“Nóng” tình trạng sở hữu chéo đội vốn ảo nhiều nghìn tỷ đồng

Thứ Năm, 09/03/2017, 15:02
Ngày 9-3, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu chéo, chuyển giá, lợi ích nhóm và giải pháp phòng ngừa”. Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát chủ trì Hội thảo.

Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế và tham nhũng, Bộ Công an, nhận định: Sở hữu chéo có nhiều ưu điểm như tạo nguồn tài chính dồi dào cho các bên hay giảm nguy cơ thâu tóm lẫn nhau, tạo ra lợi ích cho một nhóm doanh nghiệp, ngân hàng, tập đoàn kinh tế. Tuy nhiên, sở hữu chéo tại Việt Nam thời gian qua đã bị một số người lạm dụng để các cổ đông chi phối và cấp vốn theo mục đích riêng làm cho đồng vốn chạy lòng vòng, gây tình trạng vốn ảo, làm gia tăng xung đột lợi ích, thiếu minh bạch trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa phát biểu tại Hội thảo

 “Ma trận” của sở hữu chéo, đầu tư chéo vì lợi ích nhóm trên thị trường ngân hàng và doanh nghiệp cổ phần ở Việt Nam là nguồn gốc của nợ xấu và hệ lụy của thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự quản lý kinh tế. Điển hình, Nguyễn Đức Kiên sở hữu chéo tại 9 ngân hàng, 6 doanh nghiệp với vốn chỉ có khoảng 300 tỷ đồng. Đối tượng mua bán lòng vòng, sở hữu chéo mà nguồn vốn như trên đã “đội” lên nhiều nghìn tỷ đồng. Qua đó cho thấy, hoạt động sở hữu chéo nguồn vốn ở Việt Nam rất phức tạp. 

Các đại biểu, đại diện các ngân hàng tham gia Hội thảo

Tiến sỹ Nguyễn Văn Hiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing, cho biết: Hoạt động chuyển giá diễn ra trên thế giới và Việt Nam. Các công ty, doanh nghiệp luôn nghĩ đến hoạt động này nhằm đảm bảo lợi ích của họ. Hiện nay, các công ty điện tóan quốc tế đã có báo cáo về hoạt động chuyển giá trên thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề như: Thực trạng tình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu chéo, chuyển giá, lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay; những tác động tiêu cực của tình hình trên đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt lĩnh vực kinh tế, chính trị; những kết quả đã đạt được trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sở hữu chéo, chuyển giá, lợi ích nhóm…

Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, yêu cầu: Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát hoạt động các ngân hàng, tổ chức tín dụng từ trung ương đến địa phương nhằm ngăn ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp ngăn chặn tình trạng cổ đông lớn thao túng hoạt động của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, vi phạm Điều 55 Luật tổ chức tín dụng quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện nghiêm túc việc đầu tư trái phiếu, bổ sung quy định về phát hành trái phiếu của doanh nghiệp và đầu tư mua trái phiếu của ngân hàng, các tổ chức tín dụng để tránh tình trạng vốn ảo, sở hữu chéo. Tổ chức kiểm toán chính xác để xác định vốn thực có của các ngân hàng làm cơ sở cho việc ban hành các chính sách và điều hành công tác vĩ mô.

Khi cấp phép cho các ngân hàng TMCP tăng vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước cần thẩm định kỹ vốn tăng phải là vốn thật của cổ đông hoặc vốn của chủ sở hữu, có giải pháp yêu cầu bắt buộc phải giải trình về xuất xứ nguồn gốc vốn.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình nhằm phát hiện sai phạm trong việc sở hữu chéo, chuyển giá, lợi ích nhóm, phát hiện các công ty “sân sau”, việc vay vốn của các công ty này. Khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết, kịp thời, trong đó chú ý xử lý nghiêm các cá nhân trong các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản công tác chống tham nhũng…

Đức Mừng
.
.