tăng đột biến.

Theo ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, trưa 18/9, nước đổ về hồ chứa bình quân 768,89m³/s, mực nước lòng hồ đã dâng lên cao trình 142,25m, cao hơn mực nước chết 2,25m (mực nước chết cao trình 140m). Công ty Thủy điện Sông Tranh huy động phát liên tục tối đa 2 tổ máy để hạn chế việc tích nước hồ chứa. Tuy nhiên, lượng nước thoát tối đa qua tuốc-bin của 2 tổ máy chỉ khoảng 220m³/s nên mực nước hồ chứa sẽ tiếp tục tăng.

Dự báo, nhiều khả năng hồ chứa sẽ dễ dâng cao đến cửa xả tràn (cao trình 160m) nếu tiếp tục có mưa lớn. Công ty đã mở sẵn toàn bộ 6 cửa xả tràn để đón và xả lũ trong trường hợp lũ về lớn, hạn chế thấp nhất việc tích nước hồ chứa...

Ngay trong sáng 18/9, huyện Bắc Trà My tổ chức cuộc họp khẩn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành và các xã, thị trấn trên địa bàn tạm dừng các hoạt động hội họp không cần thiết để tập trung ứng phó mưa bão; bố trí sẵn các lực lượng  xung kích và phương tiện cơ giới ở các địa điểm xung yếu, chủ động di dời dân khi cần thiết...

Tại tỉnh Quảng Ngãi: Sáng 18/9, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp khẩn nhằm tiếp tục triển khai các biện pháp đối phó với bão số 8.

Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ngãi hiện trên các vùng biển còn khoảng 773 phương tiện, với trên 7.000 lao động. Đáng lo là nhiều tàu thuyền tại các vùng bãi ngang như Bình Hải, Bình Châu, huyện Bình Sơn vẫn chưa được di chuyển đến nơi an toàn.

CSGT đường thủy Công an tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn tàu thuyền, ngư dân vào nơi neo đậu tránh bão.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên tại tỉnh Quảng Ngãi có mưa to, với lượng mưa trên 150mm gây sạt lở nặng ở miền núi. Tuyến quốc lộ 24 nối Quảng Ngãi - Kon Tum đi qua địa phận xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng. Những mảng đất, đá lớn đổ xuống gây mất an toàn cho người đi đường, tắc nghẽn giao thông.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, Công an các đơn vị, địa phương ở Quảng Ngãi đã tập trung bố trí cán bộ, chiến sĩ trực chiến tại các vùng xung yếu; phối hợp với chính quyền địa phương chằng, chống nhà cửa người dân, công trình công cộng; sẵn sàng di dời dân ở những khu vực nguy hiểm khi bão chuẩn bị vào đất liền.

Cảnh sát đường thủy túc trực các cửa biển tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền và các loại phương tiện vận tải thủy đảm bảo an toàn cho người và phương tiện...

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế: Sáng 18/9, Thượng tá Đặng Ngọc Sơn, Trưởng Công an TP Huế cho biết: Theo kinh nghiệm nhiều năm phòng, chống lụt bão (PCLB), đơn vị đã triển khai lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão số 8 theo phương án “5 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ đạo và tự quản tại chỗ). Đồng thời, huy động từ 200 đến 300 cán bộ chiến sĩ đến các địa phương hỗ trợ ứng cứu, di dời dân khi có lụt bão xảy ra, nhất là các phường thấp trũng như: Phú Hiệp, Phú Cát, Phú Bình, Thuận Lộc; khu vực Đập Đá (phường Vĩ Dạ)…

Theo tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đã kêu gọi được 1.874 phương tiện tàu thuyền đánh bắt trên biển vào bờ trú bão. Cũng trong sáng 18-9, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, các Sở, ban, ngành đã tổ chức họp khẩn để lên phương án ứng phó với cơn bão số 8. Qua đó đã thống nhất phương án sẵn sàng di dời hơn 28 nghìn hộ dân nằm ở các vùng nguy hiểm do bị ảnh hưởng của tình trạng sạt lở.

Đến trưa 18/9, Công an huyện Phú Vang, Bộ đội Biên phòng Đồn Thuận An đã giúp di dời gần 120 hộ dân ở vùng bị sạt lở bờ biển đến nơi trú bão lụt an toàn. Tại huyện miền núi Nam Đông, lực lượng Công an huyện giúp di dời 15 hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở núi đến nơi trú bão, đảm bảo các điều kiện sống trong nhiều ngày...

Tại tỉnh Quảng Trị: Do ảnh hưởng của bão số 8, đêm 17 và ngày 18-9 đã có mưa to đến rất to trên diện rộng; nhiều tuyến đường, khu phố ở TP Đông Hà đã bị ngập lụt nặng, có nơi sâu đến 1m. Các lực lượng Công an, dân quân tự vệ, thanh niên xung kích phường 2, phường 5 và phường Đông Lễ đã giúp sơ tán 75 hộ dân ra khỏi vùng bị ngập lụt.

Thượng tá Hồ Sỹ Nhung, Trưởng Công an huyện Đakrông cho biết, từ sáng sớm 18/9, đơn vị đã cử 3 tổ công tác với 15 cán bộ, chiến sĩ xuống các địa bàn xung yếu xã Hải Phúc, Ba Lòng và Triệu Nguyên giúp dân phòng chống ảnh hưởng của bão số 8, sẵn sàng sơ tán dân đến vùng cao an toàn. Đơn vị cử 2 tổ công tác tham gia hướng dẫn giao thông trên tuyến QL9 và đường Hồ Chí Minh nhánh tây đi A Lưới, Thừa Thiên - Huế có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm.

Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban PCLB và TKCHCN tỉnh Quảng Trị cho biết, đến cuối ngày 18-9, có hơn 2.500 tàu thuyền đang đánh cá và làm nhiệm vụ khác trên biển đã nhận được thông tin diễn biến của bão, hầu hết đã vào neo đậu an toàn trên địa bàn tỉnh và cửa Gianh của tỉnh Quảng Bình, cửa Nhượng tỉnh Nghệ An.

Nông dân tỉnh Quảng Nam khẩn trương gặt lúa chạy lũ.

Tại TP Đà Nẵng: Theo báo cáo nhanh của Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, đến chiều 18/9, hơn 40 nghìn tàu thuyền các của các tỉnh, thành miền Trung hoạt động trên Biển Đông đã vào trú ẩn tránh bão số 8. Người dân tại những vùng ven biển từ tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi đã chủ động đưa tàu thuyền lên bờ, nhằm tránh những thiệt hại do bão gây ra.

Đến trưa 18/9, hầu hết các tàu thuyền có công suất nhỏ đã được kéo lên bờ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng chục tàu với hàng trăm lao động vẫn còn nằm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, không kịp chạy vào bờ. Nhiều tàu cá của Quảng Nam hiện đang mất liên lạc. Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II đã vào chế độ trực chiến 100%, sẵn sàng điều tàu cứu hộ nếu có tàu của ngư dân gặp bất trắc trên biển.

Trong ngày 18/9, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước. Nhiều hàng quán xây dựng thiếu kiên cố ven các bãi biển bị tốc, sập. Nhiều điểm dân cư ở phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn bị ngập cục bộ hơn 1/2m. Để ứng phó với diễn biến của bão số 8, lực lượng Công an đã tổ chức triển khai công tác PCLB, sẵn sàng ứng cứu người dân khi cần thiết. CSGT đường thuỷ Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với BĐBP tổ chức tuần tra, hướng dẫn cho các tàu thuyền vào neo đậu an toàn.

Trong ngày 18/9, lực lượng chức năng đã vận động, yêu cầu 31 tàu cá, 105 thúng máy, thúng chai dọc bãi ngang từ phường Thọ Quang đến phường Mân Thái lên bờ; tại Âu thuyền Thọ Quang đã có khoảng 1.000 phương tiện vào neo đậu trú bão…

Chính quyền các quận, huyện, các ngành cũng đôn đốc người dân chằng, chống lại nhà cửa, di dời vật dụng quan trọng đến nơi trú bão

Thanh Bình - An Khanh - Anh Thư - Thành Sự - Anh Khoa - Thân Lai
.
.