Phòng chống tội phạm, bảo vệ hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Thứ Ba, 30/04/2019, 09:38
Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Lúc này, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã trở thành hai nhiệm vụ chiến lược, xuyên suốt.

Tuy vậy, tình hình trật tự xã hội bấy giờ diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động tội phạm hình sự có chiều hướng gia tăng đã gây tâm lý bất an trong nhân dân cũng như cản trở sản xuất và việc chi viện cho chiến trường miền Nam. Do đó, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự của lực lượng CAND nói chung, Cảnh sát nhân dân nói riêng (CSND), giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN) là nhiệm vụ rất quan trọng để bảo vệ vững chắc hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau giải phóng, tội phạm hình sự, nhất là các đối tượng giết người, cướp giật, trộm cắp có tính chuyên nghiệp tăng. Chỉ tính bình quân trong 2 năm 1955-1956, toàn miền Bắc xảy ra 23.200 vụ phạm pháp hình sự. Thêm vào đó nạn tham ô, đầu cơ, tích trữ những mặt hàng khan hiếm, hoạt động giả mạo giấy tờ, cất giấu, phân tán tài sản, tư liệu sản xuất, nguyên vật liệu... cũng gia tăng, gây thất thoát và thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước.

Các tai nạn, tệ nạn xã hội cũng có chiều hướng gia tăng nên đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an, lực lượng CSND đã cùng các lực lượng khác trong CAND đẩy mạnh các giải pháp quản lý hành chính về trật tự xã hội, xây dựng, củng cố phong trào bảo vệ trị an như: Phát động quần chúng giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, tăng cường tuần tra kiểm soát, phòng gian bảo mật... cùng với nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh.

Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và tung biệt kích, thám báo ra miền Bắc, làm cho hoạt động của các loại tội phạm hình sự thêm phức tạp. Trong thời gian này, trung bình phạm pháp hình sự mỗi năm khoảng 25.000 vụ; tội phạm kinh tế xảy ra gần 10.000 vụ. Tình trạng buôn bán tem phiếu, in tem phiếu giả để rút hàng hóa của Nhà nước xảy ra ở một số nơi. Nạn tham ô diễn ra trên các khâu: Quản lý, kho tàng, vận chuyển, phân phối, tiêu thụ thuộc các ngành hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, sắt thép, phụ tùng thiết bị, máy móc, thuốc men...

Tội phạm trộm cắp tài sản XHCN hoạt động trắng trợn, táo bạo, có tổ chức, ổ nhóm, “móc ngoặc” với nhau phổ biến ở các cửa hàng, xí nghiệp, bến bãi, nhà ga, trạm trung chuyển... Để nhanh chóng ổn định, kiềm chế hoạt động của các loại tội phạm, lực lượng CSND đã tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là ở những địa bàn trọng điểm... Soát xét lại các đối tượng, có biện pháp đối phó với từng loại lưu manh, trộm cắp, nhất là số lưu manh chuyên nghiệp, trộm cắp tài sản XHCN trên các tuyến vận chuyển, các địa bàn trọng điểm.

Mở nhiều đợt truy quét ở thành phố, xác lập hồ sơ đưa đi tập trung giáo dục cải tạo hàng nghìn tên, làm trong sạch địa bàn, bảo vệ trật tự trị an, bài trừ trộm cắp và các tai, tệ nạn xã hội, thanh thiếu niên hư. Tập trung cải tạo những tên nguy hiểm, bài trừ nạn mại dâm, phát động nhân dân  tham gia quản lý giáo dục các đối tượng hình sự, phát hiện ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, giám sát chặt chẽ các đối tượng ở địa bàn cơ sở, nhất là nơi địch thường xuyên bắn phá, không để chúng lợi dụng hoạt động phạm tội.

Công tác đấu tranh chống tham ô, trộm cắp tài sản Nhà nước, chống buôn lậu, buôn hàng cấm được chỉ đạo thực hiện rất quyết liệt. Nhiều vụ án tham ô lớn được lực lượng Cảnh sát điều tra làm rõ nên đã hạn chế những thiệt hại về tài sản XHCN. Trong 18 tháng thời kỳ đầu chống chiến tranh phá hoại đã phát hiện, đã điều tra 9.098 vụ tham ô, trộm cắp tài sản. Hầu hết những vụ tham ô, trộm cắp lớn đều được điều tra xử lý nghiêm như: Vụ Ngô San Trung, Vụ trưởng Tài vụ thuộc Tổng cục Lương thực tham ô tiền; vụ Nguyễn Văn Mẫn tham ô tài sản, hàng hóa ở Công ty Công nghệ phẩm Nam Hà...

Thông qua công tác điều tra, khám phá các vụ án tham ô, trộm cắp đã phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kiến nghị với Đảng, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh khắc phục, đồng thời cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong bảo vệ tài sản, quan hệ tài chính của các ngành, các cấp, các đơn vị.

Chiến tranh leo thang phá hoại của đế quốc Mỹ tuy đã chấm dứt nhưng tình hình tội phạm hình sự vẫn không giảm. Lực lượng CSND tăng cường trấn áp tội phạm hình sự ở các thành phố, các địa bàn trọng điểm, các đối tượng lưu manh, côn đồ, hung hãn; sử dụng linh hoạt các biện pháp trấn áp như truy tố, tập trung cải tạo, cưỡng bức lao động, đưa ra giáo dục trước dân nên đã kiềm chế tới mức thấp nhất các hoạt động và sự gia tăng của tội phạm.

Tính đến cuối năm 1974, các vụ trọng án được khám phá đạt tỷ lệ cao, khám phá án giết người đạt 83%, án cướp của đạt 61%, án hiếp dâm đạt 87%, cướp giật đạt 71,5%. Đến năm 1975, số vụ phạm pháp hình sự giảm trên 6.000 vụ, chủ yếu ở các địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Hà, Quảng Ninh. Lực lượng CSND đã tập trung lực lượng, vận dụng linh hoạt các biện pháp đấu tranh, vận động quần chúng phát hiện, tố cáo những hành vi tham ô, trộm cắp; tỷ lệ điều tra, phá án đạt gần 60%, trong đó các vụ án trộm cắp đạt 57%, án tham ô đạt 43%, góp phần quan trọng vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội ở miền Bắc, tạo điều kiện huy động tối đa sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ở miền Nam, khi kẻ địch ra sức khủng bố, đàn áp đồng bào ta, lực lượng CSND đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng An ninh miền Nam tổ chức bám dân, vận động quần chúng bảo mật phòng gian, diệt ác, phá đồn, bảo vệ vùng căn cứ, đẩy mạnh công tác xây dựng và củng cố lực lượng phục vụ kháng chiến lâu dài. Sau Hiệp định Paris năm 1973, lực lượng CSND đã triển khai và tổ chức tốt nhiệm vụ bảo ANTT vùng mới giải phóng, bảo vệ cơ quan đầu não của Chính phủ.

Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Bộ Công an đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm trong công tác, chiến đấu lên đường chi viện cho miền Nam và trong số đó có 2.751 cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát. Họ đã phối hợp với lực lượng tại chỗ chiến đấu tiêu diệt địch, tiếp quản vùng giải phóng, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, đấu tranh bảo vệ ANTT, góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng.

Lực lượng CAND được Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về mọi mặt, sự tham gia tích cực của nhân dân đã từng bước trưởng thành. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự ở miền Bắc giai đoạn cả nước có chiến tranh diễn ra gay go, phức tạp nhưng lực lượng CAND nói chung, CSND nói riêng đã quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách, phương châm, nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng CNXH ở hậu phương lớn miền Bắc, chi viện nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Quỳnh Vinh – Anh Hiếu
.
.