Những bông hoa của núi rừng

Thứ Hai, 31/12/2012, 11:35
Những ai chưa đi miền núi sẽ khó có thể tưởng tượng việc cấp hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND) ở đây là thế nào. Để giúp nhân dân có được những giấy tờ cơ bản đảm bảo quyền lợi của mình, ngay từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Công an tỉnh Hà Giang đã chủ động cử cán bộ lên từng bản làng sâu xa nhất, cấp giấy tờ chứng minh cho từng người, lập hồ sơ hộ từng gia đình một, từ các em bé 1 tuổi trở lên...

Thiếu tá Chẩu Thị Thương đã có 15 năm công tác tại đội Hộ khẩu và CMND, với nhiều chuyến đi đến các vùng khó khăn của Hà Giang như các xã vùng sâu Thắng Mố, Bạch Đích, Phú Lũng của huyện Yên Minh; Niêm Sơn, Sơn Vỹ của huyện Mèo Vạc...

Thượng úy Nguyễn Thị Yên cũng bắt đầu những chuyến công tác từ khi mới là hạ sỹ, chân ướt chân ráo vào ngành. Tất cả các chuyến đi này đều không có lịch trình, vì còn phụ thuộc vào người dân. Ban ngày họ đi làm, đến 5, 6 giờ chiều mới đốt đèn đến chụp ảnh, vì thế hầu như lần nào cũng tối mịt mới xong việc, mới lục tục thu dọn đồ lên đường sang thôn khác.

Thượng úy Nguyễn Thị Yên (bìa trái) trong một chuyến công tác vùng cao.

“Chuyến đi có mỗi mình là con gái, mà toàn đi bộ, trèo lên những quả núi cao chót vót, tưởng giơ tay lên là chạm tới trời”. Đó là đường lên các thôn Nà Cuổng 1 và Nà Cuổng 2 của Sơn Vỹ. Chị Yên vẫn còn nhớ, năm đó đến được nhà trưởng thôn Nà Cuổng 1 thì trời đã tối, không có gì ăn.

“Ở đấy toàn đồi trọc, không có nước, người dân hầu như chẳng trồng được gì ăn. Họ cứ tưởng cán bộ lên thì có gạo, nhưng núi cao quá, địu làm sao được. Đó là lần đầu tiên mình ăn mèn mén – cái cảm giác đến giờ cũng không thể nào quên. Trên đó không có nước, phải soi đèn đi tìm những cái vũng con con, gạn múc từng gáo về dùng.  

Lúc đi ngủ, mình là con gái thì được kê 2 mảnh ván, còn các anh, các chú 4, 5 người thì nằm chen chúc nhau trên 4 mảnh ván, ngăn bên nam bên nữ bằng cái bảng đen (vì ngủ nhờ ở điểm trường)”. Ở trên núi, quanh năm đêm bao giờ cũng lạnh, mọi người chỉ có 1 cái vỏ chăn giữ ấm.

Những chuyến đi như vậy, nước ăn còn không có, đừng nói đến nước tắm. Chị em phải canh những hôm trời mưa, tìm những vũng nước đọng mà tắm tạm. Sau này lấy chồng rồi, có con nhỏ, chị Yên cũng vẫn phải đi công tác.

“Khổ phần mình thì đơn giản, nhưng nhiều người con còn bé, chẳng biết gửi ai. Như mình có lần đi làm ở Đồng Văn, phải chấp nhận sáng đi xe máy 50km lên, tối lại đi về. Mẹ con phải dậy từ 5h để kịp 6h sáng mang con sang nhà cô giáo gửi, kèm theo nắm xôi, cô cho ăn được miếng nào thì ăn. May mà cô giáo cũng thông cảm” - Thiếu tá Hoàng Thị Liên, Đội phó chia sẻ.

Dù những vất vả khó mà kể hết bằng lời, những chuyến đi bao giờ cũng để lại những ký ức đẹp. Chị em đi làm đường xa, vất vả, nên các thầy cô giáo ở điểm trường, bộ đội biên phòng ai cũng tận tình giúp đỡ. Chị Thương kể, lần đó đi lập hồ sơ hộ ở xóm Nà Cương (huyện Bắc Quang), lên đến nơi lại nhằm đúng buổi chiều thứ 7, giáo viên cắm bản đều về nhà hết. Đang loay hoay không biết ăn nghỉ ở đâu thì thấy một cậu học trò bé xíu cầm đến một lá thư của thầy giáo, bảo: “Đến tối mà anh chị ngủ lại đây thì lên điểm trường bọn em. Gạo em nhờ học sinh mang vào cho”.

Tối đó, một em bé khoảng lớp 2, lớp 3 vác lên cho một túm gạo nhỏ, mọi người xúm lại nhóm bếp nấu cháo ăn. Mọi người đều bảo nhau sau này về phải viết chuyện này đăng báo để cảm ơn thầy giáo, nhưng đến giờ vẫn chưa có cơ hội nào gặp lại, chỉ biết thầy tên là Quang.

Các nữ cán bộ của Phòng PC 64 đi địa bàn nhiều đến nỗi đồn biên phòng nào cũng thân quen như người nhà. Riêng trình độ đi xe máy của các chị thì đến các anh biên phòng quen địa bàn nhất cũng phải nể phục. Có những đợt đi trúng vào mùa mưa, mà mưa rừng thì rất khủng khiếp, chị em vẫn 1 mình 1 xe. Có cái áo mưa phải dành bọc đồ đạc, “người thì ướt được nhưng tài liệu thì không”, rồi cứ thế lần mò “bơi”...

Từ ngày biết làm CMND, có hộ khẩu thì được nhận hỗ trợ của nhà nước, lại đỡ được cảnh bị bắt cóc, mất tích mà chả biết mất ai, bà con phấn khởi lắm, nô nức chờ đón cán bộ lên để làm “sổ”...

Sau những chuyến đi này, những nỗi vất vả với các chị chỉ còn là những kỷ niệm vui. Nỗi trăn trở còn lại, có chăng, chỉ là đồng bào mình vẫn còn nghèo khổ quá

Vũ Hân
.
.