Những “hiệp sĩ” đấu tranh với những “bàn tay đen”

Thứ Bảy, 05/02/2011, 09:46
Ngày cuối năm, Tết đang đến cận kề, đường Hàng Bài nhộn nhịp, hối hả. Bên trong trụ sở số 40, các cán bộ của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) cũng tất bật không kém. Thế nhưng, cái tất bật của họ không phải để chuẩn bị cho cái Tết đang đến rất gần mà đang tích cực đấu tranh với các đối tượng sử dụng công nghệ cao để phạm tội.

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng nói vui: "Lính công nghệ cao làm gì có Tết, vì tội phạm này mang tính toàn cầu, mình mà nghỉ ăn Tết thì để trống địa bàn ngay". Quả đúng vậy, năm ngoái, cũng là năm đầu tiên đơn vị đón Tết, hầu như anh chị em đều phải dở dang việc gia đình để trực mạng tại cơ quan. Bởi, mọi người hiểu, chỉ lơ là một chút thôi thì rất có thể thiệt hại về kinh tế cũng như an ninh, trật tự sẽ khôn lường.

Tôi gọi họ là những hiệp sỹ bởi hằng ngày, hằng giờ họ đấu tranh với những "sát thủ" vô hình.

Cảm nhận của tôi đối với anh chị em làm việc ở đây là sức trẻ. Quả thật, cán bộ ở đây rất trẻ, điển hình như Phòng 2, Trưởng phòng là Thiếu tá Lê Xuân Minh hơn 30 tuổi, người trẻ nhất mới 23 tuổi, nhưng tất cả họ đều dày dạn kinh nghiệm. Người trẻ là vậy nhưng kể cả những người thuộc thế hệ 5X như Đại tá Nguyễn Thanh Hóa, Đại tá Trần Văn Hòa... cũng rất nhanh nhạy, thạo các thủ thuật về CNTT. Điều này khá ngạc nhiên bởi thế hệ các anh lúc trẻ hầu như không có điều kiện tiếp xúc với máy tính, CNTT.

Đại tá, Tiến sỹ Trần Văn Hoà cho biết: "Mọi thứ đều phải học nhà báo ạ. CNTT cũng như mọi thứ khác, đều có thể học được. Chúng tôi học không chỉ để sử dụng tốt máy tính mà còn nghiên cứu để đấu tranh chống lại loại tội phạm này - chống lại những kẻ có thể rất giỏi về CNTT". Quả thật, nhìn những thành quả mà đơn vị đạt được, chắc chắn nếu không có cái đầu giỏi hơn tội phạm, giỏi hơn những cán bộ dưới quyền thì những cán bộ thuộc "thế hệ cũ" như các anh không thể chèo chống đơn vị thành công như vậy.

Lúc đầu, tôi cứ nghĩ, "làm án" công nghệ cao sướng lắm, luôn quần áo chỉn chu, ngồi trước máy tính là có thể làm việc, nhưng tôi đã nhầm. Mỗi lần đến Cục C50, tôi càng hiểu thêm về công việc của anh chị em nơi đây. Đó không chỉ là quần áo cổ cồn, hay tay chân sạch sẽ làm việc, họ còn tất tưởi ngược xuôi đến tận cơ sở, có khi vừa làm ở tỉnh này xong, chưa kịp ăn cơm lại tăng cường cho tỉnh khác. Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao là những kẻ giấu mặt nên việc tính toán phương thức đấu tranh cũng khiến mọi người mất rất nhiều trí lực. Có những hôm, khi trinh sát phát hiện ra nghi vấn, báo cáo, lãnh đạo phải mất ăn, mất ngủ để tính toán phương án đấu tranh sao cho có hiệu quả nhất. Chẳng thế mà chỉ sau hơn 1 năm thành lập, đơn vị này đã đấu tranh với hàng chục chuyên án, phối hợp bắt giữ hàng trăm đối tượng, năm 2010, được Bộ Công an tặng Cờ Thi đua xuất sắc.

Điển hình như chuyên án đấu tranh với các đối tượng chuyên trộm cắp thông tin thẻ tín dụng của khách hàng để mua vé máy bay của Việt Nam Airlines gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Trong năm 2009, hai loại thẻ Visa và Master phát hành ở nước ngoài đã bị tội phạm sử dụng công nghệ cao trộm cắp thông tin của chủ thẻ để mua vé máy bay của Việt Nam Airlines. Hiệp hội Thẻ Quốc tế khuyến cáo nếu năm 2010, tình hình trộm cắp thông tin thẻ tín dụng không giảm xuống dưới 5% doanh số bán vé qua mạng thì họ sẽ không cho các loại thẻ Visa và Master mua vé máy bay của Việt Nam Airlines nữa. Như vậy, Việt Nam Airlines mất một lượng lớn khách hàng mua vé bằng thẻ.

CBCS Cục phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao kiểm tra phần mềm vi phạm.

Trước tình hình đó, Cục C50 đã lập chuyên án đấu tranh chống loại tội phạm này. Suốt nhiều tháng liền, các trinh sát phải "ở lì" trên mạng, kiểm tra, xác minh mọi thông tin liên quan đến nhóm đối tượng trên, làm rõ hành vi phạm tội và thủ đoạn của chúng. Nhờ có sự cố gắng vượt bậc, CBCS Cục C50 đã làm rõ 9 đối tượng phạm tội, chuyển CQĐT khởi tố vụ án, bắt tạm giam 9 bị can.

Ngay sau khi các đối tượng trên bị bắt, doanh số bán vé qua mạng của Việt Nam Airlines tăng lên rõ rệt. Nhờ chiến công này, Hiệp hội Thẻ Quốc tế đã công nhận Việt Nam kiềm chế được tội phạm trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, tiếp tục cho Việt Nam tham gia chương trình thương mại điện tử, bán vé máy bay qua mạng bằng các loại thẻ của Hiệp hội. Bên cạnh đó, Hiệp hội Thẻ Quốc tế đã tặng CBCS Cục C50 Bằng khen “Law Enjorcement Award 2010” về thành tích chống gian lận thẻ.

Hay như vụ tống tiền Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bị đối tượng sử dụng email để tống tiền đe dọa bằng hình thức đưa sữa của Công ty Vinamilk đã bị tiêm thuốc diệt rầy ra ngoài thị trường, gây tâm lý hoang mang cho người dân khi mua sữa Vinamilk dẫn đến doanh thu của Vinamilk sụt giảm hàng tỷ đồng. Nhận thấy đây là vụ việc khẩn cấp, phức tạp, C50 đã khẩn trương tập trung lực lượng điều tra, xác minh vụ việc.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, các thủ thuật trên mạng và việc phân tích "dấu vết" để lại trên máy chủ, lực lượng chức năng đã bắt quả tang đối tượng Lương Văn Thái là sinh viên vừa tốt nghiệp Khoa Thể thao của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội khi Thái đang rút tiền tại một điểm giao dịch tại phường Dịch Vọng Hậu, Hà Nội. Sau khi bắt giữ Thái, hoạt động kinh doanh của Công ty Vinamilk đã trở lại bình thường...

Mặc dù là đơn vị mới, nhưng thành tích đạt được của C50 cũng đáng nể. Chỉ trong năm 2010, đơn vị đã phát hiện và xác minh 75 đầu mối vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xác lập và đấu tranh 7 chuyên án, xác minh làm rõ 55 vụ việc, chuyển CQĐT 19 vụ, chuyển thanh tra các cấp xử phạt hành chính 36 vụ; thu hồi 10,238 tỷ đồng; 112.842 USD; đang tiếp tục xác minh 20 vụ...

Đại tá Trần Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục C50 cho biết: Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao ở nước ta tuy đã được triển khai trong nhiều năm qua nhưng thực sự vẫn còn là vấn đề mới mẻ trên cả góc độ quản lý nhà nước cũng như trong công tác đấu tranh của các cơ quan chức năng. Chúng tôi đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để đấu tranh với loại tội phạm này. Do có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ và kịp thời nên các mặt công tác đều đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần kiềm chế được hoạt động của tội phạm.

Tạm biệt những "hiệp sĩ" - những người đang cắm cúi với công việc mà không biết rằng trời đã tối rất nhanh, không tưởng tới Tết đã cận kề, trước mắt họ đang cả một núi công việc cần giải quyết, đó là việc đấu tranh với các đối tượng làm sập mạng của một tờ báo điện tử nổi tiếng ở Việt Nam. Tất cả họ đều đang chung một quyết tâm, đưa các đối tượng vô hình ra ánh sáng với thời gian nhanh nhất. Và tôi tin, với sự nhiệt thành và quyết tâm như vậy, chắc chắn các anh sẽ sớm thành công

Phương Thủy (Báo CAND Tết 2011)
.
.