Những điều muốn nói về ông – Đồng chí Trần Quốc Hương

Thứ Bảy, 13/06/2020, 07:17
Chúng tôi nhớ về ông, người bác, người đồng chí rất mực kính trọng. Tôi vẫn như thấy đang ngồi bên ông để nghe ông kể lại những câu chuyện về những năm tháng sôi động cuộc đời ông về một cán bộ Công an, người chỉ huy Tình báo tài năng...


Dẫu biết rằng, sự ra đi của ông là điều không thể tránh khỏi do tuổi cao, bệnh nhiều, bởi nhiều năm bị tra tấn trong nhà giam và điều kiện khó khăn, thiếu thốn trong những ngày hoạt động bí mật, song chiều qua khi nhận được tin ông đã ra đi, tôi không khỏi bâng khuâng, xúc động.

Những kỷ niệm về những lần gặp gỡ, trao đổi với ông khi ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay lần ông về thăm tôi tại Ninh Bình, lúc ấy ông đã rất yếu, phải ngồi trên xe lăn, cứ lần trở lại trong tôi. Tôi còn nhớ lần đầu gặp ông khi ông đang còn khỏe, ông kể cho tôi biết bao điều về chuyện nghề, chuyện nghiệp thật bình dị và sâu sắc.

Đồng chí Trần Quốc Hương tại lễ trao huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Ông nói, như một duyên định ông đến với nghề Tình báo, nếu không, có thể đã trở thành cán bộ ngoại giao. Báo chí viết về ông Trần Quốc Hương (tức Mười Hương) là một trong những chiến sỹ tình báo huyền thoại, một cán bộ chính trị có tầm nhìn, hiểu biết sâu rộng. Ông thông thạo kiến thức Đông, Tây, Kim, Cổ; có cách nhìn người và tìm người bẩm sinh.

Là một trong những cán bộ chỉ huy Tình báo đầu tiên, khi đang là Cục trưởng nghiệp vụ của Bộ Công an, ông là một trong những cán bộ đầu tiên được Bác Hồ tin tưởng cử vào chi viện cho chiến trường miền Nam với một danh sách dài những người mà ông sẽ phải gặp gỡ, chỉ đạo.

Chúng tôi nhớ về ông, người bác, người đồng chí rất mực kính trọng. Tôi vẫn như thấy đang ngồi bên ông để nghe ông kể lại những câu chuyện về những năm tháng sôi động cuộc đời ông về một cán bộ Công an, người chỉ huy Tình báo tài năng.

Đồng chí Mười Hương chụp ảnh với lớp nữ trinh sát đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường tháng 12-2016 tại TP Hồ Chí Minh.

Đồng chí Trần Quốc Hương (1924 - 2020), bí danh Mười Hương, tên thật là Trần Ngọc Ban, sinh ra tại xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - nơi nổi tiếng với các phong trào yêu nước trong lịch sử, nhất là những hoạt động chống thực dân Pháp trong thời kỳ cận đại. Cuộc đời của đồng chí Mười Hương gắn với những giai đoạn khác nhau của cách mạng Việt Nam, đã từng giữ nhiều chức vụ khác nhau: Phó Trưởng ban Địch tình, Cục trưởng Cục Kỹ thuật - Bộ Công an, Trưởng Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng từ khoá IV đến khoá VI, Bí thư Trung ương Đảng khoá VI.

Dù ở cương vị, lĩnh vực công tác nào, đồng chí Trần Quốc Hương cũng luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao. Đặc biệt đồng chí Trần Quốc Hương được biết đến là nhà tình báo chiến lược xuất sắc, có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng mạng lưới an ninh, tình báo cách mạng trước năm 1975.

Cơ duyên đến với nghề tình báo của đồng chí Trần Quốc Hương, là một lần tình cờ gặp đồng chí Trần Hiệu, Phó Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương phụ trách công tác tình báo, trước đó, đã có đồng chí lãnh đạo giới thiệu đồng chí làm công tác đối ngoại. Tiếp xúc với ông, đồng chí Trần Hiệu đã nhận ra tố chất bẩm sinh của ông rất phù hợp với “nghề tình báo”.

Đồng chí Trần Hiệu đã lên gặp đồng chí Trường Chinh xin đồng chí Trần Quốc Hương về công tác với mình (khi đó, đồng chí Trần Quốc Hương đang là Thư ký cho đồng chí Trường Chinh). Từ đó, cuộc đời ông thực sự thành công và nhân dân biết đến ông như là người chỉ huy tình báo tài năng.

Ngay khi nhận nhiệm vụ với những công việc ban đầu như tổ chức lưới trinh sát trong các Trung đoàn, tổ chức điệp báo vào các thị trấn gây cơ sở; nắm tình hình địch ở các vùng rộng lớn như vùng đồng bằng Bắc Bộ đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn cho ông khi ông lãnh đạo tổ chức các lưới tình báo lớn ở Sài Gòn và các khu vực lân cận sau này.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được kí kết, hòa bình được lập lại, đồng chí Trần Quốc Hương đã được các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng trực tiếp giao nhiệm vụ vào Nam xây dựng mạng lưới tình báo. Tháng 10-1954, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ cùng đồng chí Phạm Hùng công bố quyết định thành lập Ban Địch tình trực thuộc Xứ ủy (mật danh là Ban Nghiên cứu Xứ ủy).

Nhiệm vụ của Ban Địch tình Xứ uỷ và Ban Địch tình các cấp là bí mật tổ chức các lưới điệp báo chui sâu, leo cao vào lòng địch; xây dựng mạng lưới cơ sở trong quần chúng để làm chỗ đứng chân và giao thông liên lạc; tổ chức mạng lưới lực lượng bí mật trong các cơ quan tình báo, Công an, Cảnh sát, các cơ quan cao cấp của ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái, tôn giáo phản động để nắm tình hình, âm mưu, tổ chức và hoạt động phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ uỷ và của Trung ương; xây dựng căn cứ, bảo vệ lãnh đạo Đảng, bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng. Đồng chí Mười Hương là Phó Ban Địch tình Xứ ủy phụ trách Hệ chiến lược, có 10 lưới với nhiệm vụ đi sâu vào nội bộ chính quyền Diệm.

Nhận nhiệm vụ trong Ban Địch tình Xứ uỷ, bằng sự nhạy bén của một nhà tình báo, ông đã sớm nhận ra tình thế hiện tại và có những lựa chọn chiến lược cho cuộc chiến lâu dài, thầm lặng của lực lượng tình báo chiến lược. Ở thời kỳ khó khăn nhất, khi các cán bộ chủ chốt như: Năm Xuân (Mai Chí Thọ); Cao Đăng Chiếm... đều đã bị lộ vì bị địch biết mặt, với lợi thế địch chưa biết nhiều về mình, ông đã cùng tổ chức tích cực xây dựng lực lượng, sớm liên lạc và đưa các điệp viên vào Nam hoạt động.

Khi đang là Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ Công an, ông đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ vào miền Nam để thiết lập, củng cố và chỉ đạo các lưới tình báo chiến lược nhằm thu thập tin tức tình báo chiến lược phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta.

Với vai trò “kiến trúc sư” của nhiều hoạt động tình báo, đồng chí Mười Hương là người có tầm nhìn sâu sắc, toàn diện và tinh tế, biết phát hiện và nhân lên thế mạnh, khả năng và phẩm chất của từng người cộng tác. Ông là người chỉ huy của những nhân vật tình báo nổi tiếng với những chiến công thầm lặng, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Ẩn, Cụm điệp báo A10 với những thành viên Nguyễn Minh Trí, Huỳnh Huề, Trần Thiếu Bảo, Nguyễn Hữu Khánh Duy, Má Bảy, Nguyễn Thị Thọ, Võ Vân... Trong nghề tình báo, chỉ một trong những nhân vật đó cũng là đáng ngưỡng mộ, trân trọng. 

Sau một thời gian hoạt động ở miền Nam, năm 1958, đồng chí Mười Hương bị bắt, bị tra tấn, dụ dỗ, tấn công tư tưởng nhưng không khuất phục được ông. Sau khi ra tù, đồng chí Mười Hương được Bác Hồ và Trung ương đưa ra Bắc. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đã giao cho ông phụ trách tình báo kỹ thuật từ năm 1964-1968, đảm nhận việc liên lạc với lực lượng An ninh miền Nam. Ông đã chỉ đạo lực lượng tình báo kỹ thuật phối hợp với các cục nghiệp vụ khác làm phá sản âm mưu phá hoại miền Bắc của địch. Năm 1968, chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, nhận nhiệm vụ từ Trung ương, ông lại vào Nam lần thứ hai, ông phụ trách an ninh đô thị và trinh sát vũ trang của Ban An ninh miền, tiếp tục tham gia chỉ đạo các lưới tình báo mà ông đã từng gây dựng, chỉ đạo.

Giai đoạn 1970-1975 ông làm Trưởng ban An ninh Sài Gòn-Gia Định. Công tác an ninh thời kỳ này phát triển mạnh, ta xây dựng được những “lõm chính trị” liên hoàn thành một vành đai khép kín quanh Sài Gòn, tạo được hành lang từ căn cứ Củ Chi vào, là đường vận chuyển vũ khí vào nội đô. Thời gian này ông cũng trực tiếp chỉ đạo xây dựng hai cụm tình báo mới hoạt động nội đô Sài Gòn là Cụm tình báo A10 và Cụm tình báo Số Sáu. Cụm tình báo A10 đã làm nên những chiến công xuất sắc, có những tác động quan trọng góp phần để Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng chính quyền cách mạng.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quốc Hương luôn thể hiện là chiến sĩ cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, có nhiều cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân. Đối với lĩnh vực tình báo, ông là một nhà lãnh đạo có năng lực, có tầm nhìn và giàu ý chí.

Vai trò của đồng chí Mười Hương không chỉ bộc lộ ở việc xây dựng mạng lưới tình báo mà còn là việc ông sử dụng các tình báo viên vào các nhiệm vụ phù hợp với khả năng của từng người để có thể phát huy hiệu quả cao nhất.

Ông Mười Hương (đứng giữa) và các học trò tình báo tại lễ trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tình báo vào ngày 20/4/2012 tại TP Hồ Chí Minh.

Năng lực phát hiện và sử dụng con người của ông rất đặc biệt; ai công tác với ông, được ông chỉ đạo đều phát huy tài năng, tuyệt đối trung thành với Đảng, đất nước, dân tộc và suốt đời đều gắn bó và nhớ về ông. Ông là “người thầy của những tình báo huyền thoại”, “người thầy của những điệp viên lừng lẫy”. Ông Mười Hương luôn tâm niệm: “Làm Công an, công tác tình báo và an ninh cái đầu phải lạnh, trái tim phải nóng, bàn tay phải sạch, như thế thì làm cái gì cũng dễ, làm cái gì cũng được, trăm trận trăm thắng”.

Tôi được nghe ông nói nhiều lần điều ông tổng kết sâu sắc trong suốt những năm tháng chỉ đạo công tác tình báo. Ông là tấm gương của sự khiêm tốn, bình dị và gần gũi với mọi người, ai gần ông cũng cảm thấy sự ấm áp, chân tình. Cứ mỗi lần gặp ông là tôi thấy mình phải học hỏi nhiều hơn, tiến bộ nhiều hơn và hành động nhiều hơn. Có lần ông nói với tôi làm Công an, tình báo phải có tấm lòng với nhân dân, phải có tâm với nghề và đừng bao giờ đặt cái tôi hơn tất cả.

Với những cống hiến to lớn và thành tích xuất sắc, đồng chí Trần Quốc Hương đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Với lực lượng Công an nhân dân, lực lượng Tình báo, ông là người bác, người lãnh đạo mẫu mực, chân thành.

Hà Nội trời đã có mưa, những cơn mưa để làm ta dịu đi nỗi tiếc thương về ông, về đồng chí Trần Quốc Hương – Mười Hương. Hình ảnh ông với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng cặp mắt thông minh, những câu chuyện ân tình và sâu sắc vẫn còn mãi trong tôi. Tôi nhớ và biết ơn ông khi tôi về giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, ông đã về thăm, ăn với tôi bữa cơm đạm bạc tại nhà khách Tỉnh ủy và trao đổi cho tôi những bài học của người cán bộ làm công tác xây dựng Đảng vì ông đã từng giữ cương vị Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương. 

Hà Nội, ngày 12-6-2020

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
.
.