Những chiến công lặng lẽ

Thứ Bảy, 05/01/2013, 23:07
Ngay từ những ngày đầu năm 2013, ngoài việc chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, Cảnh sát PCTP về môi trường (PC49) Công an TP Cần Thơ - Đơn vị Quyết thắng 2012, đã ra quân, siết tay nhau nêu cao quyết tâm tích cực và tập trung lực lượng đánh mạnh, đánh đúng vào các “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường (ONMT) gây bức xúc trong nhân dân.

Đại tá Trần Minh Thành - Trưởng phòng cho biết, điều khiến anh cùng tập thể đơn vị ăn chưa ngon, ngủ chưa yên là vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh chưa tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, góp phần làm cho tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn diễn biến phức tạp…

Trường hợp gây ONMT khiến người dân bức xúc mà PC49 Công an Cần Thơ đã tham mưu cho cấp thẩm quyền xử phạt nặng nhất (mức phạt tiền lên đến 370 triệu đồng) so với những trường hợp vi phạm còn lại trong năm 2012 trên địa bàn đó là Công ty TNHH Thuận Hưng (quận Cái Răng) - một DN chuyên gia công, sản xuất, chế biến hàng thủy sản đông lạnh.

Cần Thơ bắt quả tang vụ xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra sông của một DN tại quận Cái Răng.

Một trinh sát của Đội 2, Phòng PC49 nhớ lại lần kiểm tra đột xuất việc bảo vệ môi trường tại DN này: Công ty đã thiết kế, lắp đặt hai máy bơm điện công suất 5HP; một đường ống ngầm bằng nhựa PVC đặt âm dưới lòng đất, được đấu nối từ hệ thống thu gom nước thải; một đường ống ngầm bằng nhựa PVC đặt âm dưới lòng đất, được đấu nối vào một máy bơm điện công suất 5HP tại hồ vi sinh của hệ thống xử lý nước thải.  

Khi các van được mở, nước thải từ hệ thống thu gom và hồ vi sinh cũng như toàn bộ nước thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản chưa qua xử lý (nước thải có màu đỏ là máu cá và màu trắng đục, bốc mùi hôi thối, với lưu lượng khoảng 200m3/ngày) được xả trực tiếp ra sông Ba Láng.

“Phương thức và thủ đoạn hoạt động xả thải của DN này rất tinh vi. Nếu phát hiện có đoàn đến thanh tra, kiểm tra thì DN cho đóng toàn bộ van xả nước thải, lập tức nước thải sẽ được đưa qua hệ thống xử lý ở hồ vi sinh. Việc lắp đặt máy bơm, ống ngầm có van xả đã được DN thực hiện trong một thời gian dài; có chỉ đạo rất chặt chẽ từ Ban Giám đốc đến người thực hiện” - trinh sát kể thêm.

Tưởng chuyện phạt nghiêm, phạt nặng DN Thuận Hưng sẽ răn đe cơ sở, DN khác, ai dè, thủ đoạn này vẫn tồn tại. Tại Công ty TNHH Giấy Tây Đô (quận Cái Răng) - DN chuyên sản xuất giấy vệ sinh, qua kiểm tra phát hiện DN đã cho nước thải không qua xử lý theo ống nhựa PVC đặt âm dưới đất nối vào hệ thống thoát nước rồi xả thẳng ra Rạch Chiếc. Ông Lưu - Phó Giám đốc công ty thừa nhận đã dùng “chiêu” này từ 4 năm nay. 

Tại Công ty cổ phần Da Tây Đô (quận Bình Thủy) - nơi “ngốn” hàng tấn da nguyên liệu các loại mỗi ngày, ông Trần Thanh Vũ - Trưởng phòng Tổ chức của DN này nói DN có giải pháp giảm thiểu mùi hôi nhưng thực tế kiểm tra, PC49 phát hiện tại khu vực lò hấp, DN đã tập kết mở, thịt vụn và khu vực lưu giữ bùn của hệ thống xử lý đã phát tán mùi hôi thối, khó chịu, khiến người dân xung quanh bức xúc.

Tại Công ty Liên doanh Hóa sinh Phương Duy (KCN Trà Nóc 2), Đoàn kiểm tra liên ngành cũng phát hiện DN có  lắp đặt hệ thống tháp 3 tầng để xử lý khí thải nhưng xử lý không triệt để, không hiệu quả.

Những ngày cuối năm 2012 vừa qua, PC49 còn phát hiện một DN có 100% vốn nước ngoài - Công ty TNHH Chế biến phụ phẩm thủy sản Honoroad Việt Nam (KCN Trà Nóc 1), chuyên sản xuất bột cá, dầu cá, với công suất 80 tấn/ngày cũng gây ONMT.

Cần Thơ là một trong những địa phương cóp diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của ĐBSCL. Tuy nhiên, hầu hết tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này đều chưa đăng ký các thủ tục liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, cũng như chưa có biện pháp xử lý nước thải, bùn thải thích hợp (chủ yếu là bơm trực tiếp ra sông, rạch). Tình trạng không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất, thuốc BVTV, thú y, thủy sản… vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Đối với chất thải nguy hại, tình trạng vi phạm cũng đang rất phức tạp và ngày càng gia tăng.

Đại tá Thành cho biết gần đây, nổi lên tình trạng mua bán, vận chuyển và tái chế nhớt thải đã qua sử dụng gây ONMT, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nạn khai thác khoáng sản, cụ thể là cát sông tùy tiện, không đúng quy định vẫn còn tiếp diễn. Thực tế này không chỉ gây thất thoát tài nguyên, mà còn gây thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, gây bức xúc và lo lắng trong nhân dân.

Theo Đại tá Trần Minh Thành, năm 2012 vừa qua, bên cạnh làm tốt công tác phối hợp, đơn vị còn chủ động kiểm tra và phát hiện 98 cơ sở, DN và cá nhân hoạt động kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Đơn vị đã trực tiếp xử lý và giải quyết 96 trường hợp, chuyển hồ sơ sang Sở NN&PTNT và Phòng CSĐT tội phạm kinh tế xử lý theo thẩm quyền 2 trường hợp.

Qua phân tích hành vi vi phạm, có 49 trường hợp xả nước thải, gây ồn, bụi vượt tiêu chuẩn; 15 trường hợp vi phạm cam kết bảo vệ môi trường; 9 trường hợp thải mùi hôi thối, khó chịu vào môi trường… PC49 đã trực tiếp hoặc tham mưu, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 71 trường hợp, với tổng số tiền phạt trên 2,33 tỷ đồng.

Thái Bình
.
.