Trung tướng Nguyễn Văn Vượng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động:

Nơi kham khó càng tôi luyện sự trưởng thành

Thứ Sáu, 20/07/2012, 12:26
Trở thành người lính Cảnh sát khi mới 17 tuổi, và bây giờ trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động(CSCĐ) hơn ai hết Trung tướng Nguyễn Văn Vượng hiểu rõ về nỗi khó khăn vất vả cũng như sự nguy hiểm mà người lính CSCĐ phải đối mặt hàng ngày.

PV: Thưa Trung tướng, năm 17 tuổi ông đã trở thành người lính của Cục Cảnh sát bảo vệ (tiền thân của lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm ngày nay). Nay ông trở thành vị tướng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, một lực lượng lớn mạnh như ngày hôm nay, vậy cảm nhận của ông thế nào? Ông có đánh giá gì về lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm hiện nay?

Trung tướng Nguyễn Văn Vượng: Tôi trở thành người lính từ khi còn rất trẻ, đó là niềm mơ ước của tôi. Và từ đó tôi đã gắn bó và cống hiến trong lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ), một lực lượng lớn mạnh như ngày hôm nay. Lực lượng CSCĐ đã trải qua 38 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành, với tiền thân là các đơn vị của Công an vũ trang, sau này là đơn vị CSCĐ trực thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ (15/4/1974). Các đơn vị CSCĐ luôn là lực lượng xung kích, nòng cốt của Công an nhân dân trong vũ trang chiến đấu góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lực lượng CSCĐ đã viết nên rất nhiều chiến công, trong đó có cả sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CSCĐ đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Đó là những nét truyền thống tốt đẹp khẳng định phẩm chất, bản lĩnh, ý chí chiến đấu của lực lượng đặc biệt quan trọng này.

Triển khai thực hiện Nghị định số 77 của Chính phủ, Bộ Công an ban hành Quyết định số 4058/QĐ-BCA(X13) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tư lệnh. Đây là bước phát triển mới thể hiện sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, khẳng định vị trí vai trò quan trọng của lực lượng CSCĐ, CSĐN trong tình hình mới. Với nhiệm vụ thống nhất quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về nghiệp vụ lực lượng CSCĐ, CSĐN từ Trung ương đến địa phương, tuần tra giữ gìn ANTT, cơ động chiến đấu, trấn áp kịp thời các vụ gây rối, biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, bạo loạn vũ trang, chống khủng bố, không tặc bắt cóc con tin… tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ, hỏa hoạn... Đến nay, lực lượng CSCĐ đã lớn mạnh, từng bước chính quy, tinh nhuệ, được trang bị tương đối hiện đại. Có thể khẳng định lực lượng CSCĐ, CSĐN trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, chịu đựng gian khổ, hi sinh, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, có tinh thần đoàn kết thống nhất ý chí và hành động, đã ra quân là giành thắng lợi trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

PV: Trung tướng đã từng trải qua nhiều nhiệm vụ, nhiều vị trí công tác ở một đơn vị vũ trang tập trung chiến đấu. Ông có thể cho biết những khó khăn gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSCĐ luôn phải đối mặt và trải qua?

Trung tướng Nguyễn Văn Vượng: Có thể nói đây là một trong những lực lượng gian khổ nhất. Những người lính CSCĐ thường xuyên phải sống xa gia đình, vợ con và  ăn ở sinh hoạt tại đơn vị vũ trang tập trung chiến đấu. Vì vậy không chỉ thiếu thốn cả về vật chất mà tình cảm riêng tư cũng ít ỏi. Và, có rất nhiều lính trẻ, nhiều người vừa rời ghế nhà trường nên phải học tập và rèn luyện về mọi mặt. Về cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhiều đơn vị đang phải thuê mượn hoặc xây dựng nhà tạm để ở. Hệ thống thao trường, bãi tập phục vụ công tác huấn luyện chưa được đầu tư xây dựng. Trong công tác triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ còn gặp phải khó khăn…

PV: Đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ CSCĐ hy sinh xương máu để bảo vệ bình yên cuộc sống, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trung tướng còn nhớ những câu chuyện cảm động về sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã để lại ấn tượng, khiến ông xúc động nhất?

Trung tướng Nguyễn Văn Vượng: Thời gian gần đây, tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp và khôn lường, nhiệm vụ giữ gìn ANTT đặt ra cho lực lượng CSCĐ còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong cuộc chiến không mệt mỏi đó, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ CSCĐ nêu cao tinh thần "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát đã hy sinh hoặc bị thương khi làm nhiệm vụ. Đối với tôi, mỗi cán bộ, chiến sĩ CSCĐ hy sinh và bị thương đã để lại nhiều trăn trở. Mới đây là sự hy sinh của Trung úy Đỗ Mạnh Linh, Đại đội phó Đại đội CSCĐ Công an tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Linh đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, đây là một vụ án rất lớn về ma túy trên địa bàn xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Đồng chí đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, có bố nguyên là cán bộ Phòng CSBV&Cơ động đã nghỉ hưu. Ngay từ nhỏ đồng chí đã có ước mơ được tiếp bước truyền thống gia đình nên đã tình nguyện vào phục vụ trong lực lượng CAND. Nay đồng chí đã anh dũng hy sinh để lại con thơ và người vợ trẻ. Hình ảnh và sự dũng cảm của đồng chí đã để lại trong tôi cũng như trong lòng nhân dân sự tin yêu, cảm phục. 

PV: Lực lượng CSCĐ-CSĐN có rất nhiều chiến sĩ trẻ, họ đã rèn luyện, học tập và vượt qua khó khăn như thế nào? Trung tướng cho biết những tồn tại cần khắc phục để những người lính trẻ toàn tâm toàn ý phấn đấu và cống hiến cho sự nghiệp giữ gìn bình yên cuộc sống hôm nay?

Với đặc thù của lực lượng CSCĐ, CSĐN có trên 50% là công dân phục vụ có thời hạn. Họ vừa rời ghế nhà trường phổ thông, trình độ nhận thức về mọi mặt... còn nhiều hạn chế. Khi được bố trí về các đơn vị, chúng tôi đã tiếp tục giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trẻ với những nội dung và hình thức phù hợp. Đó là, giáo dục tinh thần kiên định lập trường tư tưởng cách mạng, mục tiêu lý tưởng của Đảng, vững vàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, bền bỉ và quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đây là nội dung quan trọng nhất, có vai trò quyết định đến việc xây dựng lực lượng CSCĐ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Giáo dục lòng trung thành đối với Đảng, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục tinh thần yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, luôn làm việc tốt, bảo vệ chính nghĩa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, của nhân dân. Giáo dục tinh thần mưu trí, dũng cảm trong công tác chiến đấu, chiến sỹ CSCĐ, CSĐN là người lính thường trực chiến đấu trong lực lượng vũ trang sắc bén và tinh nhuệ của Đảng, Nhà nước ta. Giáo dục lối sống liêm khiết, chính trực "Cần, kiệm, liêm, chính” là một trong 6 lời dạy của Bác Hồ về "Tư cách người Công an cách mệnh".

PV: Theo đồng chí điều quan trọng nhất để lực lượng CSCĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó, trong thời gian tới cần tập trung vấn đề gì? 

Trung tướng Nguyễn Văn Vượng: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác giáo dục chính trị tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Lực lượng CSCĐ phải được chăm lo về mọi mặt, có tính kỷ luật cao, sẵn sàng chiến đấu, thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ ANTT. Muốn vậy, phải kiện toàn tổ chức, đảm bảo biên chế đủ quân số. Thực hiện đề án chế độ chính ủy, chính trị viên trong các đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, điều chỉnh các chế độ chính sách đặc thù ưu tiên… Qua thực tiễn cho thấy, bên cạnh những thành công của các lực lượng tham gia giải quyết các vụ phức tạp về ANTT, còn có một số hạn chế cần phải khắc phục. Vì vậy, thời gian tới cần quan tâm đến chất lượng công tác thực hành, huấn luyện phương án tác chiến xử lý các tình huống… đặc biệt là công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cao và cơ chế chỉ huy để chủ động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trang bị hậu cần - kỹ thuật cho lực lượng CSCĐ, CSĐN, chuẩn hóa trang bị chiến đấu, chủ động ứng phó với mọi tình huống về ANTT, không để bị động bất ngờ.

PV: Xin cảm ơn đồng chí

Kim Quý (thực hiện)
.
.