Hưởng ứng cuộc vận động "CAND thực hiện nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ":

Nhân dân là người giám sát công minh nhất

Chủ Nhật, 20/03/2011, 16:41
Một bác hưu trí, tổ trưởng tổ dân phố bày tỏ: Công an càng thân thiện với dân thì càng làm tốt nhiệm vụ quản lý địa bàn, phòng chống tội phạm... Còn một sinh viên Thanh Hoá từng vi phạm luật giao thông thì lại “cảm phục” các xử lý có tình có lý của một CSGT Hà Nội…

Ngày 1/3/2011, Bộ Công an ban hành kế hoạch số 30/KH-BCA-X11 tổ chức cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" trong lực lượng CAND. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đang được triển khai rộng khắp đến từng đơn vị, từng cán bộ chiến sỹ trong toàn lực lượng. Trong những ngày qua, các tầng lớp nhân dân cũng đặc biệt quan tâm đến cuộc vận động này, sau đây là ghi nhận của phóng viên Báo CAND.

Hưởng ứng cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" liên tục trong nhiều ngày qua các Tổng cục, Công an các tỉnh, thành trong cả nước đã ra quân thực hiện cuộc vận động này. Ngày 11/3, Tổng cục XDLL - CAND đã ra quân thực hiện cuộc vận động với nội dung trọng tâm là tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong các đơn vị trực thuộc; CBCS, học viên gương mẫu thực hiện cuộc vận động...

Trước đó, ngày 10/3, Công an tỉnh Hòa Bình cũng rầm rộ ra quân và xác định đây là cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân lớn nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn lực lượng.

Ngày 14/3, Công an tỉnh Thanh Hóa, Trường Trung cấp CSND III cũng long trọng triển khai cuộc vận động, trong đó chú trọng vào công tác giáo dục truyền thống, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kỹ năng giao tiếp, ứng xử... Công an các đơn vị, các tỉnh, thành đều xác định đây là cuộc vận động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của CBCS, học viên về chấp hành điều lệnh CAND, thực hiện nếp sống văn hóa trong các đơn vị, từ đó chấn chỉnh việc chấp hành, thực hiện nghiêm túc điều lệnh CAND và xây dựng nếp sống văn hóa, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, học tập, rèn luyện góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương.

Ông Đặng Việt Quân, Phó Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hà Nội: Người dân biết và tham gia giám sát sẽ giúp cuộc vận động có hiệu quả hơn

Ông Đặng Việt Quân.

Công an là lực lượng thường xuyên tiếp xúc, va chạm với dân, đặc biệt là CSGT. Việc tổ chức cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ" được tổ chức rộng khắp trong toàn ngành, tôi rất mong CSGT sẽ là lực lượng tiên phong tiếp thu và thực hiện nghiêm chỉnh cuộc vận động này. CSGT không phải là đại diện cho toàn ngành Công an nhưng đây là lực lượng thường xuyên tiếp xúc, va chạm với dân.

Việc người chiến sỹ CSGT tập trung cao độ vào việc điều hành giao thông, linh hoạt trong xử lý các tình huống vi phạm Luật Giao thông..., có tác phong đĩnh đạc, cư xử có văn hóa sẽ để lại thiện cảm với người tham gia giao thông nói chung và cả những người vừa bị xử phạt nói riêng. Từ đó, sẽ tạo ra dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người dân khi nghĩ về lực lượng CAND nói chung.

Tôi cũng thấy rằng các đơn vị Công an cần chú trọng việc cắt cử cán bộ làm công tác tiếp dân, trực ban. Đây là bộ phận đầu tiên và trực tiếp, tiếp xúc với cán bộ, với nhân dân nên chiến sỹ này cần có chuyên môn tốt, thái độ ứng xử thân thiện, có như vậy mới phá vỡ được cảm giác cứng nhắc khi đến cơ quan Công an.

Thực hiện nghiêm 6 điều Bác Hồ dạy CAND là một trong những nội dung cần đặc biệt coi trọng khi thực hiện cuộc vận động này. Mọi chiến sỹ Công an đều có tinh thần trách nhiệm với công việc, gần gũi với nhân dân chắc chắn sẽ nhận được sự tin tưởng, giúp đỡ của họ trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia. Còn có một yếu tố rất quan trọng để cuộc vận động này đạt hiệu quả cao là cần có sự đồng thuận, giúp đỡ của nhân dân. Chính vì thế, công tác tuyên truyền cần phải đẩy mạnh hơn, để mọi người dân đều biết để tham gia và giám sát. Tôi cho rằng, các đơn vị, địa phương nên lập ra đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân và xử lý thông tin do họ cung cấp sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả cuộc vận động này.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ dân phố B6, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội: Công an càng thân thiện, càng được dân tin tưởng và giúp đỡ

Ông Nguyễn Văn Tiến.

10 năm liên tục là Tổ trưởng Tổ dân phố nên tôi thường xuyên tiếp xúc với Công an, đặc biệt là CSKV. Tôi thấy các đồng chí ấy rất linh hoạt trong ứng xử. Ví dụ khi tham dự cuộc họp của tổ dân phố thì đồng chí mặc quân phục, đi giầy, đi tất đúng điều lệnh đội ngũ. Nhìn đồng chí Cảnh sát quân phục chỉnh tề, tác phong đàng hoàng, bà con dân phố cũng thấy rõ vai trò của Công an và tầm quan trọng của cuộc họp. Còn những khi xuống gặp tôi, các anh ấy ứng xử như là bậc con cháu hoặc học trò nên tôi có cảm giác rất gần gũi.

Tôi vốn là thầy giáo từng dạy học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nên khi các đồng chí Công an đến gặp gỡ, trao đổi công việc nhưng lại mang tính chất thầy trò thì thích lắm, các anh ấy cần gì là tôi tận tình giúp đỡ. Tôi nói thế để thấy rằng, Công an càng thân thiện với dân thì càng làm tốt nhiệm vụ quản lý địa bàn, phòng chống tội phạm... Đúng như Bác Hồ nói, Công an với dân như cá với nước, mối quan hệ này càng gắn bó, tin tưởng lẫn nhau thì người Công an sẽ làm tốt nhiệm vụ mà Đảng và ngành giao phó, còn nhân dân thì được sống trong sự bình yên.

Qua thực tế ở khu dân cư tôi thấy rằng, Công an vừa tham mưu, vừa trực tiếp cùng với chính quyền địa phương để làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo trật tự đô thị. Tôi thấy ở địa bàn mình có những vi phạm về lòng đường, vỉa hè, chiếm dụng sân chơi để kinh doanh... Về việc này Công an cần tham mưu cho chính quyền và là lực lượng nòng cốt, cương quyết xử lý các vi phạm thì mới tránh được tình trạng gây mất trật tự, mỹ quan đường phố và khu dân cư.

Cá nhân tôi thấy cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ" không nên chỉ dừng lại ở phạm vi chỉ có các đồng chí trong lực lượng CAND thực hiện mà cần sự hưởng ứng, giám sát của người dân thì mới thực sự có hiệu quả.

Sinh viên Nguyễn Thành Nam: Em có thiện cảm hơn với CSGT sau một lần vi phạm

Sinh viên Nguyễn Thành Nam.

Em đang theo học một trường đại học ở Thanh Hóa, mới đây em ra Hà Nội tham dự một khóa học ngắn hạn về lập trình. Khi đi em mang theo đầy đủ giấy tờ xe như: Giấy đăng ký xe, bảo hiểm xe, bằng lái xe mô tô. Em phải chuẩn bị chu đáo những loại giấy tờ này vì lo ngại, giao thông Hà Nội rất phức tạp, bản thân lại chưa quen đường nên dễ phạm luật.

Quả đúng như dự liệu, một ngày đầu tháng 3, khi đi đến giữa ngã tư Trần Phú - Điện Biên Phủ em phát hiện mình đi sai đường nên liền rẽ phải sang phố Trần Phú. Một chú CSGT liền ra hiệu và vẫy em dừng xe vào sát lề đường. Chú CSGT bảo em phạm lỗi chuyển hướng mà không bật xi nhan. Chú ấy lấy văn bản luật, chỉ cho em biết rõ, lỗi em vừa vi phạm bị phạt 300.000đ. Em trình bày với chú ấy là cháu vừa ở quê ra, chưa biết đường xử lý tình huống chuyển hướng không đúng luật. Nhìn thấy tờ bản đồ Hà Nội em cầm trên tay chú ấy tin lời em nói nên chỉ nhắc nhở mà không xử phạt.

Qua sự việc này em thấy sự linh hoạt trong xử lý tình huống vi phạm giao thông của chú CSGT là rất có tình, có lý.

Khi về quê, em đã đem câu chuyện trên kể lại với mọi người và ai cũng bảo em may mắn khi gặp được chú CSGT tốt bụng. Em thì nghĩ rằng CSGT khi ra đường còn có nhiệm vụ rất quan trọng là điều hành giao thông chứ không phải chỉ để xử phạt người vi phạm. Chính vì thế với những người mắc lỗi do không cố ý như người ngoại tỉnh chưa quen đường; tuyến phố mới có sự điều chỉnh về giao thông... thì CSGT chỉ nên nhắc nhở.

Nếu như tất cả các chú CSGT đều có thái độ cởi mở, tác phong đàng hoàng thì sẽ được mọi người dân cùng tin yêu. Em hy vọng rằng, khi tham gia cuộc vận động này mỗi chiến sỹ Công an đều rút ra cho mình những bài học bổ ích trong ứng xử, xử lý công việc...

Chị Nguyễn Xuân Hương, Công ty Hóa chất, Bộ Thương mại: Một số chiến sỹ Công an chưa đúng mực khi làm việc

Chị Nguyễn Xuân Hương.

Có lẽ cuộc vận động mới bắt đầu và chưa được tuyên truyền sâu rộng nên tôi chưa hiểu sâu về cuộc vận động này. Nhưng thực tế trong cuộc sống thì tôi và những người sống quanh tôi đã gặp khá nhiều tình huống liên quan đến các chiến sỹ Công an, đặc biệt là CSGT.

Có lần tôi chứng kiến một người dân bị tuýt còi khi phạm lỗi. Khi người này vừa tạt xe vào lề đường thì ngay lập tức bị anh CSGT rút chìa khóa xe rồi lẳng lặng đi sang phía lề đường bên kia. Người vi phạm sau một thoáng bối rối cũng hiểu ý mà dắt xe sang đường theo anh CSGT. Chứng kiến cảnh này tôi tự hỏi, người vi phạm Luật Giao thông kia đâu phải mắc trọng tội. Giá như anh CSGT có cách hành xử lịch thiệp sẽ không để lại ấn tượng xấu trong những người chứng kiến sự việc như tôi.

Hoặc có lần, tôi vào một cơ quan Công an làm việc thì gặp chiến sỹ Công an đeo kính đen khi tiếp dân. Tôi cũng từng chứng kiến cảnh anh Cảnh sát trật tự giằng quang gánh của chị bán hàng rong... Chính cách giải quyết công việc "quên điều lệnh" của một số Cảnh sát làm xấu đi hình ảnh người chiến sỹ CAND.

Sẽ không công bằng nếu chỉ nhìn những điều chưa thật sự đẹp của người chiến sỹ Công an mà không nhắc đến việc vẫn có những người dân luôn tranh thủ cơ hội không có Cảnh sát là vi phạm hoặc thậm chí là chống đối Cảnh sát. Điều đó cũng tạo áp lực cho các anh. Tôi hy vọng rằng cuộc vận động này sẽ tác động tới thái độ ứng xử của cả người dân và các chiến sỹ Công an. Các anh hãy cư xử lịch sự với dân, nhìn nhân dân với con mắt bình thường trước khi nhìn bằng con mắt của người xử lý vi phạm

C.Hồng - V.Hà
.
.