Tuyên dương “Phụ nữ CAND tiêu biểu thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy”:

Phái đẹp ghi danh trên mặt trận “nóng”

Thứ Sáu, 07/06/2013, 15:01
Với 44 ngàn hội viên địa bàn hoạt động rộng khắp cả nước, nhiều nữ cán bộ, chiến sỹ Công an công tác, chiến đấu trong điều kiện khó khăn, môi trường độc hại, tiếp xúc với các đối tượng nguy hiểm nhưng vượt lên những gian khó, lực lượng nữ cán bộ, hội viên Công an nhân dân “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, tích cực vươn lên hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trong 5 năm qua, đã có 656 lượt hội viên có sáng kiến nổi bật trong công tác chuyên môn, 977 đồng chí trực tiếp tham gia các vụ án, bóc gỡ, đấu tranh nhiều đối tượng, đường dây tội phạm; hơn 200 lượt phụ nữ làm tốt công tác vận động quần chúng được các cấp biểu dương khen thưởng…

Phụ nữ Công an nhân dân cùng với y bác sĩ khám bệnh, phát thuốc cho bà con buôn Tu (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk).

Bên lề Lễ tuyên dương “Phụ nữ CAND tiêu biểu thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” tổ chức tại Hà Nội, phóng viên Báo CAND đã có cuộc gặp gỡ với 3 gương mặt hội viên phụ nữ tiêu biểu.

Trung úy Lê Thị Giang, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an huyện Thanh Trì, Hà Nội

Trung úy Lê Thị Giang.

Là một cô gái còn rất trẻ, nhưng trong quá trình công tác của mình, Trung úy Lê Thị Giang đã rất nhiều lần dũng cảm thâm nhập vào các hang ổ, đường dây ma túy khét tiếng để rồi cùng đồng đội lập nên những chiến công xuất sắc.

Trong số hàng chục vụ án ma túy lớn nhỏ đã triệt phá, vụ án bắt giữ vợ chồng đối tượng cộm cán về ma túy Phạm Huy Hùng, Nguyễn Thị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) khiến Trung úy Lê Thị Giang nhớ nhất.

Đó là vào năm 2009, 2 đối tượng Hùng - Hạnh cầm đầu một đường dây mua bán ma túy lớn từ Sơn La, Nghệ An về tới Hà Nội. Cứ nửa tháng một lần, bọn chúng di chuyển bằng ôtô từ Hà Nội theo một cung đường nhất định lên Sơn La, Nghệ An hoặc vùng giáp biên giới Việt - Lào để lấy “hàng”.

Sau nhiều lần bám sát các đối tượng, Trung úy Lê Thị Giang cùng đồng đội xác định đây là một đường dây ma túy rất lớn. Việc tiếp cận đối tượng không hề dễ, chúng luôn cảnh giác và có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đối phó với lực lượng Công an. Trong suốt quá trình khám phá vụ án, chị cùng đồng đội đã gần chục lần về tay trắng khi bọn chúng thay đổi địa điểm liên tục.

Qua công tác trinh sát, phát hiện thấy hai đối tượng đang đi ôtô lên Sơn La lấy ma túy, chị cùng đồng đội đã nhanh chóng lên đường. Sau đúng 1 ngày đêm theo dõi, bám sát, lăn lộn trong rừng, sớm tinh mơ ngày hôm sau, chị và đồng đội đã bắt giữ thành công cả hai vợ chồng Hùng - Hạnh cùng với 3 bánh heroin.

Trong người tên Hùng lúc đó giắt theo 1 khẩu súng K59 nhưng hắn không kịp kháng cự thì đã bị chị và đồng đội khống chế. Sau đó, tiếp tục mở rộng vụ án, đối tượng Vì Văn Hương - "ông trùm" chuyên cung cấp ma túy cho Hùng - Hạnh ở bản Bó Sập, xã Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) cũng đã bị chị và đồng đội bắt giữ.

Trung úy Lê Thị Giang tâm sự, đã tham gia điều tra, khám phá những chuyên án ma túy lớn, đối tượng hoạt động liên tỉnh và hết sức manh động khiến sự phức tạp, nguy hiểm không thể kể hết. Những chuyến đi công tác dài ngày, trèo đèo lội suối, vượt núi băng rừng hay phải ăn ngủ hàng tháng trời trong hang đá giáp biên giới với chị và đồng đội triền miên.

Các đối tượng trong các vụ án về ma túy thường mang theo vũ khí nóng, luôn manh động sẵn sàng nhả đạn, chống trả lại lực lượng Công an khi bị bắt giữ. Nguy hiểm luôn rình rập, thế nhưng chị luôn tâm niệm giản dị rằng mình cần phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua những thử thách khắc nghiệt để giữ gìn, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân…

Trung tá Trần Thúy Trinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận 4, TP Hồ Chí Minh

Trung tá Trần Thúy Trinh.

Trung tá Trần Thúy Trinh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận 4, TP Hồ Chí Minh cùng đồng đội đã tổ chức cấp phát chứng minh nhân dân tại nhà cho 181 cụ già neo đơn, tàn tật có hoàn cảnh khó khăn, không còn khả năng đi lại phục vụ cho việc làm bảo hiểm y tế khám chữa bệnh. Chị cũng tổ chức cấp giấy chứng minh nhân dân cho 2.092 em học sinh tại các trường trung học cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các em và nhà trường trong việc đi lại, không làm ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt của nhà trường và các em học sinh.

Những việc làm thiết thực của chị cùng đồng đội đã được lãnh đạo các cấp và đông đảo nhân dân đồng tình, ngợi khen. Với phương châm đảm bảo nhanh, chính xác, kịp thời; tính riêng trong năm 2012 và thời gian qua, chị đã trực tiếp cấp 71.688 giấy chứng minh nhân dân; đảm bảo cung cấp nhanh chính xác 4.271 thông tin đối tượng; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong công tác cấp giấy chứng minh nhân dân.

Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn, chị luôn nhiệt tình, tham gia tích cực công tác xã hội từ thiện do Hội Phụ nữ tổ chức như thăm và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ, các gia đình có công với cách mạng, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…

Với những kết quả đã đạt được trong công tác, chị đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 3 Bằng khen của Bộ Công an, Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Vì An ninh Tổ quốc, Kỷ niệm chương của TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

Thượng tá Nguyễn Thị Líp, Phó Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Trại Tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang

Thượng tá Nguyễn Thị Líp.

Với vai trò là Phó Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Trại Tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang, Thượng tá Nguyễn Thị Líp đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Tiền Giang triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác giam giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù. Nghiên cứu, đề xuất nhiều biện pháp mới để công tác quản giáo đạt hiệu quả cao.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở, chị luôn đề ra những hoạt động thiết thực, phù hợp với đặc điểm công tác của đơn vị để chị em hội viên phấn khởi tham gia. Một trong những chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc được Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị đánh giá cao là chương trình sinh hoạt đặc biệt “Ngày về không xa” được tổ chức cho các nữ phạm nhân vào đúng dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 hàng năm.

Tại chương trình, những nữ phạm nhân được “diện” những bộ quần áo đẹp nhất mà họ có, tham gia thi cắm hoa, thi tìm hiểu nội quy trại giam, quy định giảm án, tha tù; qua đó góp phần giáo dục, cảm hóa các phạm nhân, chấp hành tốt các nội quy, quy định của trại để sớm trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.

Chị đã cùng với các cán bộ, hội viên phụ nữ và cán bộ chiến sỹ trong đơn vị tiến hành xây dựng 1 căn nhà tình nghĩa, 4 căn nhà đại đoàn kết cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng; tích cực giúp đỡ gia đình chính sách, học sinh nghèo, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các hộ dân nghèo trên địa bàn.

Với những sáng kiến và nỗ lực phấn đấu liên tục, chị đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; Bộ Công an tặng 2 bằng khen; 8 năm liền (2005 - 2012) đạt danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua cơ sở”; năm 2011 đạt danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua toàn lực lượng”

Việt Hưng
.
.