Những bông hoa trên trận chiến đấu thầm lặng

Thứ Năm, 14/03/2013, 14:00
Trong bộ lễ phục uy nghiêm, những nữ sỹ quan Công an nhân dân (CAND) vẫn toát lên vẻ xinh đẹp, dịu dàng. Họ là 33 gương mặt phụ nữ xuất sắc tiêu biểu trên tất cả các lĩnh vực công tác, chiến đấu của lực lượng CAND được Bộ Công an tặng Bằng khen, được tôn vinh đúng dịp lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 do Hội Phụ nữ Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội. PV đã có dịp gặp gỡ những nữ sỹ quan, nghe họ trải lòng về nhiệm vụ của mình gắn với công tác Hội.

1. Phá án nhờ sự kiên trì, mưu trí 

Gương mặt ấn tượng đầu tiên trong những “bông hoa thép” mà chúng tôi đã trò chuyện là Trung tá Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT & CV (Cục C46).

Trước khi công tác tại Phòng Tham mưu của Cục C46, chị Nga đã có thời gian gần 10 năm công tác tại Phòng Phòng ngừa đấu tranh án kinh tế Nông nghiệp nông thôn. Trung tá Nga bộc bạch, ở một đơn vị chiến đấu mũi nhọn, các cán bộ, hội viên nữ cũng xông xáo không thua kém gì “đấng mày râu”.

Nhiều vụ án, chuyên án do Cục C46 phá thời gian qua, chị em cũng đảm nhận nhiều phần việc khó khăn, từ khâu trinh sát đến chọn mấu chốt đột phá trong mỗi lần lấy lời khai đối tượng để vụ án thành công, không oan người ngay, không để lọt tội phạm.

Những nữ trinh sát xinh đẹp, tài giỏi được chị Nga nhắc tới trong cuộc trò chuyện với chúng tôi là: Thiếu tá Tăng Thị Nga, Đại úy Đỗ Quỳnh Trang, cùng công tác tại Phòng 10, Cục C46 và Thiếu tá Trịnh Thị Thanh Thủy, Phòng 2, Cục C46…

Trung tá Nguyễn Thị Hằng Nga.

Chị Nga chia sẻ, mỗi hội viên phụ nữ ở đơn vị đều có thế mạnh riêng trong từng lĩnh vực công tác. Các chị vừa đảm việc nước nhưng vẫn cố gắng thu xếp thời gian để chăm lo gia đình. Với phụ  nữ, sự linh hoạt, mềm dẻo, kiên trì càng có ý nghĩa hơn khi áp dụng trong đấu tranh, chống tội phạm. Bốn năm đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, rồi kinh nghiệm thời gian còn làm trinh sát giúp chị Nga có thêm nhiều kiến thức trong công tác, hoạt động Hội.

Với vai trò Chủ tịch Hội, chị đã phát huy vai trò nòng cốt, cùng chị em hội viên làm chuyển biến mạnh mẽ công tác Hội, góp phần vào thành tích của Cục C46 được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2012.  Hội Phụ nữ cơ sở 2 năm được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tặng Bằng khen…

2. Cảm hóa phạm nhân bằng tấm lòng nhân ái

Thiếu tá Trịnh Thị Quế, Đội trưởng Đội Tham mưu, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở (PNCS) Trại giam Thủ Đức đã thu hút chúng tôi bằng những trải nghiệm của người con xứ Thanh vào Nam lập nghiệp, cùng với các hội viên Trại giam Thủ Đức vượt qua muôn vàn khó khăn để có thể cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mở đầu câu chuyện, chị Quế kể cho chúng tôi nghe về những gian truân mà chị em phụ nữ công tác ở lĩnh vực đặc thù trại giam phải trải qua. Trại giam Thủ Đức đóng quân ở miền cực Đông Nam Bộ. Nơi đây, đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng người bản xứ thì ít, có tới 99% chị em hội viên đều là người quê ở miền Bắc, miền Trung vào đây lập nghiệp.

Thiếu tá Trịnh Thị Quế.

Hội PNCS Trại giam Thủ Đức đã lập nhiều chiến công, góp phần vào thành tích chung của đơn vị - 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ban Giám thị đã rất quan tâm phát triển công tác Hội, phong trào phụ nữ tại Trại giam. Trong sự phát triển đó có Đại tá Nguyễn Thị Ngọc Phúc, một tấm gương điển hình tiêu biểu về sự nỗ lực vượt khó được chị em hội viên học tập....

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Hội PNCS Trại giam Thủ Đức đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen. Bản thân Thiếu tá Trịnh Thị Quế nhiều năm là Chiến sỹ thi đua cơ sở, được Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen…

Anh Hiếu
.
.