Những người thầy tâm huyết dưới mái trường C500

Thứ Sáu, 11/11/2011, 08:46
Chúng tôi khi viết bài viết nhỏ này khi được nghe những thầy giáo hiện đang giảng dạy và làm quản lý tại Học viện ANND, trong đó có người đã là Giáo sư, Phó Giáo sư nói về chính những người thầy dưới mái trường C500 rằng, dù họ có học hàm, học vị và thành đạt như thế nào thì họ vẫn là những học trò thuở nào của các thầy. Và hình ảnh những người thầy giáo lão thành giản dị và tâm huyết cùng những bài giảng sâu sắc về nghiệp vụ cũng như về cuộc đời mãi in sâu trong tâm trí họ…

Chỉ còn ít ngày nữa, Học viện ANND sẽ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống. Sự kiện lớn này lại diễn ra trong tháng 11 - tháng của tinh thần tôn sư trọng đạo, là dịp để mỗi chúng ta nhớ và tri ân về những người thầy của mình với biết bao tình cảm thương mến, biết ơn và trân trọng nhất.

Trong tâm thức của những lứa học trò đầu tiên ở bậc đại học cũng như sau này, khi nhắc nhớ về trường, trong số các thầy thì bao giờ cũng là kỷ niệm về thầy Phạm Gia Trúc, Thiếu tướng, Nhà giáo ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học ANND (nay là Học viện ANND). Hiếm có một người thầy nào dành đến nửa thế kỷ gắn bó với trường từ những ngày đầu gian khổ. Đấy là những ngày thầy Trúc cùng tham gia vớt gỗ và lá gồi từ những bè mảng xuôi từ Chiêm Hóa (Tuyên Quang) về Hà Đông (giờ là quận Hà Đông, TP Hà Nội) để dựng Trường Công an Trung ương và cho đến khi trường chính thức dời về Thanh Xuân - Hà Nội, địa điểm của Học viện ANND bây giờ, thì ông cũng là người khuân những viên gạch đầu tiên xây trường.

Có lẽ, đối với Học viện ANND, thầy Trúc đang giữ kỷ lục về thời gian cống hiến. Chính thức về trường từ năm 1960, bền bỉ qua thời gian, đặt dấu mốc cho những bài giảng, giáo trình đầu tiên của trường, ấn tượng đọng lại trong các thế hệ sinh viên là hình ảnh của người thầy nghiêm khắc trong rèn luyện nhưng rất mực tình cảm trong đời sống, hát hay và thích làm thơ.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND khi nhớ về người thầy của mình đã nhớ ngay đến hình ảnh thầy ngồi ôm đàn hát say sưa bài "Đỉnh núi Lênin" trong giờ giải lao: "Bạn ơi đi với tôi, lên đỉnh núi khi trời chiều; Đỉnh non của Lênin, lòng chan chứa tình yêu…". Những năm tháng ấy, giọng ca vút cao và trong sáng của thầy đã truyền lửa khí thế, nhiệt huyết cho các thế hệ sinh viên của trường.

Tận tụy, nhiệt tâm trên cương vị người thầy và suốt 20 năm tham gia Ban Giám đốc, thầy Trúc vẫn giữ tinh thần ấy, hết lòng vì học trò và dành sự chăm lo đặc biệt, nâng cao chất lượng và đời sống cho đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường. Và ông cũng là người mạnh dạn đề xuất và bảo vệ cho sự ra đời của các lớp cao học và nghiên cứu sinh, đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ An ninh đầu tiên của trường và của lực lượng Công an. Cái lý lẽ mà ông đưa ra được chắt chiu từ mấy mươi năm tâm huyết rằng lý luận nghiệp vụ an ninh là nội dung, phương thức, phương pháp, biện pháp đấu tranh chống các loại tội phạm, là bí mật của mỗi quốc gia, nên không thể cậy nhờ nước nào đào tạo cho mình mà mình phải tự đào tạo và sáng tạo.

Đến bây giờ, ở tuổi 78, thầy Trúc vẫn giữ nếp sống giản dị, và luôn cho rằng cả đời làm thầy giáo, thầy có cái "lãi" lớn nhất đó là tình cảm và sự kính trọng của các thế hệ học trò. Những bài giảng về lý tưởng, bản lĩnh chính trị, nhân cách và lối sống của người Công an cách mạng của ông đã theo suốt cuộc đời của các thế hệ học trò. 40 năm hành trình của người lái đò, ông có niềm kiêu hãnh giữ trọn vẹn đạo thầy "Sống hết mình cống hiến chẳng so đo"  để giờ đây ông vẫn luôn là hình mẫu của các thế hệ giáo viên, học viên của Học viện ANND tròn 65 năm.

Nhà giáo ưu tú Phạm Gia Trúc (thứ hai bên phải) và Nhà giáo ưu tú Phan Hữu (thứ hai bên trái) tại Học viện ANND năm 1993.

Cũng giống như Nhà giáo ưu tú Phạm Gia Trúc, Đại tá, Nhà giáo ưu tú Phan Hữu, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH ANND (nay là Học viện ANND) tâm sự với chúng tôi rằng, trong cuộc đời làm thầy giáo thì một trong những phần thưởng lớn nhất mà cuộc đời dành cho ông chính là những lứa học trò thành đạt. Thật hạnh phúc khi những cậu sinh viên non nớt ngày nào, lên giảng đường còn biết bao bỡ ngỡ, chưa một lần được nghe tới bài giảng nghiệp vụ thì giờ đã có người là lãnh đạo cấp cao, là chỉ huy mang học hàm, học vị cao. Và điều làm ông luôn cảm thấy ấm lòng là mỗi khi hội khoá, học trò chưa bao giờ quên ông. Dường như thời gian chỉ làm cho tình thầy trò thêm mặn mà, bền chặt.

Đại tá, Nhà giáo ưu tú  Phan Hữu thuộc thế hệ những người thầy đầu tiên giảng dạy hệ đại học tại Học viện ANND, bắt đầu từ khoá D1 vào năm 1969. Ông kể rằng, thời đó khó khăn chồng chất vì đất nước vẫn đang chiến tranh. Nhà trường chỉ có một giảng đường lớn, còn lại từ phòng học đến chỗ ở cho học viên, giáo viên đều là tranh tre nứa lá, sống tạm bợ sơ sài. Học viên vừa học, vừa phải đóng gạch, trồng rau vì tiêu chuẩn đề ra là mỗi sinh viên phải đóng 100 viên gạch/năm, trồng 30kg rau xanh/năm. Giáo viên cũng phải trồng rau nộp cho nhà bếp để cải thiện bữa ăn.

Điều kiện sống kham khổ như vậy, điều kiện dạy và học cũng không khá hơn. Đó là những thiếu thốn về giáo trình tài liệu bởi trước năm 1969, trường được giao đào tạo các lớp ngắn hạn nên chỉ có tài liệu giảng dạy, không có giáo trình. Các thầy giáo thời đó thường nói đùa rằng, nhà trường mới có lớp chứ chưa có trường, ngoài bảng đen phấn trắng gần như không có bất cứ giáo cụ hỗ trợ giảng dạy nào. Nhưng bù lại, cả thầy và trò đều hừng hực một khí thế thi đua dạy và học tốt, đều tâm niệm, có niềm tin và tâm huyết thì sẽ vượt qua tất cả khó khăn.

Nhà giáo ưu tú Phan Hữu tâm sự: "Khi lãnh đạo Bộ Công an quyết định giao cho Trường CATW (nay là Học viện ANND) bắt đầu đào tạo đại học vào năm 1969, chúng tôi phấn khởi vô cùng. Đó là dấu mốc lớn đánh dấu bước đào tạo chính quy của nhà trường, từ nay trường sẽ ở tâm thế ngang với nhiều trường đại học khác lúc bấy giờ. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng phía trước trách nhiệm vô cùng nặng nề, phải gấp rút tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học. Chúng tôi làm suốt ngày suốt đêm, lúc nào cũng cảm giác thiếu thời gian. Ngoài giờ lên lớp là chúng tôi xuống cơ sở tiếp cận thực tiễn, tham gia tổng kết một số chuyên án lớn của Bộ, rồi trở về viết giáo trình dạy học theo nhiều hướng khác nhau như: nâng cấp, chỉnh lý, biên tập một số tài liệu hiện có cho phù hợp với yêu cầu đào tạo đại học, hoặc là biên soạn mới hàng loạt giáo trình nghiệp vụ, có khi còn đẩy mạnh việc thu thập, biên soạn các tài liệu dạy học khác… Mà hồi đó anh em làm vô tư trong sáng, không có bất cứ chế độ bồi dưỡng gì, tất cả vì học sinh thân yêu. Nhiều thầy giáo như tôi chưa bao giờ giảng dạy đại học, lại càng không có nghiệp vụ sư phạm, chỉ có tâm huyết và một trái tim luôn cháy bỏng khát vọng có được những lớp đào tạo chính quy".

Đại tá, Nhà giáo ưu tú Phan Hữu đã có hơn 20 năm đứng trên bục giảng, từ khoá D1 đến khóa D19, sau đó ông còn làm quản lý nhà trường một thời gian khá dài. Ông tâm niệm rằng, giờ nhìn lại các lứa học trò của mình nhiều người đã trở thành tướng lĩnh tài ba, "trò hơn thầy" - đó cũng là điều làm ông hạnh phúc vô ngần…

Điều mà Nhà giáo ưu tú Phạm Gia Trúc coi là dấu ấn thiêng liêng làm nên "thương hiệu" của Học viện ANND chính là đội ngũ thầy giáo của nhà trường. Ánh mắt ông lấp lánh niềm tự hào vì từ lớp những thầy giáo đầu tiên của Đại học ANND cùng thời với ông như thầy Lê Hữu Văn, Lê Trọng Tiên, Vũ Ngọc Thúy, Đặng Cân… cho đến thế hệ giáo viên hôm nay, vẫn luôn là một tập thể đoàn kết, chịu học, trung thành với lý tưởng, có tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cống hiến

Thu Phương-Thu Uyên
.
.