Nỗ lực xây dựng và đào tạo ngành tham mưu chỉ huy CAND bài bản, chuyên sâu

Thứ Ba, 25/04/2017, 09:35
Công tác tham mưu CAND có vai trò quan trọng, gắn liền với hoạt động của lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự của lực lượng CAND.

Thực tiễn cho thấy, đội ngũ cán bộ tham mưu có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tham mưu chưa được quan tâm tổ chức bài bản. Do đó, chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu CAND nhìn chung có nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, còn thiếu những cán bộ tham mưu là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.

Cho đến năm 2013, chưa có cơ sở đào tạo nào tổ chức đào tạo ngành tham mưu một cách bài bản, hệ thống với tính chất là đào tạo, rèn luyện tay nghề. Do đó, cần thiết phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để hình thành được một đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác tham mưu thực sự chuyên sâu, chuyên nghiệp, đủ sức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Học viện Chính trị Công an nhân dân là đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu lý luận về công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Do đó, Bộ Công an quyết định giao cho Học viện tổ chức đào tạo chuyên ngành Tham mưu tổng hợp và Tham mưu xây dựng lực lượng CAND. Đây là một bước tiến đột phá chiến lược, là giải pháp quan trọng để tháo gỡ nút thắt trong công tác tham mưu tồn tại từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, do Tham mưu chỉ huy là ngành học mới, lần đầu tiên tổ chức đào tạo trong Công an nhân dân, nên quá trình tổ chức triển khai thực hiện, bên cạnh một số thuận lợi căn bản, Học viện còn gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là lý luận về công tác tham mưu CAND chưa được nghiên cứu, xây dựng thành một hệ thống. 

Khó khăn thứ hai là đội ngũ nhà khoa học, lý luận, chuyên gia đầu ngành và giảng viên có trình độ chuyên sâu về công tác tham mưu CAND còn thiếu. Mặt khác, sự gắn kết giữa các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo với đơn vị thực tiễn làm công tác tham mưu ở công an các cấp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tham mưu còn chưa chặt chẽ, thường xuyên…

Học viện Chính trị CAND tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đối thoại với sinh viên.

Mặc dù có nhiều khó khăn như vậy, nhưng nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của việc đào tạo ngành Tham mưu chỉ huy Công an nhân dân, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã quyết tâm bằng mọi cách phải tổ chức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ Bộ trưởng giao. 

Đến nay, sau 3 năm, công tác tổ chức đào tạo ngành Tham mưu chỉ huy Công an nhân dân tại Học viện Chính trị CAND bước đầu đạt được nhiều kết quả. Đó là, Học viện đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng xây dựng chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Tham mưu chỉ huy CAND, do đồng chí Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an làm Trưởng ban chỉ đạo và đồng chí Giám đốc Học viện làm Chủ tịch Hội đồng biên soạn. 

Ban Chỉ đạo và Hội đồng xây dựng chương trình đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo. Giám đốc Học viện đã ban hành chương trình đào tạo ngành Tham mưu chỉ huy Công an nhân dân. Trên cơ sở đó, Học viện được giao thí điểm đào tạo ngành Tham mưu chỉ huy CAND trình độ đại học hệ chính quy. Bắt đầu từ năm học 2015 - 2016, Học viện đã tổ chức chiêu sinh 100 chỉ tiêu ngành Tham mưu chỉ huy CAND. 

Đến nay Học viện đã tổ chức chiêu sinh, đào tạo được 2 khóa sinh viên chính quy và đang chuẩn bị chiêu sinh khóa thứ 3 của ngành học này. Học viện đã tập trung xây dựng đề cương chi tiết các học phần của ngành học Tham mưu chỉ huy CAND. 

Đến nay đã tổ chức thẩm định xong lần cuối cùng để chính thức ban hành đề cương chi tiết các học phần của ngành học. Học viện đã đăng ký nghiên cứu 1 đề tài khoa học cấp Bộ về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tham mưu chuyên trách trong CAND; tổ chức biên soạn và xuất bản 5 sách tham khảo về công tác tham mưu CAND. 

Một kết quả nữa là Học viện đã tập trung xây dựng Khoa Tham mưu chỉ huy và đội ngũ giảng viên đủ năng lực, có thể đáp ứng được yêu cầu công tác nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn tài liệu, giáo trình đào tạo với 2 Giáo sư, 1 Phó Giáo sư, 3 tiến sĩ và nghiên cứu sinh. 

Đối với số giáo viên trẻ, Học viện yêu cầu bắt buộc phải luân chuyển đến các cơ quan tham mưu trong thời gian nhất định để thâm nhập thực tiễn trước khi duyệt giảng, lên lớp. 

Ngoài ra, Học viện còn huy động được một đội ngũ đông đảo các giảng viên thỉnh giảng có trình độ, kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tham mưu, như đồng chí Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; đồng chí Trung tướng Nguyễn Danh Cộng, Chánh Văn phòng Bộ Công an; Thiếu tướng Lê Văn Long, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Ngư, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương…

Để tổ chức đào tạo ngành học Tham mưu Công an nhân dân có chất lượng, hiệu quả, góp phần xây dựng lực lượng Tham mưu CAND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần làm tốt một số vấn đề sau:

Một là, các cơ quan chuyên trách về nghiên cứu khoa học của Bộ Công an tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu, góp phần hệ thống hóa, từng bước phát triển lý luận về công tác tham mưu Công an nhân dân.

Hằng năm, Hội đồng lý luận Bộ Công an, Viện Khoa học và Chiến lược Công an đặt hàng các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghiên cứu và cơ quan tham mưu của Công an các cấp tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học về công tác tham mưu, nhất là những đề tài nghiên cứu cơ bản. 

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, hệ thống hóa thành những vấn đề lý luận cơ bản về công tác tham mưu Công an nhân dân. Đây là chất liệu quan trọng để xây dựng hệ thống giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng ngành Tham mưu chỉ huy CAND.

Hai là, tập trung biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Là ngành đào tạo mới, có nhiều đặc thù, không được kế thừa hệ thống lý luận, giáo trình, tài liệu sẵn có như các ngành học khác. Do vậy, Học viện phải khẩn trương biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo. Quá trình biên soạn, cần phải đi sâu nghiên cứu kỹ thực tiễn công tác tham mưu; tranh thủ sự cộng tác của các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tham mưu của Văn phòng Bộ Công an và các cơ quan tham mưu chuyên trách ở Công an các đơn vị, địa phương. Có như vậy, giáo trình, tài liệu dạy học mới vừa đảm bảo được tính khoa học, vừa phản ánh và đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn công tác tham mưu. 

Ba là, coi trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng.

Đội ngũ giảng viên là yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Phải xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, có năng lực chuyên môn cao và khả năng sư phạm tốt. 

Tăng cường cho giảng viên được thâm nhập, nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn bằng hình thức định kỳ luân chuyển về công tác tại các cơ quan tham mưu, thực sự làm việc như một cán bộ tham mưu chuyên trách trong một thời gian nhất định, và phải coi đây là một điều kiện bắt buộc đối với giảng viên. Có cơ chế để giảng viên có điều kiện được tham gia các hội nghị chuyên đề, sơ kết, tổng kết có liên quan đến công tác tham mưu.

Trong điều kiện còn khó khăn về giảng viên cơ hữu, cần chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên thỉnh giảng là các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu và cán bộ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về công tác tham mưu, đây là hướng chính, trọng tâm để tổ chức đào tạo có chất lượng ngành Tham mưu chỉ huy Công an nhân dân.

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các cơ quan chuyên trách tham mưu và các đơn vị chức năng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng ngành Tham mưu chỉ huy CAND.

Các đơn vị chức năng cần phối hợp, giúp đỡ cơ sở đào tạo trong việc biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, trong việc cử giảng viên tham gia giảng dạy, phối hợp trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về công tác tham mưu… Cần có các quy chế cụ thể để xác định rõ trách nhiệm của mỗi đơn vị. 

Trước hết, triển khai thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Bộ Công an với Học viện Chính trị Công an nhân dân; trên cơ sở đó tiếp tục xây dựng và thực hiện Quy chế phối hợp với các đơn vị tham mưu khác trong CAND.

Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND
.
.