Trường Giáo dưỡng số 2, Bộ Công an:

Nơi gây dựng những tâm hồn khiếm khuyết

Thứ Sáu, 31/05/2013, 23:49
Dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6, nhiều đứa trẻ mong ngóng được tặng quà, được bố mẹ đưa đến những điểm vui chơi, thỏa thích nô đùa… Nhưng, những đứa trẻ ở đây thật khó có được niềm hạnh phúc ấy. Nhiều đứa không còn bố mẹ, có đứa cả năm trời không được gặp người thân. Niềm an ủi với chúng giờ đây chính là tình cảm, là sự rèn giũa của các thầy, cô mang sắc phục Công an.

Thay cho mái ấm gia đình, những đứa trẻ trong Trường Giáo dưỡng số 2, Bộ Công an được sống giữa môi trường nghiêm khắc nhưng chan hòa tình thương, trách nhiệm của thầy cô.

Tuổi thơ không bình yên

“Ninh Bình ngày 29/5/2013. Mẹ xa nhớ…” – cậu thiếu niên Hoàng Văn Hùng bắt đầu dòng thư viết gửi mẹ bằng tình cảm ngọt ngào – thứ tình cảm tưởng như đã lẩn sâu trong tâm hồn đứa trẻ bướng bỉnh. Trông Hùng bé nhỏ so với tuổi 15. Mẹ Hùng và những người chị em của cậu đang sống ở một xã miền núi huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, nơi có những nương sắn bạt ngàn.

Cũng bởi khó khăn vất vả mà Hùng sớm bị mất bố. Cậu chẳng biết bố mất khi nào, chỉ biết nghe người lớn kể rằng bố đi thả lưới ở hồ rồi bị chết đuối. Học dở lớp 1, Hùng bỏ học. Chị gái cũng không biết chữ. Cuộc sống khó khăn, bữa no bữa đói. Để kiếm sống, cậu cùng mẹ, chị gái đi trồng sắn. Sức vóc nhỏ bé thiếu dẻo dai của đứa trẻ đang tuổi ăn học ấy phải gồng lên, đóng những bao tải sắn cao bằng người mình rồi vần xuống chân đồi.

Những mẩu chuyện về cuộc sống thơ ấu của Hùng khiến Trung tá Nguyễn Văn Tuyên, Chủ nhiệm Đội 8, Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình không khỏi ngậm ngùi. Anh tâm sự, Hùng đã có một tuổi thơ vất vả. Rồi mẹ cậu đi lấy chồng. Hùng dần trở thành đứa trẻ hư, nhiều lần trộm tiền của hàng xóm. Chính quyền, Công an địa phương nhắc nhở, giáo dục không thành công, Hùng được chuyển vào Trường Giáo dưỡng.

Lẫn giữa đám bạn ngồi giữa sân trường, Hùng mang dáng vóc bé nhỏ nhưng khá nhanh nhẹn. Hỏi Hùng lấy trộm tiền để làm gì, cậu trả lời: “Cháu thích ăn quà và chơi điện tử”. Cậu giải thích cụ thể là thích ăn kẹo và chơi game “đế chế”. Rồi Hùng khoe: “Cháu đang học lớp 2 rồi”.

Ở đây, những học sinh như Hùng đều được học văn hóa, học nghề. Từ một học sinh mù chữ, cậu đã đọc thông viết thạo. Tôi đề nghị Hùng viết một lá thư cho mẹ, cậu không ngần ngại ngồi viết một lèo, không cần ngẫm nghĩ. Mẹ ở xa, vất vả nên không đến thăm Hùng được. Thỉnh thoảng cậu lại được thầy giáo cho gọi điện thoại về gặp mẹ. Hùng tỏ vẻ hối lỗi: “Cháu biết lỗi của mình rồi. Thầy cô cháu dặn về nhà phải chăm chỉ làm việc, giúp đỡ mẹ”.

Bất hạnh hơn Hùng, cô bé Trần Thị Huyền, sinh năm 1999, quê ở xã Ninh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thì mất cả cha lẫn mẹ từ khi còn học mẫu giáo. Trong câu chuyện của em, chúng tôi hiểu rằng cha mẹ em có liên quan đến ma túy và căn bệnh thế kỷ. Họ đã không cho con gái mình một mái ấm gia đình.

Huyền lớn lên nhờ sự nuôi nấng chăm sóc của một người bà con. Không được rèn giũa, giáo dục, cô bé phát triển như cỏ dại ven đường. Nghe theo chúng bạn, Huyền lấy trộm tiền, ban đầu là của người nhà, sau là nhà hàng xóm. Cuối cùng, trường giáo dưỡng là nơi tiếp nhận Huyền để giáo dục, hướng cho em trở thành người có ích sau này. Thiếu úy Kim Oanh, chủ nhiệm lớp học sinh nữ đã trở thành người thân nặng tình nhất của Huyền. Cô chăm lo cho sức khỏe của em và là người bù đắp thiếu hụt tình cảm, sự giáo dục cho Huyền và nhóm học sinh nữ trong lớp mình chủ nhiệm.

Thiếu úy Kim Oanh hỏi chúng tôi: “Khi trò chuyện với các em, chị có thấy bọn trẻ xúc động không?”.

Đúng như câu hỏi ẩn chứa sự khẳng định của cô Oanh, mỗi đứa trẻ đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Ở lứa tuổi đã phần nào phân biệt được cái tốt, cái xấu, các em thèm muốn một gia đình hạnh phúc, một mái ấm an toàn, một sự chở che tin cậy. Bởi vậy, những giọt nước mắt tủi thân cứ chảy tràn trên khuôn mặt non tơ của những cô bé, cậu bé có tuổi thơ không bình yên.

Đôi mắt đỏ hoe và giọt nước mắt lăn dài trên má cô học trò An Thị Trang đã ám ảnh chúng tôi suốt cuộc trò chuyện. 14 tuổi, Trang biết đóng giả bác sỹ để vào bệnh viện trộm đồ. Nhưng 14 tuổi, cô bé cũng biết thèm khát một gia đình ấm cúng. Những ngày học tập, giáo dục trong ngôi trường đặc biệt này sẽ giúp em định hướng tương lai của mình

Tạo môi trường giáo dục nghiêm khắc nhưng ấm áp tình người để giáo dục học sinh hư trở thành người có ích ở Trường Giáo dưỡng số 2.

Kiên trì nắn những “cây cong”

Những ngày này, Trường Giáo dưỡng số 2 đóng tại tỉnh Ninh Bình đang tưng bừng kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường và tổ chức Hội thi văn hóa thể thao các trường giáo dưỡng trong cả nước. Cả trường tràn ngập không khí vui tươi của ngày hội văn hóa. Hàng trăm học sinh mặc đồng phục ngồi vây xung quanh sân bóng hò reo, cổ vũ. Nhìn các em ngồi thành hàng lối, hồ hởi theo từng đường lăn của trái bóng, chẳng ai nghĩ chúng là những đứa trẻ cá biệt, khiếm khuyết về tâm hồn, đã từng vi phạm pháp luật.

Trong hội trường, nhóm học sinh nữ say sưa tập múa hát với tà áo trắng thướt tha. Những đôi mắt ngơ ngác, những câu chuyện hồn nhiên của đám nữ sinh khiến chúng tôi không còn cảm giác đây là nơi giáo dục, cải tạo những trẻ em hư, vi phạm pháp luật.

Thầy chủ nhiệm Đội 8 – Trung tá Nguyễn Văn Tuyên tâm sự, những học trò của trường có tâm hồn non nớt, một nửa là trẻ con, một nửa là người lớn. Hầu hết chúng đều có một gia đình không thực sự là mái ấm chở che cho các em. Thậm chí, nhiều đứa vào trường còn khai man lý lịch, khai bố mẹ đã chết bởi chúng không muốn công nhận gốc gác của mình, lo sợ bố mẹ sẽ đến tìm.

Bởi vậy, để giáo dục, tác động vào tâm lý, hướng thiện cho các em, các thầy cô giáo phải có kỹ năng, nghệ thuật trong giáo dục và quản lý. Ngoài việc dạy văn hóa, dạy nghề, các thầy cô còn phải là người bạn tâm tình của bọn trẻ thì hiệu quả giáo dục mới cao.

Đại tá Trần Bá Luấn, Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 cho biết, tại thời điểm này trường có 176 cán bộ, chiến sỹ luôn cống hiến hết mình với phương châm: “Lấy học sinh làm trung tâm”, công tác giáo dục học sinh ngày càng được đổi mới, đa dạng về hình thức, sâu sắc về nội dung, đặc biệt quan tâm đến điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập. Tất cả những điều đó đã có tác dụng cải biến tư tưởng, hành vi của học sinh. Tỷ lệ học sinh lên lớp, chuyển cấp tăng cao, đạt 90-95%.

Mỗi dịp lễ, Tết như thế này, Trường giáo dưỡng đều tổ chức các chương trình vui chơi cho các em. Có thể đó là trận đá bóng, là buổi liên hoan, văn nghệ…

Tối 29/5, hơn 800 học sinh của Trường Giáo dưỡng số 2 say sưa thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc. Ở góc hội trường, vẫn có những đứa trẻ ngồi lặng lẽ. Có lẽ chúng đang nhớ nhà

Việt Hà – Cao Hồng
.
.