Những sự hy sinh đằng sau cuộc chiến đấu

Thứ Sáu, 08/04/2011, 16:37
Tổ công tác tham gia trận đánh tiệm vàng Thịnh Vượng ngày ấy giờ người còn, người mất. Anh Thịnh do vết thương ở phổi tái phát đã mất sau đó mấy năm. Anh Đài chuyển công tác vào Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với vết thương ở phổi liên tục tái phát. Một đêm, sau cuộc hỏi cung căng thẳng đối tượng giết người, cướp tài sản, anh Đài ở lại cơ quan và vĩnh viễn ra đi ngay trên bàn làm việc…

65 năm, một chặng đường hào hùng của lực lượng Cảnh sát hình sự trên toàn quốc. Vẫn biết cuộc chiến nào khi đến vinh quang cũng không tránh khỏi những gian truân, mất mát. Nhưng khi đọc con số các liệt sỹ, thương binh của lực lượng Cảnh sát hình sự theo thống kê sơ bộ của Cục CSĐT tội phạm về TTXH vẫn khiến chúng tôi nao lòng: 32 liệt sỹ, hơn 200 thương binh. Xin được tri ân sự hy sinh máu thịt của các anh, các chị. Sự hy sinh ấy đã khắc ghi trong lòng người dân, làm rạng rỡ hơn truyền thống của lực lượng Cảnh sát hình sự nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung…

Những hy sinh cho sự sống

Cứ mỗi lần lên mảnh đất biên cương xứ Lạng, chúng tôi lại tìm đến dốc Sài Hồ, nơi trước đây từng tồn tại một con đường vắt qua với chiến tích anh hùng của liệt sỹ - Anh hùng LLVTND Nguyễn Thành Tấn và Triệu Văn Phong.

Đó là vào năm 1987, người dân qua lại dốc Sài Hồ phải đối mặt với một băng cướp cực kỳ liều lĩnh, được trang bị đầy đủ súng và lựu đạn, chỉ cần gặp sự kháng cự là bắn giết không ghê tay. Chúng gây ra không biết bao nhiêu tội ác với thủ đoạn đón xe chở khách tuyến Hà Nội - Lạng Sơn như mọi hành khách khác, khi đến đoạn vắng trên dốc Sài Hồ, rút vũ khí từ hành trang mang theo để cướp tài sản.

Đêm 29/10, anh Nguyến Thành Tấn và Triệu Văn Phong cùng 2 đồng đội nữa được phân công theo dõi chiếc xe mang BKS 12A-0339 chở hơn 80 hành khách đi từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Khi xe đến dốc Sài Hồ, bọn cướp đã lộ nguyên hình khi chúng phát hiện có Công an trên xe. Một đối tượng tên Vinh đứng chắn cửa lên xuống ở cuối xe, rút chốt an toàn quả lựu đạn định ném vào xe.

Trước hành động hung hãn, liều lĩnh của tên cướp, đồng chí Nguyễn Thành Tấn ngay lập tức lao đến ôm chặt tên Vinh, đẩy xuống đất, đồng chí Triệu Văn Phong cũng nhanh như cắt nhào đến, hất quả lựu đạn trên tay hắn văng ra ngoài. Nhờ vậy, dù lựu đạn nổ, chiếc xe với gần một trăm hành khách vẫn an toàn. Nhưng cũng chính vào giây phút ấy, Phùng Văn Nam, một trong hai đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm đã dùng súng ngắn bắn hai đồng chí Nguyễn Thành Tấn và Triệu Văn Phong, làm đồng chí Phong hy sinh tại chỗ. Dù bị thương rất nặng nhưng trước khi trút hơi thở cuối cùng; đồng chí Tấn vẫn cố dồn sức nổ súng tiêu diệt Vinh.

Sự việc diễn biến quá nhanh nên dù lực lượng hỗ trợ ập đến ngay sau đó thì hai đồng chí Nguyễn Thành Tấn và Triệu Văn Phong vẫn mãi mãi ra đi. Đổi lại, băng cướp nguy hiểm đã bị triệt phá, hơn 80 hành khách trên chuyến xe định mệnh ấy được đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng.

Vợ con liệt sỹ Hứa Văn Tấn, đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Lạng Sơn bên kỷ vật của anh.

Họ vẫn lặng lẽ hy sinh

Trong danh sách liệt sỹ của lực lượng Cảnh sát hình sự, chúng tôi thấy có tên của liệt sỹ Bùi Tất Thịnh, Bùi Quang Đài, Công an TP Nam Định. Đây là 2 cán bộ tham gia trận đánh với nhóm cướp có vũ khí tại tiệm vàng 250 Thịnh Vượng, TP Nam Định nổi tiếng năm xưa. Người cầm quân trong trận đánh ấy là Thiếu tướng Phan Vĩnh, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, ngày ấy là Phó trưởng Công an TP Nam Định.

Trận đánh được tính toán phương án cực kỳ kỹ lưỡng, nhưng do các đối tượng quá hung hăng nên đã nổ súng bỏ chạy. Cả tổ công tác rượt theo, đến đoạn đường vòng phố Hoàng Hữu Nam, anh Vĩnh chạy trước quật ngã đè lên được một tên cướp. Chẳng ai ngờ, đồng bọn của tên cướp quá ngông cuồng, chúng lập tức tung lựu đạn lại phía sau để tiêu diệt lực lượng Công an và cả đồng bọn. Tình huống bất ngờ khiến cả tổ công tác không tránh kịp.

Lựu đạn nổ, anh Đài, anh Thường, anh Thịnh, anh Vĩnh bị trọng thương. Anh Vĩnh bị một mảnh lựu đạn bắn trúng mắt phải và 68 mảnh găm vào chân. Anh Thường bị gãy chân, mất một ngón chân, gãy cẳng đùi và rất nhiều vết thương vào phần mềm. Anh Đài bị một mảnh vào phổi, bị thương phần dưới, vĩnh viễn mất đi thiên chức của người chồng. Nặng nhất là anh Thịnh bị đứt động mạch cánh tay, vỡ đầu gối, xương quay tay trái và 2 xương sườn, ngoài ra còn có 1 mảnh lựu đạn đã găm vào gan của anh.

Tổ công tác tham gia trận đánh tiệm vàng Thịnh Vượng ngày ấy giờ người còn, người mất. Anh Thịnh do vết thương ở phổi tái phát đã mất sau đó mấy năm. Anh Đài chuyển công tác vào Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công việc hình sự cũng bộn bề, trong khi vết thương ở phổi liên tục tái phát. Vào buổi đêm hôm đó, sau cuộc hỏi cung căng thẳng đối tượng giết người, cướp tài sản, anh Đài ở lại cơ quan và vĩnh viễn ra đi ngay trên bàn làm việc…

Có những sự hy sinh ngay tại trận chiến đấu với bọn tội phạm để bảo vệ tính mạng của người dân, nhưng cũng có những sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ sau các cuộc chiến đấu ấy như anh Thịnh, anh Đài… Sự hy sinh nào cũng viết nên bài ca bất tử về hình ảnh người Cảnh sát hình sự luôn quên mình vì nhiệm vụ. Các anh đã thắp lên ngọn lửa của niềm tin, ý chí, làm sáng lên phẩm chất của người chiến sỹ Công an nhân dân…

T. Hòa - K.Quý
.
.