Những 'vọng phu' một thời khói lửa

Chủ Nhật, 03/05/2015, 08:30
Nhiều cán bộ Công an lên đường chi viện cho An ninh miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đã có gia đình, vợ con. Để lại hậu phương cha mẹ già đang ở tuổi “gần đất xa trời” và những đứa con thơ bé. Tất cả gánh nặng nơi quê nhà đã đặt lên vai những người vợ trẻ tảo tần, đằng đẵng đợi chờ.

1. Chúng tôi đến thăm gia đình của Đại tá Nguyễn Huy Can ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) khi những cơn gió bấc cuối mùa còn sót lại se lạnh. Gió lốc như đứng ngoài cánh cửa của gia đình ông Nguyễn Huy Can và bà Phạm Thị Thư.

Những tiếng cười, những câu chuyện và có cả những giọt nước mắt đã đưa chúng tôi trở về một buổi chiều mùa đông năm ấy. Nhấp ngụm trà nóng, ông Can trầm ngâm hồi tưởng về ngày ông lên đường vào Nam chiến đấu, ánh mắt và giọng nói nghẹn ngào của vợ cứ theo ông dọc đường hành quân: “Anh đi chân cứng đá mềm, em chờ anh trở về”.

Và, niềm tin ấy của người vợ thân yêu đã trở thành sự thật. 40 năm đã qua, bà Thư vẫn nhớ như in giây phút chia tay đẫm nước mắt ngày ấy… Ông Can đã ôm chặt vợ và con gái nhỏ mới 18 tháng tuổi, thì thầm với đứa con chuẩn bị chào đời những lời âu yếm, dặn vợ chăm sóc người cha tuổi đã cao…

Người vợ trẻ chỉ biết gật đầu và giàn giụa nước mắt, xúc động không nói nên lời. Vào chiến trường, ông Can được phân công xuống khu Đông, tỉnh Bình Định, gồm các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn, Phù Cát… nơi có câu thơ truyền miệng: “Khu Đông di dễ khó về”, “Khu Đông gạo trắng nước trong. Ra đi đừng có ngày mong trở về”.

Gian khổ và ác liệt trước bom đạn địch, ông Can đã cùng lực lượng An ninh địa phương vừa chiến đấu với địch, vừa tranh thủ làm công tác dân vận xây dựng cơ sở hợp pháp trong lòng dân khu Đông. Ông đã tham gia nhiều trận diệt ác phá thế bao vây của địch. Ông đã cùng các đồng chí của mình vận dụng linh hoạt công tác nghiệp vụ để diệt ác trừ gian.

Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, nhà nhà đoàn tụ nhưng bà Thư và gia đình thì ruột gan nóng như lửa đốt. Ông Can vẫn bặt tin. Thế rồi, niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa vào một ngày khi đồng đội của ông Can trở về mang theo lá thư của người từ mặt trận. “Bố tôi cầm lá thư mà tay cứ run run, hỏi con dâu “có phải chữ của Can đây không con?”, bà Thư chia sẻ.

Vợ chồng Đại tá Nguyễn Huy Can.

Đã mấy chục năm trôi qua mà bà Thư còn nhớ y nguyên lá thư ngày đó. Ông Can nói rằng, chiến tranh kết thúc nhưng ông lại nhận nhiệm vụ mới. Ông ở lại làm Phó Công an huyện Tuy Phước, bảo vệ cửa ngõ Tây Nguyên - nơi sư đoàn pháo binh ngụy dồn xuống. Tiếp quản vùng giải phóng, ổn định đời sống người dân và chữa bệnh sốt rét…

Lá thư về với người thân, giống như một liều thuốc thần tiên khiến cả nhà vui như hội. Sau đó, ông được giao nhiệm vụ làm Phó giám đốc Công an tỉnh Nghĩa Bình. Tách tỉnh, ông làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Định. Vợ ông cũng chuyển công tác, bồng bế con vào để được gần chồng. Năm 1995, Đại tá Nguyễn Huy Can làm Cục trưởng Cục Kho vận cho tới lúc nghỉ hưu. Sau bao năm gian khổ, cách xa, ông bà nay đã có một gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt, tiếp bước cha anh xây dựng quê hương.

2. Năm 1967, khi tiếng gọi vào Nam vang lên, người chiến sĩ Thạch Văn Toàn, hành quân chi viện cho An ninh Khu 6 (gồm các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Lạt…). Ông được giao làm Phó Ban an ninh vũ trang khu, có nhiệm vụ tổ chức lực lượng vũ trang, trinh sát vũ trang các tỉnh, bảo vệ an ninh… Ở An ninh khu, đồng chí Thạch Văn Toàn được cử xuống Bình Thuận làm nhiệm vụ tổ chức trinh sát vũ trang, xây dựng lực lượng và chiến đấu bảo vệ khu căn cứ.

Ông bị bắt năm 1969 trong một lần về báo cáo tình hình ở Cứ. Không khai thác được gì, địch đưa ông về trung tâm thẩm vấn là đơn vị cơ động của lính Mỹ ở huyện Hàm Thuận. Những tên lính Mỹ to béo, đi giầy đinh cao gót cứ thế nện xuống con người bé nhỏ như ông.

Tra tấn chán nhưng chẳng khai thác được gì, chúng hắt xô nước vào mặt ông rồi lôi sang phòng khác. Sáu tháng ròng rã bị tra tấn với đủ cực hình nhưng ông không hé răng. “Cánh tay và mạng sườn của tôi luôn đau đớn”, ông Toàn xoa nhẹ vào sườn và nói. Năm 1970, chúng đưa ông ra nhà tù Phú Quốc.

Mãi tới khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, ông mới trở về đơn vị cũ tiếp tục chiến đấu cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, ông về Bắc thăm gia đình và lại tiếp tục vào Nam làm nhiệm vụ ổn định tình hình an ninh trật tự. Năm 1981, ông chuyển về công tác tại Cục Cảnh sát bảo vệ cho tới ngày nghỉ hưu với cấp hàm Trung tá.

Ngồi bên, nghe chồng kể về những năm tháng vào Nam chiến đấu, vợ chồng đằng đẵng biệt tin nhau, bà Nguyễn Thị Đạt (vợ ông Toàn) mắt ngân ngấn nước. “Lúc ông ấy đi vào Nam chiến đấu, các con tôi còn nhỏ, đứa lớn 6 tuổi, đứa thứ hai 4 tuổi, đứa thứ ba 2 tuổi và tôi đang mang thai đứa thứ tư. Bố chồng thì đã già, anh trai chồng cũng lên đường vào Nam chiến đấu cùng ngày với ông Toàn”, bà Đạt nhớ lại.

Khó mà kể hết được những nỗi gian nan của người vợ trẻ ở lại hậu phương. Con nhỏ dại, cha mẹ già cần chăm sóc, làm lụng ruộng đồng để nuôi sống cả gia đình. Những khi con ốm, mẹ phải thức trắng đêm bồng con, rong ruổi khắp trong ngõ ngoài làng. Cực khổ hơn nhiều là suốt 7-8 năm trời bà không nhận được tin tức gì về người chồng đang chiến đấu ở miền Nam.

Và, bà gần như gục ngã khi biết giấy bao tử chồng mình đã gửi về huyện, nhưng vì bố chồng đang ốm nặng nên… hoãn báo tử. Bà đã nuốt mọi nỗi đau khổ vào trong. Thế rồi, một hôm bà được đồng đội của ông cho biết “Anh Toàn đang bị địch bắt tù đày”.

Vậy là tia hy vọng nhỏ nhoi ấy đã khiến bà vui vẻ sống, chăm sóc gia đình để chờ ngày chiến thắng. Đất nước thống nhất, ông trở về với đầy mình thương tích, nhưng đã nhận được đầy ắp tình yêu của người vợ, lòng hiếu thảo của những đứa con và niềm tin yêu của những người đồng chí… Ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương, giữ gìn bình yên nơi thôn xóm…     

Kim Thanh
.
.