Sa lưới tại Việt Nam

Thứ Hai, 31/08/2015, 11:07
Sau khi gây án, nhiều đối tượng truy nã quốc tế đã tìm cách xâm nhập Việt Nam để lẩn trốn. Trong số đó có những đối tượng cộm cán trong giới tội phạm quốc tế, gây ra các tội đặc biệt nghiêm trọng như cướp ngân hàng, cướp có vũ khí, buôn bán vũ khí, ma túy… Với sự mưu trí, dũng cảm, các chiến sỹ Cảnh sát truy nã tội phạm (TNTP) đã hiệp đồng tác chiến với cơ quan chức năng Việt Nam và Cảnh sát, Interpol quốc tế để truy bắt đối tượng truy nã. Có cả 1.001 câu chuyện ly kỳ trong quá trình bắt giữ các đối tượng truy nã được chính những người trong cuộc kể lại.

Cuộc hội ngộ bất ngờ bên bờ biển

Mới 5h sáng, nữ trinh sát lặng lẽ rời khách sạn ra bờ biển. Bãi biển Nha Trang có khá nhiều người ra tắm và đi dạo nên ít ai để ý tới chị. Trong bộ bikini khá gợi cảm được che khăn hờ hững, nhưng không vì thế mà chị lãng quên mọi di biến động trong căn phòng của một khách sạn ngay bờ biển, nơi nghi vấn đối tượng truy nã đang ở cùng bạn gái.

Lúc này, tổ công tác Phòng Cảnh sát TNTP Công an tỉnh Khánh Hòa, Phòng 5 Cục Cảnh sát TNTP đã rải quân dọc bờ biển. Khi xác định đúng đối tượng truy nã đã ra khỏi khách sạn, như chiếc lưới đã giăng bấy lâu được cất lên, tổ công tác ập vào bắt giữ trước sự trở tay không kịp của đối tượng.

Cán bộ Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, đại diện cơ quan Cảnh sát Bộ Công an Trung Quốc lấy lời khai đối tượng truy nã quốc tế.

Đó chỉ là một trong những lần bắt truy nã của Trung tá Trần Thúy Nga, cán bộ Phòng 5 và đồng đội trong truy bắt đối tượng truy nã quốc tế Yin Weng Sheng. Đối tượng mà chị và đồng đội bắt giữ lần này mang quốc tịch Trung Quốc đã đề nghị “lót tay” tổ công tác 1 tỷ đồng để anh ta tẩu thoát sang một nước thứ ba nhưng bất thành. Kể lại chuyện này, Trung tá Nga dí dỏm nói, cũng may ông xã là người trong ngành nên hiểu và thông cảm với công việc đặc biệt của vợ, luôn là hậu phương vững chắc để chị yên tâm lên đường đi công tác.

Chiến công còn đang “nóng hổi”, vừa đưa đối tượng về trụ sở Công an để khai thác những thông tin ban đầu thì tổ công tác lại nhận lệnh từ lãnh đạo Cục Cảnh sát TNTP, tại TP Nha Trang vừa xuất hiện một đối tượng truy nã quốc tịch Liên bang Nga cần bắt giữ ngay.

Qua kênh Interpol, Cục Đối ngoại Bộ Công an cho biết, theo Cảnh sát Liên bang Nga cung cấp, đối tượng này khá nguy hiểm, phạm tội cướp tài sản có vũ khí nên yêu cầu đặt ra là khi truy bắt cần tính toán kỹ, đảm bảo an toàn cho chính lực lượng vây bắt, cả đối tượng và người dân. Không ngơi nghỉ, tổ công tác Phòng 5 lại tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát TNTP Công an Khánh Hòa, đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Cảnh sát, truy dấu vết đối tượng.

Quả là “tìm kim đáy bể” giữa một thành phố du lịch đông đúc như ở Nha Trang nhưng không vội nản, vừa khoanh vùng đối tượng có thể xuất hiện, vừa rà soát các điểm vui chơi công cộng, các khách sạn, nhà nghỉ, đến gần trưa, tổ công tác thở phào khi có manh mối đầu tiên, đối tượng cùng bạn gái đã thuê phòng ở một khách sạn. Tuy nhiên, khi tổ công tác đến nơi thì đối tượng đã trả phòng đi nơi khác. Lại chia nhau ra đi khắp các khách sạn, nhà nghỉ, bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã tìm ra khách sạn nơi đối tượng truy nã thuê phòng và bắt giữ đối tượng Vol Wov Denis an toàn.

Kể chuyện lần theo đối tượng truy nã là thương lái gốc Hoa Quan Gia Minh, Trung úy Trần Thu Trang, Phòng 4 Cục Cảnh sát TNTP cho biết, hành trình bắt giữ lần này, chị và đồng đội đã nhiều lần tưởng “vuột” mất đối tượng. Vốn là kẻ sành sỏi trong làm ăn, lại mưu mô xảo quyệt, qua kênh mua bán với người quen ở Lạng Sơn, đối tượng luôn yêu cầu thay đổi việc bán nông sản tại các địa điểm khác nhau. Lần khất trong việc mua bán, chỉ giao dịch qua điện thoại, gần 1 tuần, đối tượng mới đồng ý gặp mặt để trao đổi buôn bán tại một khách sạn ở Hà Nội.

Tuy nhiên, khi người bán chuối đến nơi, đối tượng đã chuyển địa điểm. Thậm chí, để chắc ăn, đối tượng đã thuê xe chở từ Hà Nội lên Lạng Sơn và yêu cầu bạn hàng có mặt ở đó để giao dịch làm ăn. Bằng biện pháp nghiệp vụ, trinh sát nhận thấy đây có thể là màn kịch nên đã phối hợp với tổ công tác ở Hà Nội lên kế hoạch đón bắt.

Đúng như dự đoán, xe chở hắn vừa từ Lạng Sơn tới khu vực bến xe Mỹ Đình, đối tượng đang chuyển xe để đi tiếp thì bất ngờ tổ trinh sát xuất hiện. Chưa kịp hiểu chuyện gì, đối tượng đã bị quật ngã bởi màn võ thuật của trinh sát nam và sau gần 20 năm trốn nã, đối tượng đã sa lưới. 

Ly kỳ chuyện bắt những “ông trùm thế giới ngầm”

Không kịp ăn bữa trưa, vội vã ra sân bay cho kịp chuyến vào TP Hồ Chí Minh sau khi nhận lệnh của cấp trên để bắt đầu cuộc hành trình truy bắt trùm xã hội đen đặc biệt nguy hiểm có lệnh truy nã đỏ quốc tế, người Ấn Độ - Pandey Prakask (còn có biệt danh là Bunty Pandey), SN 1970, tại bang Uttar Pradesh - Ấn Độ, Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh hồi tưởng chuyến công tác đặc biệt vào tháng 11/2010, mà Cục Cảnh sát TNTP chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện.

Dưới sự điều khiển của ông trùm, băng nhóm tội phạm do Pandey cầm đầu đã thực hiện các vụ bắt cóc tống tiền với nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi đối với nhiều doanh nhân và nhân vật nổi tiếng trong làng điện ảnh Bollywood. Ngày 3/7/1995, tại Bombay, Ấn Độ, Pandey Prakask cùng đồng bọn gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bắn một người đàn ông trên đường và anh này đã chết sau đó.

Trên đường bị truy đuổi, đối tượng đã dùng súng đe dọa Cảnh sát. Tòa án Ấn Độ đã ban hành lệnh truy nã với Pandey Prakask và phát lệnh truy nã quốc tế. Để che giấu hành tung tội ác của mình, tên tội phạm Pandey Prakask đã sử dụng nhiều tên khác nhau như: Bunty Pandey, Pande Prakask… và dùng hộ chiếu giả mang tên Vijay S.Sharma, tại các quốc gia mà hắn đã đi qua.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát phát hiện đối tượng đang sống cùng vợ con tại TP Hồ Chí Minh. Thêm một lần nữa, phương án bắt đối tượng truy nã nguy hiểm được các tổ công tác tính toán kỹ. Sau 10 năm trốn truy nã, sinh sống ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, Pandey Prakask không thể ngờ rằng hắn bị Cảnh sát TNTP và Interpol Việt Nam bắt giữ tại chung cư ở  quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Không cần giở tập hồ sơ dày trên bàn, các trinh sát Cục Cảnh sát TNTP vẫn có thể kể cho chúng tôi nghe chiến công đầu tay khi mới thành lập Cục, đó là chuyện bắt giữ đối tượng LeJohn – tên tội phạm nguy hiểm người Mỹ gốc Việt đã gây ra 2 vụ cướp ngân hàng tại Houston, bang Texas, Hoa Kỳ, sau đó bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ quốc tế.

Trong thời gian được bảo lãnh tại ngoại, LeJohn đã xuất cảnh sang Đài Loan bằng con đường du lịch, sau đó nhập cảnh vào Việt Nam và lặn mất tăm. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng CSTNTP phối hợp với Công an Kiên Giang và các đơn vị chức năng phát hiện, từ tháng 3/2009, đối tượng đã thuê nhà ở TP Rạch Giá và thuê mặt bằng ở bãi biển của Công ty du lịch Kiên Giang mở quán cà phê “Dumonde” buôn bán nước giải khát.

Ngày 14/4/2010, khi LeJohn vừa kết thúc chuyến du hí trên biển về đến đất liền đã bị Công an Việt Nam bắt giữ tại Kiên Giang, sau đó LeJohn đã bị dẫn độ về Mỹ theo đúng luật pháp.

Còn nhớ trước Noel 2014, chúng tôi đến Cục Cảnh sát TNTP khi tổ công tác Phòng 5 vừa từ Tây Ninh trở về, kết thúc hành trình bắt đối tượng Chen Si Jing khi hắn đang lẩn trốn tại Khu chế xuất và Công nghiệp Linh Trung III trong vỏ bọc mới - Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu mới Á Thái Lợi. Hành trình truy bắt đối tượng truy nã đã được các trinh sát “tầm nã” Bộ Công an, Công an tỉnh Tây Ninh thể hiện sự mưu trí, vượt qua khó khăn.

Đêm 16/12, với sự phối hợp chặt chẽ của Cục Cảnh sát TNTP và Đồn Công an đóng quân tại Khu chế xuất và Công nghiệp Linh Trung III, lực lượng Cảnh sát TNTP Công an tỉnh Tây Ninh đã chia làm 3 mũi xuất phát đến 3 địa điểm nơi nghi đối tượng đang lẩn trốn, đồng thời kiểm soát tại các tuyến đường ngăn chặn cuộc đào tẩu của Chen Si Jing, đến 22h ngày 16/12, tổ công tác bắt giữ đối tượng Chen Si Jing khi hắn xuất hiện gần trụ sở công ty với hành lý mang theo chuẩn bị cho cuộc trốn chạy mới…

Thiếu tướng Nguyễn Dĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát TNTP cho biết:  Từ năm 2009 đến nay, thông qua kênh hợp tác Interpol, các nước đã đề nghị Việt Nam truy bắt hàng trăm đối tượng, trong đó có 212 đối tượng phạm tội về hình sự, 153 đối tượng phạm tội về kinh tế, 55 đối tượng phạm tội về ma tuý. Bên cạnh đó, qua kênh hợp tác giữa các tỉnh giáp biên, Việt Nam đã tiếp nhận yêu cầu truy bắt hơn 100 đối tượng của nước ngoài. Số đối tượng truy nã của nước ngoài trốn tại Việt Nam đã bị các cơ quan chức năng của Việt Nam bắt giữ là 57 đối tượng, mang các quốc tịch Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thuỵ Điển, Bỉ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Pháp và Đài Loan… Những thành tích đó đã góp phần làm trong sạch địa bàn, giữ bình yên cho cuộc sống nhân dân và góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh, phòng chống tội phạm có yếu tố nước ngoài.
Hiếu Quỳnh
.
.