Những loạt phóng sự điều tra tạo dấu ấn với bạn đọc

Thứ Bảy, 22/10/2016, 08:41
Từ những nguồn thông tin đơn lẻ ban đầu về các vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội, bằng sự dũng cảm, dấn thân và trách nhiệm, các phóng viên của Báo CAND, đã đeo đuổi đến tận cùng vụ việc tạo ra hàng loạt bài phóng sự điều tra nóng bỏng tính thời sự.

Loạt bài phóng sự điều tra nóng bỏng tính thời sự, như: “Vạch mặt những hành vi tham nhũng ở Bến xe miền Đông”, “Thiết bị dạy học, tiền tỷ ném ra gió”, “Ngăn chặn thành công cơn bão thu gom sổ đỏ”,“Nghịch lý trong sản xuất kinh doanh điện”, “Tập đoàn kinh tế nhà nước - những lát cắt đời thực; “Gần 500ha rừng bị tàn phá, ai chịu trách nhiệm?”… 

Thuyết phục, chính xác, có sự ảnh hưởng xã hội rộng lớn, có thể coi những phóng sự điều tra là một “đặc sản” hấp dẫn trên Báo CAND, góp phần  phanh phui tiêu cực, tạo ra dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.

Cuối tháng 5-2006, Cơ quan đại diện Báo CAND tại TP Hồ Chí Minh nhận được thông tin của một số bạn đọc phản ánh việc giám đốc bến xe đã huy động cả gia đình và “tận thu” các nguồn lợi ở Bến xe miền Đông. 

Bến xe miền Đông được xác định là bến xe lớn và phức tạp nhất nước. Tại đây, hằng ngày có tới hàng chục ngàn hành khách đến và đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Một bến xe thuộc doanh nghiệp nhà nước vậy thì tại sao giám đốc lại “huy động” cả gia đình vào tận thu nguồn lợi ở đây? 

Mang theo câu hỏi đó, nhà báo Nguyễn Xuân Xe - nguyên Phó trưởng Cơ quan đại diện đã trực tiếp vào vai một người dân có mặt tại bến xe để nắm tình hình, sau đó anh cùng nhóm phóng viên của Báo đã tiến hành điều tra cặn kẽ những sai phạm tại đây. Liên tục 17 kỳ báo về vụ việc này đã được in trên Báo CAND. 

Để có những bài báo thuyết phục, có sức chiến đấu cao, nhóm phóng viên Báo CAND đã tiến hành thu thập tất cả những chứng cứ về cái gọi là: “Dịch vụ lệ phí” ở Bến xe miền Đông. Hầu hết các dịch vụ béo bở nhất ở bến xe này đều rơi vào tay vợ, anh em giám đốc nắm giữ. Để che giấu hành vi sai trái này, một mặt cho tay chân đàn em dùng uy lực khống chế những người có ý định tham gia đấu thầu, một mặt ông ta tổ chức “đấu thầu công khai”, thực chất là những người tham gia đều thuộc anh em, gia đình ông ta. 

Loạt bài điều tra này đã được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Sau loạt bài điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh vào cuộc, giám đốc và một số người liên quan bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử trước pháp luật. Loạt bài “Vạch mặt những hành vi tham nhũng ở Bến xe miền Đông” của 3 tác giả “Xuân Xe – Thanh Hải – Thúy Hà” năm đó đã vinh dự đoạt giải B, Giải Báo chí Quốc gia năm 2007.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao giải A, giải Báo chí Quốc gia năm 2012 tặng các tác giả. Nhóm tác giả Báo CAND giải A với loạt bài "Tập đoàn kinh tế nhà nước - những lát cắt đời thực."

Một ngày đầu năm 2009, nhà báo Vũ Hân bỗng nhận được điện thoại của người quen ở Quảng Ninh, nhờ hỏi về việc một doanh nghiệp nhận sổ đỏ đất rừng của người dân và hứa trả 10 triệu đồng/ha. Trực tiếp cùng người quen mang sổ đỏ tìm đến doanh nghiệp này, nhà báo Vũ Hân phát hiện địa chỉ doanh nghiệp hẹn người dân đến "làm việc" tại một nhà nghỉ trong góc khuất ở phố Văn Cao, Hà Nội. Tại đây đang có cả trăm người dân từ các tỉnh về chờ giao sổ đỏ. 

Thấy sự việc bất thường, đặc biệt là khi người giao cuốn sổ đỏ mang giá trị rất lớn mà chỉ được nhận một tờ giấy biên nhận, phóng viên Vũ Hân lập tức báo cáo sự việc về Tòa soạn, đồng thời báo cho Công an phường Liễu Giai đến giải quyết. 

Sau khi phóng viên Vũ Hân báo cáo về việc phát hiện trong ngôi nhà có cả gian nhà sổ đỏ đã được thu gom, Ban Biên tập Báo CAND nhận thấy những vấn đề bất thường nên đồng chí Tổng Biên tập Phạm Văn Miên (thời điểm đó là Phó Tổng biên tập) và Phó Tổng biên tập Lưu Vinh đã trực tiếp chỉ đạo phóng viên về các địa phương đang diễn ra thu gom sổ đỏ để điều tra, đồng thời tiếp cận các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… để làm rõ sự việc. 

Hơn 20 bài báo trong loạt bài điều tra về tình hình thu gom sổ đỏ chặn đứng được cơn bão thu gom sổ đỏ trước khi gây những hậu quả trên diện rộng cho người dân. Đặc biệt, loạt bài “Ngăn chặn thành công “cơn bão” thu gom sổ đỏ” do nhóm tác giả: Vũ Hân, Hương Sen, Ngọc Yến, Nguyễn Thái, Hương Giang, Thu Thủy, Anh Hiếu, Lê Quân, Nguyễn Văn Bình, Ngọc Như đã vinh dự nhận Giải B, Giải Báo chí Quốc gia năm 2010.

Vào thời điểm năm 2011, Báo CAND có một loạt bài phóng sự điều tra gây sự chú ý trong dư luận, đặc biệt là cơ quan quản lý ngành Điện, đó là loạt bài “Nghịch lý trong sản xuất, kinh doanh điện” của nhóm tác giả Phạm Miên – Vũ Hân. 

Nhà báo Phạm Miên (nay là Tổng Biên tập), đồng tác giả loạt bài điều tra này đã chia sẻ: 

“Trong chuyến công tác lên miền núi, tôi phát hiện ra sự bất hợp lý trong sản xuất và kinh doanh điện - một vấn đề nóng bỏng ở nước ta. Tình trạng thiếu điện như một điệp khúc vẫn diễn ra vào mùa hè nên việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thủy điện vừa và nhỏ là một giải pháp hữu hiệu. 

Thế nhưng, lại có nhiều bất hợp lý trong việc này, vừa gây thiệt hại cho xã hội, vừa làm khó cho doanh nghiệp. Vì thế, Ban Biên tập Báo CAND đã chỉ đạo phóng viên nhanh chóng điều tra để chỉ ra những bất hợp lý ở lĩnh vực quan trọng này.

Sau loạt bài điều tra này, các địa phương có nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ đã tổ chức họp với ngành Điện địa phương và các doanh nghiệp sản xuất điện trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn. Bộ Công Thương và EVN cũng đã có ý kiến cụ thể về vấn đề này để giải quyết phần nào khó khăn cho doanh nghiệp làm thủy điện vừa và nhỏ, mà người dân cũng được hưởng lợi”. Loạt bài này sau đó đã đoạt giải B, Giải Báo chí Quốc gia  năm 2012.

Một trong những loạt phóng sự điều tra được bạn đọc đánh giá cao trên Báo CAND gần đây đó là loạt bài phóng sự điều tra “Gần 500ha rừng bị tàn phá, ai chịu trách nhiệm?”. Đây là loạt bài phóng sự điều tra về tình trạng tàn phá rừng ở huyện Mường Nhé, Điện Biên. 

Từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, được sự chỉ đạo của Ban Biên tập, nhóm phóng viên Báo CAND đã trực tiếp có mặt tại hiện trường. Bỏ ra nhiều ngày lăn lộn nơi rừng sâu núi thẳm để nắm tình hình, gặp gỡ các nhân chứng, cơ quan chức năng nhóm phóng viên Báo CAND đã chuyển tải đến bạn đọc những thông tin nóng bỏng tính thời sự, xác thực nhất. 

Hai nhà báo Lưu Hiệp và Hà Ly chia sẻ: 

“Trải qua hành trình gần 800km, với những cung đường đèo dốc cua tay áo, với những cơn mưa rừng xối xả…, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những cánh rừng bị tàn phá một cách không thương tiếc. Nhiều cung đường xe ôtô không đi được, chúng tôi phải xuống xe lội bì bõm trong bùn đất. Mưa rừng kéo dài cả tuần không ngớt, chốc chốc lại nghe tin có điểm xảy ra sạt lở đất. Để có thể tiếp cận được những cánh rừng trơ trụi, chúng tôi phải leo lên những sườn núi rất cao. Đường đi trơn trượt sau nhiều ngày mưa rả rích. Phải mất nhiều giờ đồng hồ, chúng tôi mới có thể tới được điểm có thể chụp ảnh toàn cảnh những cánh rừng bị tàn phá..." 

Loạt bài điều tra ra đời đã được dư luận đánh giá cao và vinh dự được nhận Giải B, Giải báo chí Quốc gia năm 2015.

Từ năm 1996 đến nay, Báo CAND đã có 40 tác phẩm bao gồm các thể loại đoạt Giải Báo chí Quốc gia; có 52 tác phẩm đoạt Giải báo chí về đề tài ANTT do Bộ Công an và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức và có 24 tác phẩm đoạt Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh trao Giải A, Giải Báo chí Quốc gia năm 2012 tặng các tác giả. Nhóm tác giả Báo CAND đoạt Giải A với loạt bài “Tập đoàn kinh tế nhà nước - những lát cắt đời thực”.

Xuân Luận
.
.