Những nhà báo Công an đưa tin bài từ cơ sở: Yêu nghề, nghề không phụ

Thứ Hai, 25/08/2014, 15:46
Đó là những người đang vinh dự khoác trên mình màu áo của lực lượng CAND hiện đang công tác tại khắp các địa phương trên cả nước. Là những “phóng viên không chuyên” nhưng các anh, các chị vẫn đang ngày đêm cung cấp những thông tin nóng hổi, kịp thời về hoạt động của lực lượng CAND trên trận tuyến giữ gìn và bảo vệ TTATXH. Đa năng, nhiệt tình, xông xáo và cùng lúc tác nghiệp trên các loại hình: báo viết, báo hình, báo nói và báo điện tử. Rất nhiều người trong số họ đã từng vinh dự nhận được Giải thưởng Báo chí Quốc gia và nhiều giải thưởng tại nhiều cuộc thi từ Trung ương đến địa phương. Vượt lên những khó khăn, vất vả các anh, chị vẫn đang miệt mài bắc nhịp cầu thông tin để bạn đọc có dịp hiểu hơn, tin yêu hơn về lực lượng CAND.

Trung uý Trịnh Văn Thiệp- Phụ trách Đội Tuyên truyền, Phòng PX15, Công an tỉnh Lai Châu: “Đưa hình ảnh lực lượng Công an Tây Bắc đến với bạn đọc cả nước

Trò chuyện với chúng tôi, Thiệp tâm sự: “Tôi không phải là người Lai Châu, cũng không phải là người con của xứ Tây Bắc mà sinh ra và lớn lên ở xứ Thanh. Tháng 9/2011, sau khi tốt nghiệp Cao học chuyên ngành Văn học Việt Nam, Trường Đại học Quy Nhơn, tôi quyết định lên vùng đất Tây Bắc lập nghiệp và may mắn được tuyển dụng vào lực lượng Công an.

Gần 2 năm làm công tác tuyên truyền, mỗi năm tôi đã viết hàng trăm tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền rộng rãi các hoạt động của lực lượng Công an Lai Châu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chừng ấy thời gian không phải là dài nhưng cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Chuyến công tác đầu tiên khi mới bước chân vào lĩnh vực tuyên truyền để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. 20h ngày 7/5/2013, gần 1 ngày “cưỡi” xe máy, vượt hơn 100km từ thị xã Lai Châu, chúng tôi có mặt tại Đồn Công an Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn.

22h, vừa ăn cơm xong chưa kịp nghỉ ngơi thì nơi đây xảy ra một trận mưa đá kèm theo gió lốc bất ngờ. Lốc, mưa đá đã làm 3 người chết và bị thương, hư hỏng hơn 110 ngôi nhà. Mất điện, sạt lở giao thông. Ngay trong đêm, chúng tôi đã cùng CBCS Công an huyện Nậm Nhùn ra hiện trường giúp dân khắc phục thiên tai, ghi hình tác nghiệp về thiệt hại, sau đó tôi và đồng nghiệp phải thức trắng đêm vừa viết bài, làm phóng sự dưới ánh đèn pin. Đến công đoạn gửi bài và truyền hình đi thì không có điện và phương tiện truyền dẫn. Chúng tôi quyết định, “cưỡi” xe máy sang tận Đài PT-TH thị xã Mường Lay của tỉnh Điện Biên cách đó 80km nhờ đường truyền để chuyển tin, bài. Có đoạn đường bị sạt, chúng tôi xuống xe dắt bộ hàng km. Kết quả cuối cùng, sáng 8-7 toàn bộ tin, bài, phóng sự của “Văn Thiệp – Hữu Toàn” phản ánh về mưa lốc ở Nậm Nhùn và hoạt động của lực lượng Công an giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai đã được đăng tải trên: Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình ANTV, báo Tuổi trẻ, báo CAND, báo Lai Châu…”.

Thiếu tá Thái Thanh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, PX15 Công an tỉnh Thanh Hoá: “Yêu nghề, nghề không phụ

Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 1996 với tấm bằng khá, chị Thái Thanh về công tác tại PX15, Công an tỉnh Thanh Hóa. 18 năm cầm bút nhưng chưa từng được cấp thẻ nhà báo song chị và đồng đội “tả xung hữu đột”  trên tất cả các loại hình: Báo nói, báo in, báo hình và báo điện tử. Với cương vị là Đội trưởng đội Tuyên truyền, chị cùng với 10 anh em trong đơn vị thực hiện gần 7000 lượt tin bài, phóng sự trên các cơ quan báo chí TW và địa phương. Xử lý nhanh các vụ nóng, chính xác, kịp thời là cách mà chị đã và đang thực hiện.

 Thời gian gần đây, có rất nhiều vụ việc liên quan đến tình trạng chống người thi hành công vụ, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông. Trong khi đó có không ít những thông tin ban đầu được đưa ra lại phiến diện, thiếu chính xác. Với chức năng nhiệm vụ của mình, chị đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh và thực hiện các phóng sự phản ánh trung thực vụ việc, góp phần định hướng dư luận. Điển hình như việc CATP Thanh Hóa dùng biện pháp bắt các đối tượng đua xe trái phép bằng lưới bùi nhùi. Xung quanh vấn đề này, đã có rất nhiều bài báo phản ánh với tinh thần thiếu thiện chí, cho rằng phương pháp của Công an làm là sai... Chị đã tham mưu cho Giám đốc làm 1 phim khoa giáo mô phỏng toàn bộ phương pháp này và hiệu quả của nó trong thực tiễn. Sau khi xem xong bộ phim này nhiều cơ quan, ban, ngành và nhân dân đã hiểu và giúp đỡ lực lượng Công an trong khi thực hiện nhiệm vụ. Bộ phim này đã đạt nhiều giải trong các kỳ LHP.

Thiếu tá Thái Thanh cùng các nhà hảo tâm trao gần 10 triệu đồng ủng hộ cháu Phạm Bảo Liêm - con Thiếu úy Phạm Tân Văn công tác tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa mổ dị tật bẩm sinh.

Đại úy Nguyễn Chí Khánh, Công an tỉnh Quảng Ninh: “ Tác nghiệp như một trinh sát thực thụ

Tốt nghiệp khoa Báo chí, Trường Đại học KHXH &NV, năm 1999 Đại úy Nguyễn Chí Khánh về nhận công tác tại Đội tuyên truyền Phòng PX15, Công an tỉnh Quảng Ninh với nhiệm vụ phóng viên. Chuyện phải đi đêm cùng lực lượng đánh án với anh là hết sức bình thường. Có đêm đang trong giấc ngủ, nhận được điện thoại của lãnh đạo đơn vị yêu cầu đến ngay nhà thi đấu Công an tỉnh nhận nhiệm vụ, khi có mặt anh đã thấy hàng trăm CBCS đang tập hợp tại đây, lúc này anh mới biết nhiệm vụ của mình là ghi lại những hình ảnh lực lượng Công an kiểm tra gần 200 khách của bar Nam Sơn, phường Bãi Cháy về trụ sở để giám định ma tuý. Sáng sớm hôm sau những thông tin này đã kịp thời xuất hiện trên truyền hình và Báo CAND.

Tác nghiệp như một trinh sát thực thụ. Đại úy Nguyễn Chí Khánh vẫn nhớ mãi lần anh bí mật ghi lại những hình ảnh vi phạm tại một cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết ở TP Hạ Long. Để tiếp cận và ghi hình ảnh vi phạm cực kỳ khó khăn khi cánh cổng cơ sở được làm bằng tôn kín mít và luôn đóng kín, chỉ được mở khi xe ôtô ra vào. Anh phải mất đúng 1 tuần lễ bí mật theo dõi và quay hình ảnh quy trình sản xuất nước mất vệ sinh vào ban đêm. Phóng sự điều tra “Nước tinh khiết bẩn” trong chuyên mục An ninh Quảng Ninh của anh đã nhận được Huy chương Vàng tại Liên hoan Truyền hình CAND lần thứ 8.

Đại úy Nguyễn Chí Khánh (người mặc quân phục đang quay phim) trong một lần tác nghiệp.

Thượng uý Đỗ Thành Sự - Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng PX15 Công an tỉnh Quảng Ngãi: “Nhớ mãi  hình ảnh  một Trung tá Công an huyện Đức Phổ vui mừng ôm cháu bé 2 tháng tuổi từ  nóc nhà ngập nước

Gần 10 năm, từ những ngày đầu cộng tác với Báo CAND, đã giúp cho tôi những trải nghiệm về nghề báo. Những kỹ năng làm nghề đã giúp tai tôi luôn biết lắng nghe, chân tôi không ngừng rong ruổi trong những chuyến đi từ đảo xa Lý Sơn đến các xã vùng sâu, xa miền núi để gặp gỡ nhiều con người với nhiều số phận khác nhau.

Đối với tôi không quản đêm hôm, nắng, mưa, sẵn sàng có lệnh là đi, có vụ việc là đến, sát cánh cùng các đơn vị nghiệp vụ trong những nhiệm vụ, tình huống. Từ thực tế làm nghề, theo tôi ngoài sự nhạy bén, chọn, nắm bắt đề tài, thông tin thì nhiệm vụ tiếp theo là phải theo đến cùng đề tài. Trong cơn lũ lịch sử cuối năm ngoái, để có hình ảnh, tin bài phản ánh nóng trên Báo CAND và truyền hình ANTV, tôi đề xuất lãnh đạo đơn vị bám địa bàn huyện Đức Phổ. Nước lũ dâng cao chia cắt khắp nơi trong ngày 15/11/2013, thức trắng đêm tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Đức Phổ tập trung cứu dân. Tôi đã ghi lại tất cả những hình ảnh đắt giá: những ngôi nhà ngập sâu nước, những tiếng kêu cứu từ mái nhà trong dòng lũ chảy xiết. Không một phút nghỉ ngơi, các chiến sỹ Công an tiếp cận các nhà bị chìm cứu hàng chục người dân bị mắc kẹt. Hình ảnh tôi ấn tượng nhất, một Trung tá Công an huyện Đức Phổ vui mừng ôm cháu bé 2 tháng tuổi trong nóc nhà đang sắp bị nước lũ nhấn chìm đưa ra xuồng cứu hộ. Và những hình ảnh đắt giá này đã được đăng tải trên trang nhất Báo CAND cũng như phát trên nhiều bản tin thời sự Truyền hình ANTV”

Xuân Luận - Cao Hồng - Trần Hằng
.
.