Quản giáo Lê Duy Tân: Nặng lòng vì phạm nhân trẻ

Thứ Bảy, 15/11/2008, 19:21
Nếu ai đó nghĩ rằng, nghề Cảnh sát trại giam là khô khan thì khi gặp quản giáo Lê Duy Tân, suy nghĩ này sẽ bị xóa tan. Trong giờ giải lao tại Hội thi "Quản giáo giỏi toàn Cục V26 năm 2008", Tân vui tươi trong điệu hát vọng cổ, hát nhạc nhẹ và nhảy điệu tăng gô.

Nhìn Tân tự tin, trẻ trung trên sân khấu, giữa 20 thí sinh đến từ các trại giam trong toàn quốc và hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Trại giam Hoàng Tiến, ít ai nghĩ anh quản giáo tài hoa này đến từ trại giam ở giáp miền biên cương. Đó là Trại giam Cây Cày, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nơi chỉ cách biên giới Campuchia 22km.

Là người con của Tây Ninh, sau khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát tháng 10/2007, Tân được điều đến Trại giam Cây Cày công tác. Tại đây, anh được phân công phụ trách Đội phạm nhân số 9. Đội có 90 phạm nhân, người có mức án cao nhất là chung thân, thấp nhất 6 tháng.

Nhiệm vụ của Đội 9 là lao động phục vụ trong trại giam, khu giam giữ. Ngày đầu nhận nhiệm vụ, Tân rất lo lắng. Công việc của các phạm nhân mang tính chất lặt vặt chứ không tập trung. Được sự giúp đỡ của các quản giáo có kinh nghiệm, các đồng chí trong Ban Giám thị, Tân nhanh chóng đưa đội phạm nhân vào quy củ.

Gần gũi với phạm nhân trong lúc họ lao động và cả khi nghỉ ngơi, Tân dần tạo được lòng tin. Rồi Tân chịu khó tìm hiểu nắm bắt được hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của từng người. Từ đó, anh kịp thời uốn nắn, động viên họ.

Phạm nhân Dương T.K., 25 tuổi, chỉ kém Tân 2 tuổi nhưng bị kết án chung thân. K. sinh ra trong một gia đình có bố là cán bộ đầu ngành ở một huyện thuộc tỉnh Tây Ninh. Khi Tân tiếp nhận Đội 9, K. đã thụ án được 6 năm. Do K là một phạm nhân trẻ nên Tân đặc biệt lưu ý.

Theo hồ sơ, K. phạm tội tày trời - hiếp, giết, cướp. Do xem phim đồi trụy quá nhiều, cộng với năng lực hành vi yếu, K. phạm tội. Nạn nhân là cô bé bán vé số. Để che giấu tội hiếp dâm, K .đã giết cô bé và lấy đi toàn bộ vé số, dây chuyền. Tội lỗi K. gây ra là nỗi đau quá lớn đối với nạn nhân và gia đình họ. Với gia đình mình, K. đã vùi dập lên tất cả.

Đó là sinh mệnh chính trị của người cha, là danh dự, phẩm giá của người mẹ. Đau đớn hơn, họ chỉ có một người con trai duy nhất, đứa con được kỳ vọng để nối dõi tông đường.

Tân bảo, tháng nào cũng thấy bố mẹ K. lên thăm con. Trong ánh mắt của họ có cái gì đó vừa tủi phận, vừa xót xa.

Bây giờ, người bố, người mẹ ấy đã về hưu. Cuộc sống lúc tuổi già lẽ ra quây quần bên con, bên cháu. Giá như họ quan tâm đến con hơn, kiểm soát tốt hơn lối sống của con thì đâu đến nỗi. Dù họ không nói ra nhưng Tân hiểu, bố mẹ K. có một ước mơ lớn lao. Họ mong con mình được trở về, được lấy vợ, sinh con. Họ muốn được làm ông, làm bà.

Hiểu được khát vọng này, Tân động viên K. rất nhiều. Mong rằng, phạm nhân trẻ tuổi này sẽ cải tạo tốt để sớm thực hiện ý nguyện của cha mẹ mình...

"Tại sao Tân luôn ấn tượng với những phạm nhân trẻ?", tôi hỏi. "Tại em luôn thấy tiếc cho họ, chỉ vì hành động bột phát, thiếu hiểu biết pháp luật mà gây nên tội. Họ còn quá trẻ, đường đời còn dài…", Tân trả lời. Chính vì vậy mà Tân luôn trăn trở khi thấy phạm nhân nào đó không có ý thức cải tạo. Như thế đồng nghĩa với việc ngày về của họ sẽ xa hơn

C.Hồng-V.Hà
.
.