Nỗ lực xác lập “chữ tín” về chất lượng đào tạo

Thứ Bảy, 25/04/2015, 00:24
Đến nay, tròn một năm Học viện Chính trị CAND được thành lập. Dù còn “non trẻ”, nhưng Học viện đã được lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng, giao nhiệm vụ nặng nề và vinh quang là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy; đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng CAND; đào tạo đại học, sau đại học về các lĩnh vực: xây dựng lực lượng, công tác Đảng, công tác chính trị, quản trị nhân lực, tham mưu chỉ huy xây dựng lực lượng CAND.

Một năm là quãng thời gian không dài, nhưng tập thể cán bộ, giáo viên và học viên của Học viện đã nỗ lực gần như tối đa, cố gắng với quyết tâm cao, bước đầu đưa các mặt công tác của Học viện vào nền nếp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước xây dựng Học viện Chính trị CAND phát triển vững mạnh, đáp ứng được sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an. 

Ngay sau lễ khai giảng năm học đầu tiên, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã họp bàn và thống nhất xây dựng con đường phát triển của Học viện bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và lực lượng CAND; mỗi bước đi phải thận trọng, khẩn trương, vững chắc; một mặt phải tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; mặt khác, phải ngay lập tức triển khai xây dựng đề án phát triển Học viện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 

Với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực, khắc phục khó khăn, Học viện Chính trị CAND đã nhanh chóng hoàn thiện, ổn định tổ chức bộ máy với 19 khoa, phòng, bộ môn. Thực hiện chính sách chiêu dụng nhân tài, Học viện mở rộng cửa đón những cán bộ tâm huyết, có trình độ, tuyển chọn nhiều cán bộ, giảng viên trong và ngoài lực lượng CAND. Có thể nói, Học viện Chính trị CAND là cơ sở đào tạo đầu tiên của lực lượng CAND đã tổ chức một cuộc thi tuyển giáo viên có quy mô, bài bản, công bằng, trung thực và chất lượng. Đến nay, tổng số cán bộ, giảng viên của Học viện là 236 đồng chí; trong đó có 2 Giáo sư, 3 Phó Giáo sư, 17 Tiến sĩ (chiếm 7,2%), 80 Thạc sĩ (chiếm 33,9%, trong đó có 26 đồng chí đang làm nghiên cứu sinh), 123 Cử nhân (chiếm 52%, trong đó có 31 đồng chí đang theo học Thạc sĩ). 

Một buổi thảo luận nhóm của học viên Học viện Chính trị CAND.

Về công tác đào tạo, ngay từ năm học 2014-2015, Học viện Chính trị CAND đã tổ chức đào tạo khóa D1 ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, chuyên ngành Xây dựng lực lượng CAND với 163 học viên. Đồng thời, học viện đã chủ động, tích cực, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định và được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an cho phép Học viện đào tạo để cấp bằng đại học thứ hai, cử nhân chính trị, đáp ứng nhu cầu đào tạo số cán bộ chuyên trách công tác xây dựng lực lượng. 

Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình đào tạo theo phê duyệt của lãnh đạo Bộ, Học viện đã triển khai xây dựng hồ sơ đề án mở ngành Tham mưu chỉ huy CAND, chuyên ngành Tham mưu, chỉ huy Xây dựng lực lượng CAND để tổ chức đào tạo từ năm học 2015-2016. 

Cũng trong năm qua, Học viện đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh duy trì tổ chức đào tạo 1 lớp Cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ khối cơ quan Bộ Công an; tập trung triển khai xây dựng chương trình đào tạo Cao cấp lý luận chính trị trong CAND, báo cáo các cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức đào tạo để cấp bằng Cao cấp lý luận chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị. Đồng thời, xây dựng chương trình bổ sung kiến thức hoàn thiện trình độ Cao cấp lý luận chính trị, trình lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt, dự kiến sẽ triển khai đào tạo từ quý III-2015, với từ 6 đến 8 lớp/năm (khoảng 1.000 học viên). 

Học viện còn triển khai tổ chức đào tạo 7 lớp trung cấp lý luận chính trị tại Công an các địa phương, với 974 học viên, bước đầu được lãnh đạo, học viên Công an các địa phương đánh giá cao về nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên, cũng như công tác tổ chức lớp học. Mặt khác, Học viện đã tổ chức mở 14 lớp bồi dưỡng chức danh, bồi dưỡng chuyên đề các loại.

Đến nay, Học viện đã hoàn thành 5 khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng và đang tiếp tục hoàn thiện 2 khung chương trình đào tạo (chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ngành Tham mưu chỉ huy Công an nhân dân, chuyên ngành Tham mưu chỉ huy Xây dựng lực lượng CAND; chương trình đào tạo hệ đại học chính quy chuyên ngành Tham mưu chính trị - tổng hợp thuộc ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước). Hoàn thành 11 cuốn sách tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập nghiên cứu; tổ chức biên soạn trên 20 giáo trình dành cho hệ đào tạo Cử nhân chính trị văn bằng 2. Ngoài ra, Học viện đang tổ chức triển khai nghiên cứu 25 nhiệm vụ khoa học các cấp về các vấn đề trọng yếu liên quan đến công tác chính trị, công tác xây dựng lực lượng CAND. 

Đã có nhiều người hỏi chúng tôi rằng, Học viện gặp những khó khăn gì và hiện tại, nhà trường sẽ chọn những giải pháp nào để “đột phá” chất lượng? Về khó khăn, có thể nói là rất nhiều, có những lĩnh vực, chúng tôi gần như bắt đầu từ con số không, nhất là về điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống giáo trình, đội ngũ giáo viên… Nhưng chúng tôi lại xác định, nếu không bắt đầu một cách quyết liệt thì sẽ không bao giờ có được những thành quả bước đầu như ngày hôm nay. Quyết liệt nhưng không nôn nóng, quyết liệt nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và chúng tôi đã chắt chiu, tận dụng tối đa điều kiện hiện có. 

Ngoài những giải pháp rất căn bản như tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đổi mới chương trình đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đoàn kết nội bộ thì giải pháp “trọng điểm” mà nhà trường đang tập trung là làm thay đổi công tác đào tạo. Đào tạo phải gắn với thực tiễn, bám sát yêu cầu của lực lượng, phải giải quyết được nhiệm vụ cấp thiết mà thực tiễn đặt ra đối với công tác chỉ huy, xây dựng lực lượng, tham mưu. 

Chúng tôi vẫn chia sẻ, trò chuyện với các em học viên rằng, để trở thành một cán bộ làm công tác xây dựng lực lượng, công tác tham mưu, tổ chức tốt thì đòi hỏi phải có một thái độ học tập đúng đắn, bài bản. Các em là sỹ quan tham mưu, tổ chức tương lai thì không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn phải nắm bắt được chiều sâu tâm lý con người, để làm tốt công tác dự báo; vững vàng, am hiểu tinh thông về nghiệp vụ pháp luật. Để làm được yêu cầu này, Học viện Chính trị CAND đã yêu cầu mỗi giảng viên phải không ngừng học hỏi, đổi mới mình, thầy phải thực sự là người tạo hứng thú, truyền lửa cho các em, phấn đấu 100% giáo viên xuất hiện trên bục giảng phải chiếm được cảm tình của người học. Đồng thời, nhà trường đã tạo nhiều kênh để “chấm điểm” người thầy, nếu 3 lần kiểm tra, giáo viên bị “điểm thấp” thì chắc chắn người thầy đó sẽ được thay thế bằng thầy, cô khác. Giải pháp đội phá nữa là Học viện quyết tâm xây dựng nhà trường thành môi trường sư phạm mẫu mực, thầy ra thầy, trò ra trò; trật tự kỷ cương điều lệnh được thực hiện chặt chẽ. 

Chúng tôi xác định, có thể cơ sở vật chất của trường không bằng các trường khác, nhưng nhà trường sẽ phấn đấu thành môi trường đào tạo sỹ quan an ninh tương lai mẫu mực, ứng xử văn hóa để từng bước xác lập “chữ tín” về chất lượng đào tạo… 

Trong năm qua, Học viện Chính trị CAND vinh dự có 2 đồng chí được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 1 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; Bộ Công an tặng bằng khen cho 1 tập thể, 2 cá nhân; Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND tặng bằng khen cho 2 tập thể, 2 cá nhân; Giám đốc Học viện tặng giấy khen cho 7 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác của Học viện. Đặc biệt, vừa qua, 2 đồng chí Phó Giám đốc của Học viện vinh dự được Chủ tịch nước thăng cấp bậc hàm cấp Tướng CAND - đây là niềm vinh dự, tự hào của toàn lực lượng CAND nói chung, của Học viện Chính trị CAND nói riêng.
Thiếu tướng, GS. TS Trương Giang Long Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND
.
.