Những Công an viên tốt nghiệp "Đại học thực tế"

Thứ Bảy, 05/06/2010, 14:18
"... Ban Công an xã ai cũng thật sự trưởng thành hơn, chín chắn hơn và thường nói đùa với nhau: Chúng tôi ai cũng đã tốt nghiệp chương trình "đại học… thực tế" và bài học "lấy dân làm gốc" thật sự thấm thía" - anh Hoàng Xuân Huỳnh - Trưởng Công an xã Kỳ Phương (Hà Tĩnh) hóm hỉnh nói.
>> Trấn áp tội phạm bằng... chiếc gậy gỗ

Chúng tôi trở lại xã Kỳ Phương nằm ở phía Nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lần này, đi đâu cũng gặp cảnh từng đoàn xe chở nguyên vật liệu xây dựng nhà cửa, đồ dùng, xe chở đất cát… nối đuôi nhau chạy.

Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương (Kỳ Anh) cho chúng tôi biết: Toàn xã có 700/1.338 hộ phải di dời để bàn giao mặt bằng cho dự án Khu liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương (gọi tắt là dự án Fomosa), kể cả các dự án kênh thoát lũ, mở đường lên tái định cư. Hiện nay cơ bản công việc đã hoàn thành giai đoạn I, 700 hộ dân đã đồng lòng hợp sức để di dời, giao mặt bằng cho dự án hoàn thành đúng thời hạn cam kết với nhà đầu tư.

Ông Chủ tịch UBND xã nở nụ cười tươi trên khuôn mặt rám nắng trải lòng: "Để chuẩn bị cho cuộc di dân tái định cư thế kỷ này, chúng tôi phải đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Nhất là khi "động" đến đất thổ cư, động đến tâm tư, tình cảm của các hộ dân. Nhưng, tính đến thời điểm này có thể khẳng định đã đạt được kết quả ngoài mong đợi".

Ông Trần Đình Thành vui vẻ cho biết thêm: Đợt di dời tái định cư này, "Ban Công an xã là lực lượng tiên phong đi trước để làng nước theo sau" đó. 5 gia đình gồm Trưởng, Phó Công an xã và 3 gia đình Công an viên thực hiện di dời. Ngay từ đầu, các anh Công an xã đã xung phong đăng ký kiểm đếm đầu tiên.

Sau đó, mỗi Công an xã, Công an viên đã nhận tuyên truyền vận động 70 hộ dân cùng làm theo. Nói rồi ông dẫn chúng tôi đến gặp các tổ Công an xã, an ninh viên đang làm nhiệm vụ chốt chặn điểm nút giao thông cho các loại xe chuyên chở nhà và tài sản các hộ dân đến khu tái định cư được an toàn, thuận lợi, không bị ách tắc.

Anh Hoàng Xuân Huỳnh - Trưởng Công an xã khuôn mặt sạm nắng, đôi mắt thâm quầng, nhanh nhẹn vừa điều hành một đoàn xe vượt qua tuyến QL1A an toàn, rồi quay lại tâm sự với chúng tôi: Ban Công an xã có 10 người, trong đó có 7 Công an viên, từ đầu năm đến nay hầu như anh em không có ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật.

Ban Công an xã Kỳ Phương, Kỳ Anh, bàn kế hoạch bảo vệ ANTT.

Ban ngày tập trung tuyên truyền vận động các hộ dân, ban đêm vừa phải tuần tra bảo vệ an toàn tài sản cho các công trình đang dang dở trên địa bàn, công việc tưởng chừng không kham nổi, bởi lúc đầu khi thực hiện chủ trương có hàng trăm hộ dân ngăn cản, thậm chí còn đuổi đánh công nhân làm việc tại các dàn khoan, chúng tôi phải dở hết "ngón nghề" tuyên truyền vận động, điều tra làm rõ các vụ gây rối.

Khi công nhân dàn khoan đưa máy xuống 3 xóm bị một số đối tượng chặn thu tiền, Công an xã đã điều tra bắt 3 đối tượng: Lê Văn Tư (36 tuổi), Lê Văn Long (33 tuổi), Trần Văn Điền (34 tuổi), ở xóm Nhân Hòa, thu tiền trả lại cho ông chủ Tập đoàn Fomosa người Đài Loan. Chúng tôi phải chia nhau thay phiên đi cùng đoàn kiểm kê đến từng hộ dân và rất nhiều lần bị các đối tượng ném đá vào hội đồng kiểm kê, kể cả lực lượng chức năng, nhưng anh em đều không nản chí.

Hoàng Tiến Sỹ ở xóm Quyết Tiến có lần tự tổ chức họp dân không cho kiểm kê, còn dằn mặt: Nếu hộ nào kiểm kê thì cũng sẽ ném đá, phá hoại tài sản. Ban Công an xã đã phát hiện, kịp thời yêu cầu Sỹ về trụ sở Công an xã để giải thích, vận động, răn đe giáo dục, từ đó Sỹ đã hiểu và chấm dứt ý đồ xấu.

Có lần xóm Hồng Hải tổ chức họp dân để bàn về công tác kiểm kê, kiểm đếm, khi ông Chủ tịch Mặt trận xã đang phát biểu, các đối tượng Hoàng Văn Nhiên, Hoàng Văn Chiến, Phùng Văn Tân đều ở xóm Hồng Hải đến quậy phá, gây rối, cắt điện không cho họp, chúng tôi chỉ đạo lực lượng Công an xã bắt gọn 3 đối tượng, lập biên bản bàn giao cho Công an huyện xử lý.

Có lần chúng tôi mai phục bắt quả tang Hoàng Thị Liễu ở xóm Hồng Hải dùng đá ném vào đội kiểm kê đang làm việc tại nhà bố chồng Liễu, triệu tập Liễu về Công an xã xử phạt hành chính 500.000 đồng. Vừa tuyên truyền vận động, giáo dục thuyết phục, vừa xử lý nghiêm những đối tượng đầu sỏ, chống đối gây mất ổn định trên địa bàn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức nguy hiểm, lực lượng Công an xã Kỳ Phương đã tập hợp được sức mạnh đoàn kết của toàn dân, được nhân dân ủng hộ giúp đỡ. Nhờ vậy mới đạt được kết quả như ngày hôm nay.

Anh Huỳnh nở nụ cười hóm hỉnh: "Quả thật qua chiến dịch này, Ban Công an xã chúng tôi ai cũng thật sự trưởng thành hơn, chín chắn hơn và thường nói đùa với nhau: Chúng tôi ai cũng đã tốt nghiệp chương trình "đại học… thực tế" và bài học "lấy dân làm gốc" thật sự thấm thía.

Tuy vậy, ông Trưởng Công an xã nói rất thật lòng, điều mà không phải chỉ riêng lực lượng Công an xã Kỳ Phương mà cũng là điều trăn trở của lực lượng Công an cơ sở là Luật Công an xã đã ban hành hơn 1 năm và đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 và Nghị định 73/CP về Công an xã nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Khiến lực lượng Công an cơ sở quá thiệt thòi, phụ cấp quá thấp không đủ tiền xăng xe. Mặc dù anh em vẫn hăng hái thi đua phấn đấu làm hết sức mình. Nhờ đó, 3 năm liên tục từ năm 2007 đến nay, Ban Công an xã Kỳ Phương đều đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng". Trưởng Công an xã 3 năm liền đạt danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cơ sở"

Văn Đình - Hồng Phú
.
.