Quản lý tốt, giáo dục phạm nhân hiệu quả

Thứ Tư, 18/09/2013, 13:51
Được đào tạo bài bản về công tác trinh sát và trưởng thành bằng công việc của một cán bộ trinh sát, hiện Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh là Đội trưởng Đội Quản giáo kiêm công tác trinh sát của Trại giam số 6, Bộ Công an. Thời gian chủ yếu ở trại, thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, nắm bắt tư tưởng phạm nhân, anh là người biết rõ hơn ai hết tâm tư, tình cảm, thái độ của từng phạm nhân, từ đó có hướng quản lý, giáo dục phù hợp.

Kết hợp nhuần nhuyễn công tác trinh sát và quản giáo

Tôi đến thăm phòng làm việc của anh vào một buổi chiều cuối tháng 8, nắng xứ Nghệ còn gay gắt hắt tia sáng chói lóa trên những tán cây. Nếu không có sự sắp xếp từ trước thì có thể anh đang bận rộn ở một phòng giam đâu đó của Phân trại K1, hoặc ở khu sản xuất, khu lao động học nghề không biết chừng. Bởi việc thường ngày của anh đâu chỉ ngồi bàn giấy nghiên cứu hồ sơ, anh phải sâu sát thực tế gặp gỡ từng phạm nhân để có thể tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám thị về công tác bố trí, giam giữ.

Khuôn mặt chữ điền phúc hậu, dáng vẻ linh hoạt và đặc biệt là cách trò chuyện thuyết phục, Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh chia sẻ: “Ngoài việc nghiên cứu kỹ hồ sơ, nhân thân, các mối quan hệ của đối tượng thì bất kỳ phạm nhân nào mới về trại mình đều gặp gỡ, khai thác trực tiếp về con người họ, quá trình phạm tội, cũng như tâm lý, tư tưởng, tính cách phạm nhân để có cách quản lý, giáo dục phù hợp”.

Năm năm học ở Học viện Cảnh sát nhân dân, về đây anh được trải nghiệm thực tế cùng đồng đội, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy Ban Giám thị nên đúc rút được nhiều bài học nghiệp vụ quý báu.

“Công tác trinh sát tuy lặng thầm nhưng là công tác nghiệp vụ hàng đầu để đảm bảo an toàn trại giam. Và trên nền tảng lý luận có sẵn, thực tế giúp mình kết hợp hài hòa trong việc xử lý từng trường hợp, vụ việc cụ thể. Kể cả việc cho phạm nhân đi lao động cũng phải nghiên cứu hồ sơ để bố trí về đội nào, phân công đồng chí quản giáo nào quản lý thì phù hợp, rồi đảm bảo địa hình, địa vật để họ không bỏ trốn, không vi phạm hay nảy sinh tư tưởng này khác” – Thiếu tá Thanh lý giải thêm.

Hơn 10 năm công tác ở trại là biết bao kỷ niệm trong công tác, nhưng những khoảnh khắc lúc mới chập chững bước vào nghề vẫn làm anh nhớ mãi. Năm 2003, xã Thanh Mỹ của huyện Thanh Chương là địa bàn nóng về ma túy. Đặc biệt rộ lên tình trạng một số đối tượng quanh vùng buôn bán ma túy cho phạm nhân ở trại.

Trước yêu cầu phải ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này, và dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phó Giám thị Nguyễn Thúc Hải, người trinh sát trẻ mới ra trường còn hừng hực nhiệt huyết và khí thế chiến đấu ấy đã xung phong tham gia. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, anh đã trinh sát đường đi lối lại của các con nghiện và phát hiện ra thời gian, địa điểm giao hàng của các đối tượng.

Theo sự chỉ đạo của đồng chí giám thị, và phó giám thị phụ trách trinh sát, anh cải trang là phạm nhân đang chăn trâu ở khu vực đối tượng nghiện thường qua lại. Gần 11h trưa khi nắng đã bắt đầu đứng bóng, một người đàn ông bịt khẩu trang, đi xe máy là là đến chỗ hẹn bí mật. Nguyễn Đình Thanh đã đưa tiền cho đối tượng. Khi đối tượng giao hàng cũng là lúc các cán bộ Đội trinh sát ập đến vật lộn, vây bắt.

Dù ra sức chống trả hòng chạy thoát nhưng cuối cùng Lê Văn Viết (trú ở Thanh Mỹ, Thanh Chương, Nghệ An) buộc phải tra tay vào còng và thừa nhận hành vi buôn bán trái phép chất ma túy của mình. Toàn bộ vật chứng và đối tượng vi phạm sau đó được chuyển giao cho Công an xã Thanh Mỹ và Công an huyện Thanh Chương xử lý theo pháp luật.

“Mẻ lưới” đầu tiên thành công không chỉ mang lại niềm vui và sự khích lệ cho bản thân anh, mà còn có tác dụng răn đe, chấm dứt tình trạng một số đối tượng trong vùng buôn bán ma túy cho phạm nhân trong trại.

Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh nghiên cứu hồ sơ tại phòng làm việc.

“Đọc vị” tâm lý phạm nhân, ngăn chặn mầm mống tội ác

Tâm sự về bí quyết để hiểu, nắm bắt tâm lý phạm nhân, Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh cho rằng, người cán bộ trinh sát ở trại giam cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo cơ bản, có năng khiếu, và yêu ngành, mến nghề. Nhưng quan trọng nhất là phải có sự nhạy bén trong vấn đề xử lý vụ việc, quyết đoán, chính xác, khách quan và nhu – cương hài hòa.

Bởi vì công tác phòng ngừa rất quan trọng, các đối tượng ở trại sinh hoạt đông, nếu trinh sát không nắm được từng người thì sẽ gặp khó khăn, bị động trong mọi tình huống. Chẳng hạn khi phạm nhân tụ tập đông, xảy ra vi phạm, hay đem vật cấm vào trại… thì người cán bộ trinh sát phải điều tra tận gốc, xác minh cụ thể các nguồn tin...

Anh còn nhớ vụ việc ngăn chặn thành công tư tưởng trốn khỏi nơi giam, trả thù của phạm nhân Hồ Trí Thảo (39 tuổi), ở Từ Liêm, Hà Nội – đối tượng nằm trong vụ án tranh chấp cây xăng giữa 2 gia đình ở Hà Nội, phạm tội “Cố ý gây thương tích” và chịu mức án 7 năm tù.

Đã chấp hành án được hơn 2 năm nhưng tư tưởng “chưa thông”, gần đây đối tượng có nhiều biểu hiện khác lạ. Nhiều ngày liền không ngủ, ăn uống thất thường, cứ nằm trong buồng giam thường xuyên bắt tay lên trán suy nghĩ, đêm tỉnh dậy nhiều lần. Đối tượng cũng thăm hỏi, dò la bạn tù về tuyến đường ra khỏi trại như thế nào, tuyến đường đi về Hà Nội ra sao, bến xe nằm ở đâu...

Trước diễn biến tư tưởng bất thường như vậy, thông qua công tác nghiệp vụ, Thiếu tá Thanh đã xuống gặp trực tiếp Hồ Trí Thảo để trò chuyện, giúp Thảo giải tỏa nỗi lòng. Qua công tác đấu tranh, khai thác, đối tượng đã buộc phải thừa nhận ý đồ xấu xa của mình. Y lập ra 2 kế hoạch báo oán dã man khi có cơ hội trốn về, hoặc sẽ châm xăng đốt cả gia đình họ, hoặc thuê người có HIV chích kim tiêm vào người họ để trả thù.

Từ việc nắm bắt tâm lý, đấu tranh vận động, thuyết phục đối tượng, Thiếu tá Thanh cùng đồng đội đã ngăn chặn và xóa bỏ được mầm mống tội ác nảy sinh trong đầu phạm nhân, giúp phạm nhân “tỉnh ngộ”, yên tâm cải tạo.

Hay lần ngăn chặn phạm nhân có tư tưởng bỏ trốn Nguyễn Hồng Phúc (28 tuổi), ở khối 2, phường Nghi Tân, Cửa Lò, Nghệ An. Phúc phạm tội trộm cắp, chịu mức án 13 năm 6 tháng, nhưng mới chấp hành được hơn 1 năm thì “hết kiên nhẫn”.

Phạm nhân này lao động ở Đội 12, khu vực gần đường huyện lộ nên “ấp ủ” kế hoạch vượt ngục có sự trợ giúp của bạn bè xã hội, tuy nhiên mọi kế hoạch đã bị Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh “đọc vị” và ngăn chặn từ đầu.

Gần đây nhất, phạm nhân Vũ Văn Thắng (24 tuổi), ở Lê Thanh, Mỹ Đức, Hà Nội phạm tội giết người với mức án 14 năm cũng nảy sinh ý định trốn trại. Được phân công lao động ở Đội 5, tại khu vực có đường giao thông qua lại nên Thắng có ý đồ lợi dụng cán bộ sơ hở bắt xe khách đi qua đường mòn Hồ Chí Minh về Hà Nội. Tuy nhiên, qua công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, Thiếu tá Thanh đã kịp thời ngăn chặn.

Công tác ở Trại giam số 6 hơn 10 năm thì 7 năm liền Thiếu tá Nguyễn Đình Thanh đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”. Giờ đây, ở cương vị Đội trưởng, anh vẫn tận tâm với nghề, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho trại giam, thời gian qua không có tình trạng phạm nhân bỏ trốn...

Vẫn với tác phong nhanh nhẹn, anh mỉm cười chia tay tôi dù câu chuyện còn dang dở. Bởi, tôi biết, còn rất nhiều công việc đang đợi anh

Quỳnh Vinh
.
.