Những cán bộ tàng thư căn cước công dân tận tụy và sáng tạo

Thứ Hai, 11/05/2020, 10:08
Với 8 cán bộ, trong đó 7 đồng chí là nữ, Đội Tàng thư căn cước công dân (CCCD), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Công an Quảng Ninh hiện đang quản lý 1.857.985 tờ khai, 1.260.

150 chỉ bản chứng minh nhân dân, CCCD và 407.846 phiếu thu nhận thông tin CCCD 12 số, luôn đảm bảo công tác tra cứu kịp thời, chính xác, đáp ứng mọi yêu cầu chính đáng của cá nhân, tổ chức, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Dù phần lớn cán bộ trong Đội là nữ, nhưng các chị, các cô luôn sắp xếp thời gian dành cho gia đình và công việc hài hòa. Nhiều khi phục vụ gấp cho 1 chuyên án lớn, xác minh, truy bắt 1 đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã, bất kể thời gian nào, có yêu cầu là tất cả thành viên trong Đội luôn sẵn sàng phục vụ nhanh nhất với mục đích cuối cùng là truy bắt kẻ phạm tội, đưa vụ án ra ánh sáng.

Để việc tra cứu thông tin thuận lợi, dễ dàng, chính xác, cung cấp được nhiều thông tin nhất, cán bộ Đội Tàng thư CCCD sẽ tiến hành phân loại, sắp xếp theo từng trường thông tin, chia tách họ tên, năm sinh theo đúng hướng dẫn của Bộ Công an, sau đó bổ sung tài liệu vào hệ thống tàng thư CCCD để phục vụ công tác tra cứu, lưu trữ lâu dài.

Với hàng nghìn hồ sơ được sắp xếp mỗi ngày, việc sắp xếp đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng, tránh sai sót, vì vậy, mỗi cán bộ chiến sỹ của Đội đều đặt ra "chỉ tiêu" để thực hiện nghiêm túc.

Đại úy Nguyễn Thị Bình Thuận, Đội trưởng Đội Tàng thư CCCD cho biết: “Làm thêm ngoài giờ hành chính, thứ 7 và chủ nhật để sắp xếp tờ khai tồn là phần việc lớn, có ý nghĩa mà chúng tôi đã làm được, góp phần vào công tác cải cách hành chính có hiệu quả. Qua tra cứu tàng thư CCCD giúp cơ quan Công an quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, đấu tranh, khám phá tội phạm, truy tìm tung tích nạn nhân, giúp nhiều gia đình tìm được người thân sau thời gian dài thất lạc".

Điển hình là vụ việc ngày 4/8/2017, phát hiện một xác chết không rõ tung tích, đang trong quá trình phân hủy, cán bộ Đội Tàng thư CCCD đã nhanh chóng lập nên các nhóm công thức phụ để loại trừ xác suất. Kết quả, sau 30 phút nỗ lực, Đội đã xác định được nạn nhân là ông Ngô Văn Quảng, SN 1958, trú tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, phát hiện tử vong tại cột Đăng Tiêu 8, Vịnh Bái Tử Long, phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả.

Thủ đoạn của các đối tượng truy nã thường là thay đổi tên họ, thậm chí nhiều đối tượng đã phẫu thuật thẩm mỹ, thay đổi hình dạng để lẩn trốn nhiều năm, nhưng các cán bộ Đội Tàng thư CCCD, bằng sự kiên trì, sáng tạo và chủ động đã khiến nhiều đối tượng lộ diện, sa lưới pháp luật.

Vụ án Trần Văn Sơn (56 tuổi, trú tại tổ 25, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) phạm tội "Hiếp dâm trẻ em" là một minh chứng điển hình. Trước đó, vào năm 1993, Trần Văn Sơn sau khi gây án với một bé gái đã bỏ trốn khỏi địa phương. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát lệnh truy nã Sơn theo Lệnh truy nã số 132 ngày 9/9/1993.

Ngày 1/5/2019, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận yêu cầu tra cứu phục vụ công tác xác minh đối tượng truy nã. Sau khi xác minh đã thu thập được mẫu vân tay của đối tượng do cơ quan Cảnh sát điều tra cung cấp, qua đó xác định được thông tin chính xác của đối tượng truy nã Trần Văn Sơn (hay còn gọi là Trần Thanh Sơn).

Nhờ những thông tin trên, tổ công tác của Công an Quảng Ninh đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tóm gọn đối tượng Trần Văn Sơn sau 26 năm lẩn trốn ở các tỉnh, thành phía Nam.

Vụ án Nguyễn Thị Bình, trú tại phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả, phạm tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước do Phòng An ninh điều tra khởi tố và ra quyết định truy nã đầu tháng 1/2020. Đây cũng là ví dụ điển hình cho sự chuyên nghiệp trong quản lý dữ liệu công dân của CBCS của Đội Tàng thư CCCD.

Đối tượng có phương thức hoạt động tinh vi, xảo quyệt. Sau khi bị bắt giữ, đối tượng chống đối quyết liệt, không khai báo tên tuổi, địa chỉ, ngoan cố không thừa nhận. Phòng An ninh điều tra đã phối hợp với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH để tra cứu, cung cấp tài liệu, lăn tay đối tượng phục vụ giám định, kết luận điều tra. Trước chứng cứ không thể chối cãi, đối tượng đã phải thừa nhận hành vi phạm tội.

Đặc biệt, công tác tra cứu tàng thư đã hỗ trợ 13 lượt yêu cầu chương trình truyền hình nhân đạo “Như chưa hề có cuộc chia ly” phục vụ tìm kiếm người thất lạc mất tích. Qua đó có 5 trường hợp có tài liệu trong tàng thư CCCD, tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình giúp người thất lạc đoàn tụ cùng gia đình.

Với phương châm "thận trọng, chính xác, kịp thời", dù môi trường làm việc còn thiếu thốn, thời gian eo hẹp, song CBCS Đội Tàng thư CCCD luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, góp một phần sức lực của mình cho công tácphòng chống tội phạm, đảm bảo ANTT.

Yến Yến
.
.