Kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống lực lượng tin học Công an nhân dân (2/10/1972 – 2/10/2012):

Những chiến công trên trận tuyến công nghệ thông tin

Thứ Sáu, 30/11/2012, 09:33
“Lướt web” để bước vào một cuộc chiến đấu với tội phạm giấu mặt trên mạng Internet, ngăn chặn, vô hiệu hóa tin tặc, không cho chúng xâm nhập vào hệ thống máy chủ để thực hiện những mưu đồ xấu đã được các trinh sát Cục An ninh Thông tin, Truyền thông Bộ Công an tiến hành thường xuyên.

Được chứng kiến một trận đánh án, chúng tôi nhận thấy, đồ nghề trinh sát mang ra trận chính là những chiếc máy tính. Ngày nay, chỉ đơn giản với cú nhấp chuột của cán bộ, cơ sở dữ liệu về đối tượng truy nã toàn quốc hoặc thông tin về dữ liệu tội phạm quốc gia đã được cập nhật. Hơn 40 năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác, chiến đấu đã trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, chiến sỹ (CBCS) Công an nhân dân (CAND).

Lập trình trên máy tính để giải những bài toán nghiệp vụ

Tiền thân của lực lượng làm công tác tin học CAND là Ban máy tính - tổ chức đầu tiên được thành lập theo Quyết định số 1117/CA/QĐ, ngày 2/10/1972 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Tiếp đó, ngày 5/3/1973, lãnh đạo Bộ đã quyết định thành lập Cục Xử lý tin tức ở cấp Bộ và các đơn vị xử lý tin tức tại Công an các đơn vị, địa phương, thúc đẩy việc cải tiến lề lối làm việc, quy trình công tác, mạnh dạn áp dụng khoa học xử lý thông tin trong một số lĩnh vực công tác nghiệp vụ của lực lượng CAND.

Trải qua các thời kỳ, với nhiều tên gọi khác nhau, quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển của lực lượng tin học CAND, Cục Tin học nghiệp vụ luôn gắn liền với sự trưởng thành và phát triển của lực lượng CAND qua các thời kỳ cách mạng của đất nước. Lực lượng tin học CAND đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong sự nghiệp giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, học tập trong trường Công an nhân dân.

Giai đoạn 1973 – 1985, lực lượng tin học CAND đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, phát triển tổ chức và đào tạo tuyển dụng đội ngũ cán bộ chuyên môn giỏi để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Công tác xử lý tin tức đã được quan tâm chỉ đạo, triển khai ứng dụng vào các mặt công tác của Công an các đơn vị trong cơ quan Bộ. Một trong những ứng dụng thành công chính là hệ quản lý phương tiện giao thông đường bộ tại Cục Cảnh sát giao thông.

Tại Công an các đơn vị, địa phương đều thành lập hệ thống tổ chức các phòng, ban, tổ, đội xử lý tin tức, phục vụ có hiệu quả công tác nghiệp vụ Công an và lãnh đạo chỉ huy. Dấu mốc quan trọng chính là ngày 2/9/1975, dàn máy tính điện tử đầu tiên của Bộ Công an đã chính thức đưa vào sử dụng. Nhiều bài toán khó về nghiệp vụ đã được cán bộ, trinh sát tính toán lập trình ngay trên máy tính điện tử, phục vụ có hiệu quả công tác lãnh đạo chỉ huy của Công an các cấp, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị (ANCT) và TTATXH.

Công nghệ thông tin đã được ứng dụng vào công tác nghiệp vụ của từng lực lượng, từng lĩnh vực như: An ninh, Cảnh sát, Xây dựng lực lượng và Hậu cần. Công tác xử lý thông tin đã đem lại những kết quả cụ thể, phục vụ toàn diện các mặt công tác Công an, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính trong CAND…

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác, chiến đấu

Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của  CNTT trên thế giới đã mở ra cơ hội cho sự phát triển khoa học công nghệ, đồng thời cũng tạo ra sự thách thức mới đối với đất nước ta và lực lượng CAND.

Lực lượng tin học CAND đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức và đội ngũ cán bộ, nắm bắt và làm chủ công nghệ mới, đủ sức đấu tranh, giành thắng lợi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cục Tin học nghiệp vụ đã tham mưu, hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ “sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chỉ thị số 12/2001/CT-BCA(E11) của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường phát triển và ứng dụng CNTT phục vụ công tác Công an, góp phần đảm bảo ANCT và giữ gìn TTATXH trong tình hình mới.

Tham gia xây dựng và triển khai thực hiện Dự án Trung tâm Cảnh sát 113; dự án sản xuất, cấp phát và quản lý CMND. Xây dựng và triển khai một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, phục vụ có hiệu quả công tác tham mưu, lãnh đạo chỉ huy, công tác nghiệp vụ, tạo tiền đề xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và mạng máy tính thống nhất trong toàn lực lượng, nhằm nâng cao năng lực xử lý thông tin, hiệp đồng tác chiến của các lực lượng nghiệp vụ.

Nhiều phần mềm đã phát huy tác dụng như : Phần mềm truy nã; quản lý xe máy, tang vật... Trong đó, có nhiều phần mềm do Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ nghiên cứu, sản xuất, vừa tiết kiệm về mặt kinh tế, vừa đảm bảo an ninh, an toàn, bí mật nghiệp vụ.

Ngoài ra, lực lượng tin học đã trực tiếp tham gia khôi phục dữ liệu phạm tội lưu trữ trên máy tính và mạng máy tính để cùng các lực lượng điều tra tội phạm khám phá các vụ án hình sự, kinh tế lớn. Phối hợp nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, các biện pháp tác chiến nghiệp vụ để đấu tranh chống tội phạm có sử dụng công nghệ cao…

Với những chiến công thầm lặng trên trận tuyến CNTT, hơn 40 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân thuộc lực lượng làm công tác tin học CAND đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý do Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các cấp trao tặng. Điển hình, năm 1979, năm 1983, Cục Xử lý tin tức được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng hai. Năm 2003, Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ được tặng Bằng khen Chính phủ, nhiều năm được Bộ Công an tặng Cờ thi đua xuất sắc. Đặc biệt, năm 2011, Cục Tin học nghiệp vụ được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba

Anh Hiếu - Trần Xuân
.
.