45 năm đào tạo đại học của Học viện CSND (1975 - 2020)

Những bước chuyển mạnh mẽ, không ngừng nâng cao chất lượng

Thứ Năm, 29/10/2020, 08:35
Năm 1975, Trường CSND (tên gọi của Học viện CSND giai đoạn 1968 -1975) được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ CSND ở trình đại học và chỉ 1 năm sau, vào năm 1976, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 231/QĐ-TTg công nhận Trường CSND là Trường Sĩ quan CSND thuộc hệ đại học.

Trải qua nhiều tên gọi khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với nhiệm vụ đào tạo ngày càng đa dạng và chuyên sâu, từ đào tạo hạ sỹ quan đến đào tạo bậc trung học, đại học, tiến tới đào tạo ở bậc cao hơn là đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, đến nay, Học viện CSND đã có một chặng đường dài phát triển với 45 năm đào tạo đại học (1975 - 2020).

Sinh viên Học viện CSND trong giờ thực hành về nhiếp ảnh phục vụ công tác điều tra hình sự.

Những kết quả ấn tượng từ xây dựng đội ngũ và nghiên cứu khoa học        

Khóa D1 đào tạo sĩ quan CSND bậc đại học được Trường Sỹ quan CSND chiêu sinh vào tháng 10 năm 1975 với 296 sinh viên. Lúc này, Trường Sỹ quan CSND đóng tại Suối Hai, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Nơi ăn, ở, làm việc, học tập của thầy và trò, Ban Giám hiệu và các phòng chức năng còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị phương tiện, đồ dùng dạy học và các điều kiện đảm bảo dạy học đại học vẫn đang trong quá trình chuẩn bị.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn về vật chất, Ban Giám đốc, đội ngũ giảng viên và học viên của Trường Sỹ quan CSND, sau này là Học viện CSND luôn chung một ý chí là không ngừng phấn đấu, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ đào tạo mà Bộ Công an giao phó.

Năm 1975, khi chiêu sinh khóa D1, Học viện mới có trên 500 cán bộ, giảng viên, công nhân viên, trong đó có 110 giảng viên (số cán bộ, giảng viên có trình độ đại học chỉ chiếm 32%). Đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên, công nhân viên của Học viện CSND đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học với 5 giáo sư, 32 phó giáo sư, 181 tiến sĩ, 427 thạc sĩ. Học viện CSND là nhà trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị cao nhất trong các trường CAND. 100% cán bộ quản lý giáo dục, quản lý nghiên cứu khoa học có trình độ đại học và trên đại học; 100% cán bộ lãnh đạo các khoa, bộ môn có trình độ tiến sĩ.

Riêng từ năm 2011-2012 đến nay, Học viện CSND đẩy mạnh phong trào thi đua dạy giỏi trong giảng viên và trở thành một trong những cơ sở đào tạo có số giảng viên được suy tôn danh hiệu giảng viên dạy giỏi cấp Bộ lớn nhất (102 giảng viên). Tại các hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ các năm học 1998-1999, 2012-2013, 2015-2016 và 2018-2019, Học viện CSND đều đạt thành tích cao nhất trong cáctrường CAND.

Những thành tựu trong biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học và nghiên cứu khoa học của Học viện CSND cũng mang những dấu ấn khác biệt. Năm 1975, nhà trường chỉ có 12 giáo trình, sinh viên phải dùng chung một giáo trình, tài liệu học tập. Đến nay, hệ thống thư viện điện tử, phòng tư liệu được đầu tư xây dựng hoành tráng, ứng dụng công nghệ hiện đại với số lượng tài liệu lên đến hàng trăm ngàn cuốn.

Học viện đang tổ chức biên soạn 70 giáo trình dùng cho hệ đào tạo đại học, 56 giáo trình dùng cho hệ sau đại học, 4 giáo trình chỉnh lý, 35 sách chuyên khảo, 12 tài liệu tham khảo và 5 tập bài giảng. Ngoài ra, Học viện CSND còn tham gia biên soạn “Bách khoa thư CAND Việt Nam”. Học viện đã chủ trì nghiên cứu 685 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 6 đề tài cấp Nhà nước; 146 đề tài cấp Bộ; 433 đề tài cấp cơ sở và 30 sáng kiến cải tiến. Các đề tài đều phục vụ đắc lực công tác đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự của lực lượng CAND.

Những đột phá từ tăng cường thực hành, thực nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo

Xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi của thực tiễn về đào tạo cán bộ đấu tranh phòng chống các loại tội phạm mới, Học viện CSND đã tập trung đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo, thể hiện sự phát triển trong tư duy của lãnh đạo Học viện qua các thời kỳ. Học viện CSND đã hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo trình độ đại học với 62 chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ; đã công bố và tổ chức thực hiện chuẩn đầu ra trình độ đại học, thể hiện rõ cam kết về chất lượng đào tạo của Học viện CSND với Công an các đơn vị, địa phương.

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng - Giám đốc Học viện CSND cho biết: Gần đây, Học viện CSND đã chủ động đổi mới công tác đào tạo đại học theo hướng tập trung đổi mới nội dung chương trình đào tạo; tăng lượng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và tăng cường thực hành. Có thể coi đây là một giải pháp đột phá của Học viện CSND để nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, Học viện đã triển khai tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ Công an các đơn vị, địa phương về nâng cao kiến thức pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, đặc biệt là tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tham dự phiên tòa cho điều tra viên trong CAND, tập huấn về công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dữ liệu điện tử; về phát hiện, điều tra tội phạm mua bán người; tập huấn về tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, chống người thi hành công vụ; tập huấn cho Công an chính quy tăng cường cơ sở, đảm nhiệm các chức danh Công an xã... Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác Công an và phù hợp với định hướng chỉ đạo của Bộ Công an.

Cũng xuất phát từ chủ trương tăng cường thực hành, thực nghiệp nên từ năm học 2015-2016, Học viện CSND đã tổ chức cho sinh viên được “3 cùng” với nhân dân: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc”; đồng thời tổ chức 2 đợt thực tập nghề nghiệp kéo dài 8 tháng cho học viên. Trong đào tạo các môn nghiệp vụ chuyên ngành, sinh viên chỉ lên lớp 1/2 thời gian và 1/2 thời gian còn lại sinh viên được kiến tập - thực hành tại đơn vị nghiệp vụ.

Nhờ đó mà khi về công tác tại Công an các địa phương, các sỹ quan CSND được đào tạo tại Học viện CSND luôn được Công an địa phương đánh giá nắm vững kiến thức pháp luật và nghiệp vụ, tiếp cận nhanh với công việc được giao và có khả năng vận dụng linh hoạt trong xử lý các tình huống nghiệp vụ.

Một nét độc đáo nữa trong công tác đào tạo là Học viện CSND đã áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và công nghệ số vào quản lý đào tạo, như ứng dụng phần mềm sổ đầu bài trực tuyến, phần mềm quản lý quá trình học tập, phần mềm kiểm tra việc sao chép luận văn, luận án sau đại học, Học viện CSND đã tin học hóa toàn diện công tác quản lý, điều hành, xây dựng một nhà trường thông minh. Mô hình này được lãnh đạo Bộ Công an, Cục Đào tạo, các trường CAND, các cơ sở giáo dục đại học ngoài ngành cử đoàn đến Học viện CSND học tập, trao đổi kinh nghiệm và đánh giá cao.

Nhắc đến những thành quả trong đào tạo đại học của Học viện CSND không thể không nhắc đến công tác hợp tác quốc tế với nhiều đột phá. Học viện đã ký kết hoặc có quan hệ hợp tác với trên 20 cơ sở đào tạo cảnh sát hoặc tư pháp hình sự, pháp luật, các tổ chức quốc tế có liên quan của 15 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Học viện CSND cũng đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác lớn, có hiệu quả như: Chương trình trao đổi tình nguyện viên giữa Học viện CSND và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), được triển khai từ năm 2008 đến nay; Dự án hỗ trợ tăng cường đào tạo Cảnh sát giao thông tại Học viện CSND và các cơ sở đào tạo Cảnh sát tại Việt Nam do JICA tài trợ từ năm 2010 đến năm 2013; Dự án xây dựng Thư viện điện tử do KOICA hỗ trợ, thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015; Chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Tư pháp hình sự với Đại học Tổng hợp Maryland, Hoa Kỳ; chương trình trao đổi học viên với Đại học Công an nhân dân Trung Quốc, Đại học Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc, Học viện Cảnh sát hoàng gia Thái Lan...; nhiều chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế lớn như: Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Hiệp hội Học viện Cảnh sát quốc tế (INTERPA), Hiệp hội các cơ sở đào tạo cảnh sát châu Á (APTA)...

Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND chia sẻ, giai đoạn 2020-2025, giáo dục đại học nước nhà đang đổi mới mạnh mẽ theo tinh thần của Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung, đáp ứng xu thế hội nhập và mô hình quản trị đại học mới. Trước xu thế đó, các trường CAND nói chung và Học viện CSND cũng phải không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng đội ngũ và nhân lực trình độ cao, tiếp tục gắn đào tạo lý luận với thực hành, tăng lượng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ trong chương trình đào tạo, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, Học viện CSND sẽ tập trung đào tạo đội ngũ giảng viên thành các nhà khoa học giỏi; không ngừng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo sỹ quan CSND gắn với cuộc cách mạng 4.0 để những “mẻ thép” sỹ quan CSND vừa tinh thông về pháp luật nghiệp vụ, vừa thành thạo về tin học, ngoại ngữ. Đồng thời Học viện CSND tiếp tục xây dựng nhà trường CSND thông minh, với những phòng thí nghiệm, các trung tâm huấn luyện thực hành hiện đại.

Những giải pháp đột phá này sẽ đưa Học viện CSND thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đạt chuẩn quốc gia vào năm 2022, ngang tầm với một số trường đại học chất lượng cao ở Việt Nam và các trường đào tạo Cảnh sát có uy tín của các nước trong khu vực và quốc tế.

Bước chân vào Học viện CSND, nhiều người đều cảm nhận sự đổi thay, chuyển mình mạnh mẽ tại nơi này. Học viện CSND hiện có 96 phòng học các loại từ 50 đến 150 chỗ ngồi với đầy đủ bảng tương tác thông minh, hệ thống âm thanh, điều hòa nhiệt độ phục vụ công tác giảng dạy với diện tích sàn trên 15.000m2.

Học viện còn có khu huấn luyện, thực hành nghiệp vụ, hệ thống trường bắn, nhà thi đấu, bể bơi, thao trường, khu huấn luyện ngoài trời đã được đầu tư cơ bản với trang thiết bị đồng bộ. Với một không gian sư phạm đẹp đẽ và hiện đại như vậy, Học viện CSND từng bước xây dựng “thương hiệu” trong giáo dục đại học nước nhà.

Thu Phương
.
.