Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Tiền Giang:

Quyết liệt những cuộc truy bắt

Thứ Hai, 02/02/2015, 09:23
Để bắt được những đối tượng “có máu mặt” như đối tượng Trần Bình Xuân, tự “Tèo Mổ” (ngụ khu phố Trịnh Hoài Đức, phường 2, TP Mỹ Tho), lãnh đạo và trinh sát PC52 Công an tỉnh Tiền Giang nghiên cứu rất kỹ về hoàn cảnh, nhân thân và phương án tiếp cận đối tượng.

Đại tá Hà Văn Thanh – Trưởng phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Tiền Giang (PC52) - đơn vị 2 năm liên tiếp (2013 và 2014) được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc cho biết, kết quả nổi bật của lực lượng Cảnh sát truy nã Công an Tiền Giang trong năm 2014 vừa qua là đã vận động đầu thú, bắt và thanh loại 98 đối tượng truy nã (trong đó có 30 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm), tăng gần 26% so với 2013 và vượt gần 51% so với nghị quyết đặt ra từ đầu năm 2014. Điểm chung của đối tượng bị truy nã là do sợ bị “xử” nặng mà trốn biệt, chấp nhận cảnh sống chui, sống nhủi, ít nghĩ được đến tính chất nhân đạo của pháp luật dành cho những người biết ăn năn, hối cải.

Đối tượng Nguyễn Văn Hùng (65 tuổi, ngụ khu 2, thị trấn Chợ Gạo), sau khi can tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản đã trốn biền biệt hơn 20 năm. Lặng lẽ  xác minh, PC52 biết ông ta đã trốn ra nước ngoài (Canada) định cư. Xác định việc trực tiếp truy bắt đối tượng này là không thể nên Công an chuyển hướng, tìm đến gia đình, gặp thân nhân của đối tượng, gửi thư vận động, giải thích.

Một lần, hai lần, nhiều lần… nhờ kiên trì, kết cuộc trước dịp Tết Giáp Ngọ 2014, đối tượng này đã về nước rồi ra đầu thú.

Nhiều người vẫn quen nghĩ rằng, trong quá trình truy bắt tội phạm thì tội phạm kinh tế có phần “dễ chịu” hơn. Thực tế không hoàn toàn như vậy, tâm lý “không trốn thì thôi mà đã trốn thì phải trốn cho bằng được” thường chỉ nảy sinh sau khi đối tượng “bấm nút biến” khỏi nơi cư trú, loại tội nào cũng thế.

Lê Ngọc Thảo (43 tuổi, ngụ xã Bình Đông, thị xã Gò Công) là đối tượng bị truy nã đặc biệt vào cuối năm 2011 vì tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

Phối hợp với Công an nhiều địa phương, các trinh sát PC52 được biết đối tượng này luôn thay đổi chỗ ở. Tại mỗi nơi ở mới, đối tượng này sống rất khép kín, chẳng quan hệ với ai.

Phải kiên trì ròng rã nhiều tháng trời, các trinh sát mới phát hiện đối tượng đang thuê nhà tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long), sống như vợ chồng với một phụ nữ quê ở Đồng Tháp. “Khi chúng tôi bất thình lình xuất hiện, Thảo không kịp trở tay đối phó” - một trinh sát kể.

Chúng tôi được kể về cuộc truy bắt khá quyết liệt đối với 4 đối tượng từng bị Công an huyện Cai Lậy truy nã về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, gồm: Đặng Bình Đẳng (25 tuổi), Đặng Hoàng Huy (20 tuổi, em ruột Đẳng), Đặng Bình Cơ (20 tuổi) và Mai Thanh Phương (19 tuổi, cùng ngụ xã Tân Phong, huyện Cai Lậy).
Lãnh đạo Phòng PC52, Công an tỉnh Tiền Giang (thứ hai từ trái sang) đón nhận Cờ thi đua xuất sắc năm 2014 của Bộ Công an.

“Cuộc rượt đuổi, truy bắt diễn ra khá quyết liệt và kéo dài. Đến tối cùng ngày (24/5/2014), tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân, chúng tôi bắt được đối tượng thứ ba. Còn đối tượng cuối cùng, biết không thể lẩn trốn được nữa, mười ngày sau đó cũng đã phải ra đầu thú” - lãnh đạo PC52 cho biết.

Để bắt được những đối tượng “có máu mặt” như đối tượng Trần Bình Xuân, tự “Tèo Mổ” (ngụ khu phố Trịnh Hoài Đức, phường 2, TP Mỹ Tho), lãnh đạo và trinh sát PC52 nghiên cứu rất kỹ về hoàn cảnh, nhân thân và phương án tiếp cận đối tượng.

Cha mất sớm, tuổi thơ chẳng được học hành nên “Tèo Mổ” sớm sa vào hút chích, nghiện ngập. 28 tuổi, anh ta trở thành tên tội phạm ma túy nguy hiểm.

Anh ta bị bắt trong một đợt truy quét của lực lượng Công an, nhưng ngay sau đó bỏ trốn đến miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, rồi luôn tạo vỏ bọc cho mình, khi thì trốn vào nương rẫy, làm công nhân đi hái điều, khi thì làm ngư phủ. Hết mùa biển năm đó, nguồn tin quý giá cho biết “thanh niên có hình xăm con rết cạnh rốn” – tức “Tèo Mổ” trốn về làm diêm dân tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu.

Trực tiếp thực địa tình hình, trinh sát được biết để vào được nơi “Tèo Mổ” đang làm, chỉ có mỗi đường độc đạo xa khoảng 4km di chuyển bằng đường bộ và phải qua nhiều vuông muối khác nhau. Trong khi đó, “Tèo Mổ” rất cảnh giác với những người lạ mặt…

“Thượng úy Nguyễn Thanh Tuấn chọn phương án tiếp cận mà Tèo Mổ không chút nghi ngờ. Đó là vào vai người làm nghề lưới cá, lân la vào làm quen với Sáu Tu.

Vấn đề khó khăn là làm sao để tạo ra tình huống mà Tèo Mổ phải tự cởi trần áo để mình tìm đặc điểm nhận dạng một cách chính xác đó chính là anh ta chứ không phải người khác. Anh đề xuất nhậu rồi tự đi mua rượu để về nhậu với Tèo Mổ, Sáu Tu và 2 người quen của Sáu Tu.

Nốc hết 3 lít rượu, Tèo Mổ dù đã ngà ngà say nhưng vẫn rất cảnh giác. Tuấn lại chủ động rủ cả nhóm lội vô trong trung tâm Vũng Tàu để nhậu tiếp…, đổi không khí. Tèo Mổ đi nhưng rất miễn cưỡng, luôn giữ khoảng cách.

Gần đến đất liền, điện thoại có sóng, Tuấn liên hệ tìm được “người chạy xe ôm”. Và cũng chính “bác tài” xe ôm ấy đã tra chiếc… còng số tám vào tay Tèo Mổ, kết thúc 3 ngày công tác đầy căng thẳng…”.

Thái Bình
.
.