Phản hồi đường dây nóng về việc CSCĐ xử lý người vi phạm

Thứ Sáu, 20/04/2012, 23:55
Khi thấy không đủ số lượng thành viên của tổ TTKS của CSCĐ hoặc có dấu hiệu nghi vấn thì người dân hãy gọi điện đến số đường dây nóng: 04.39396215 và 043.8257915. Đây là số điện thoại trực 24/24h, Đại tá Phạm Văn Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ, Công an TP Hà Nội nói.

Thời gian vừa qua Đường dây nóng Báo CAND nhận được một số phản ánh của bạn đọc liên quan đến hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Hà Nội, đặc biệt là những phản ánh về một số hành vi vi phạm quy trình công tác trong xử lý vi phạm giao thông trong quá trình làm nhiệm vụ vào ban đêm. Để giải đáp thắc mắc của bạn đọc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Văn Hưng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ, Công an TP Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Trung đoàn CSCĐ triển khai thực hiện công tác tuần tra kiểm soát (TTKS) như thế nào? Lực lượng CSCĐ TTKS ban đêm có được phép xử lý vi phạm giao thông không?

Đại tá Phạm Văn Hưng: Hiện trung bình mỗi đêm Trung đoàn có gần 400 – 500 lượt cán bộ, chiến sỹ (CBCS) làm nhiệm vụ TTKS từ 21h hôm trước đến 5h hoặc 6-7h sáng hôm sau. Các tổ TTKS làm việc với nhiệm vụ phòng ngừa đấu tranh trấn áp tất cả các loại tội phạm như: Chống đua xe trái phép, gây rối, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, đánh nhau, buôn bán, sử dụng ma túy… chủ động phát hiện tội phạm trên những tuyến phòng ngừa trọng điểm và giải quyết các tình huống khác. Trong những vi phạm được quyền xử lý có việc xử lý vi phạm giao thông.

Theo quy định, chiến sỹ khi TTKS được quyền phạt tại chỗ đến mức 200.000 đồng. Riêng đối với vi phạm giao thông, theo Nghị định 34/NĐ-CP, khi người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm sẽ bị phạt 150.000 đồng. Nếu người điều khiển không có giấy phép lái xe hoặc biển kiểm soát giả, chở quá số người quy định, không chấp hành hiệu lệnh TTKS… thì sẽ bị lập biên bản giữ xe theo quy định. Tổ TTKS sẽ đưa xe về trụ sở Công an nơi gần nhất hoặc áp tải xe vi phạm về đơn vị.

Lực lượng Cảnh sát cơ động Hà Nội phối hợp với liên quân 141 phát hiện, xử lý vi phạm ban đêm.

PV: Đơn vị có phát hiện được vi phạm của CBCS trong quá trình TTKS hay không? Và đơn vị đã làm những gì để ngăn chặn hiện tượng tiêu cực trong quá trình này?

Đại tá Phạm Văn Hưng: Trong công tác TTKS, CBCS còn bộc lộ một số thiếu sót như: CBCS chưa chấp hành nghiêm quy trình TTKS của Trung đoàn đã đề ra. Cụ thể là tư thế tác phong, thái độ chưa đúng với người dân, kiểm tra không đúng đối tượng, xử lý còn dây dưa kéo dài, thậm chí có những trường hợp vi phạm quy định khác gây bức xúc cho nhân dân, làm người dân có nhìn nhận méo mó về lực lượng CSCĐ, dù số này là rất ít so với công lao của CBCS trong việc góp phần tích cực đảm bảo ANTT, đặc biệt là ngăn chặn được tình trạng đua xe trái phép.

Chúng tôi cũng tiếp nhận được phản ánh về hiện tượng vi phạm của CBCS trong quá trình TTKS từ nhiều nguồn thông tin. Về vấn đề này, không phải khi nhận được thông tin phản ánh chúng tôi mới tiến hành xử lý vi phạm mà đơn vị đã có cả một quy trình công tác. CBCS phải tuân thủ quy trình từ tập hợp, kiểm tra số hiệu, giấy tờ xe máy, đăng ký TTKS.

Quá trình TTKS phải đúng địa bàn, kiểm tra đúng đối tượng (có thể đối tượng vi phạm rõ ràng hoặc nghi vấn). Nếu kiểm tra không có sai phạm thì người kiểm tra phải nói lời xin lỗi và cảm ơn. Nghiêm cấm đánh người, nhận tiền của người vi phạm dưới bất cứ hình thức nào. Khi kiểm tra phát hiện vi phạm, lực lượng TTKS phải khẩn trương giao cho cơ quan Công an nơi gần nhất. Tất cả CBCS phải viết cam kết chấp hành quy trình TTKS.

Mỗi tối, các Đại đội phải cử 2 cán bộ kiểm tra liên tục trong 2 ca từ 21h - 1h và từ 1h - 5h. Nếu CBCS sai phạm mà cán bộ kiểm tra không phát hiện được hoặc phát hiện mà không xử lý thì Trung đoàn sẽ xử lý trách nhiệm liên đới của cán bộ Đại đội. Đối với CBCS vi phạm, ngoài xử lý theo quy định thì đơn vị còn đình chỉ, không bố trí TTKS, và chỉ bố trí lại công việc TTKS sau khi hết hiệu lực kỷ luật.

Năm vừa qua, ngoài kiểm tra của Trung đoàn, Thanh tra Công an TP cũng phát hiện cán bộ sai phạm quy trình TTKS. Năm 2011 đơn vị có 5 trường hợp vi phạm quy trình, 2 đồng chí bị kỷ luật khiển trách, 3 đồng chí bị cắt thi đua không hoàn thành nhiệm vụ.

PV: Đồng chí cho biết những kết quả đạt được từ công tác TTKS của lực lượng CSCĐ Thủ đô trong thời gian qua?

Đại tá Phạm Văn Hưng: Từ công tác TTKS, trung bình mỗi năm phát hiện, bắt giữ từ 800 – 1.000 vụ việc có dấu hiệu phạm pháp. Trong đó có những đối tượng trộm cắp, buôn bán, sử dụng chất ma túy, đối tượng giết người, truy nã, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép, gây rối công cộng… Có những vụ CBCS không nhận hối lộ 120.000 USD của đối tượng sử dụng vũ khí quân dụng, là đầu mối của một vụ ma túy lớn 2010. Mỗi năm có hàng trăm lượt CBCS không nhận hối lộ. 3 tháng đầu năm 2012 đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 407 vụ phạm pháp với 658 đối tượng, trong đó có 64 đối tượng đã có tiền án tiền sự, thu giữ nhiều vũ khí, hung khí nguy hiểm, xử lý 8.860 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, xử phạt tại chỗ 8.365 trường hợp, còn lại là giữ xe. Qua xác minh chưa đầy đủ, có 21 vụ được cơ quan điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can. 48 CBCS nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ.

PV: Một số bạn đọc muốn biết, để tránh bị đối tượng giả danh CSCĐ và tránh hiện tượng CBCS CSCĐ tiêu cực trong quá trình TTKS, người dân phải làm gì?

Đại tá Phạm Văn Hưng: Theo quy định, một tổ TTKS của Trung đoàn khi triển khai nhiệm vụ bằng xe máy gồm có 2 xe và 4 CBCS được trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ. Một tổ đi ôtô thì có khoảng 15-20 người có một Chỉ huy Đội phụ trách. Có thể có chiến sỹ không đeo số hiệu do chưa được cấp phát hoặc khi mặc áo chuyên dụng của CSCĐ khoác ngoài sẽ bị che lấp số hiệu nên người dân không nhìn thấy. Nhưng, trong một tổ TTKS, bao giờ cũng phải có người đeo số hiệu rõ ràng theo đúng điều lệnh để người dân nhận biết. Khi thấy không đủ số lượng thành viên của tổ TTKS hoặc có dấu hiệu nghi vấn thì người dân hãy gọi điện đến số đường dây nóng: 04.39396215043.8257915. Đây là số điện thoại trực 24/24h và có thể giải đáp thắc mắc trực tiếp. Chúng tôi không bao giờ dung túng cho các vi phạm.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Việt Hà (thực hiện)
.
.