Cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam:

Nguồn lực lớn từ hậu phương lớn

Thứ Năm, 30/04/2015, 11:15
Tại hội thảo “Vai trò của lực lượng CAND trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-2015” được Bộ Công an, Thành ủy - UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/3/2015, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với ông Thái Doãn Mẫn (thường gọi là Tám Nam), nguyên Ủy viên Ban An ninh Trung ương (Ban ANTW) Cục miền Nam, nguyên Phó Ban AN khu 9, nguyên phó Ban An ninh Khu Sài Gòn - Gia Định (T4), nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh.

Là một trong 260 cán bộ Công an được Bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đợt đầu tiên (tháng 2/1962); năm nay ở tuổi 93, nhưng ông Thái Doãn Mẫn vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn để nhớ về những năm tháng không thể nào quên.

Vào chiến trường miền Nam và được cử làm Ủy viên Ban ANTW Cục miền Nam chưa được bao lâu, tháng 3/1963, Thái Doãn Mẫn được tăng cường về làm Phó Ban AN miền Tây Nam Bộ (Khu 9) và công tác tại chiến trường này đến đầu năm 1966.

Thời gian này, Ban AN TW Cục miền Nam chủ trương điều một số cán bộ cốt cán về an ninh Khu 9, Tây Ninh, Bình Long… nhằm tăng cường sự lãnh đạo công tác an ninh ở các tỉnh, góp phần làm thất bại kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược của địch.

Lực lượng an ninh Khu 9 đã xây dựng được hơn 10 cơ sở nội tuyến làm việc trong các cơ quan TW của chế độ Sài Gòn (trong đó có Tổng nha Cảnh sát và Bộ Tổng tham mưu). Do đó, mỗi lần địch có âm mưu, kế hoạch đánh phá hòng tiêu diệt Khu ủy, các cơ quan của Khu ủy hoặc Tỉnh ủy các tỉnh thì được các cơ sở nội tuyến báo cho lực lượng an ninh Khu 9 biết trước và có kế hoạch di chuyển đến nơi an toàn.      

ông Thái Doãn Mẫn cho biết: Từ ngày vào chiến trường, chúng tôi sát cánh cùng các đồng chí AN miền Nam được phân công về vùng sâu đồng bằng và thành phố, tiến hành các hoạt động điệp báo, phản gián, trừ gian, diệt ác, xây dựng lực lượng an ninh cơ sở.

Trải qua nhiều cuộc càn quét, bình định, dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ-ngụy đã gây ra cho ta nhiều khó khăn, tổn thất nặng nề. Trong tình hình đó, cán bộ an ninh miền Nam và cán bộ Công an chi viện vẫn kiên trì bám trụ vững chắc trong dân, được nhân dân đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng, hết lòng giúp đỡ và  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Từ trái sang phải: ông Thái Doãn Mẫn (thứ 2) cùng các đồng đội đến thăm bác Ngô Quang Hớn (thứ 3) tại TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).

Còn nhớ, phát biểu tại buổi giao lưu giữa đoàn cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam và tuổi trẻ Công an tỉnh Bình Phước đêm 24/3/2012; Đại tá Trần Quang Minh, nguyên Trưởng Ban AN Khu 10 (gồm tỉnh Đắk Nông và tỉnh Bình Phước hiện nay) trong thời kỳ chống Mỹ, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé khẳng định: Sự chi viện của Bộ Công an về con người, phương tiện, trang thiết bị… cho chiến trường miền Nam rất quý báu, giúp cho lực lượng an ninh tại chỗ trưởng thành về mọi mặt.

Trong đó quan trọng nhất là nâng cao về nghiệp vụ Công an, công tác nắm tình hình và vận động nhân dân trong phòng gian, bảo mật, bảo vệ an toàn nơi làm việc của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ Tư lệnh miền, Ban Liên hiệp quân sự 4 bên sau Hiệp định Paris và các kho tàng quan trọng ở Tà Thiết (huyện Lộc Ninh).

Học viên Trường Cảnh sát nhân dân và Phân hiệu Cảnh sát PCCC chi viện chiến trường miền Nam năm 1972. Ảnh: Tư liệu

Hai năm sau (29/3/2014), khi được mời lên phát biểu tại buổi gặp gỡ giao lưu giữa đoàn cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam với tuổi trẻ Công an tỉnh Kiên Giang; Đại tá Ngô Quang Hớn (thường gọi Hai Hồng) – Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Trưởng Ban AN Khu 9 trong thời kỳ chống Mỹ, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chia sẻ:

Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng an ninh tại chỗ làm theo kinh nghiệm, chỉ giỏi về vận động quần chúng; còn cán bộ Công an được Bộ Công an chi viện giỏi về nghiệp vụ nên đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng lực lượng an ninh Khu 9 phát triển về số lượng và chất lượng; cùng lực lượng an ninh tại chỗ làm tốt các mặt công tác. Từ đó, không chỉ bảo vệ an toàn tuyệt đối nơi  làm việc của Khu ủy, các cơ quan của  Khu 9 và Tỉnh ủy các tỉnh; mà còn chủ động tấn công tiêu diệt địch từ nông thôn đến thành thị.

Từ đầu năm 1967, ông Thái Doãn Mẫn được phân công làm Phó Ban An ninh T4 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Thời gian công tác ở An ninh T4, ông cùng các đồng chí trong lãnh  đạo An ninh T4 đã xây dựng lực lượng trinh sát vũ trang (LLTSVT) nội đô và tổ chức cho LLTSVT đánh nhiều trận đặc biệt xuất sắc vào các cơ quan đầu não của địch (Tổng nha Cảnh sát, Nha Cảnh sát đô thành) hoặc các trại lính, đồn cảnh sát; khiến cho quân thù phải khiếp sợ, gây được niềm tin, phấn khởi trong nhân dân.

Những trận đánh của LLTSVT nội đô nhằm tiêu diệt các đối tượng đầu sỏ: Nguyễn Chữ, Trần Văn Văn, Nguyễn Văn Kiểm, Nguyễn Văn Bông… gây rúng động chính trường Sài Gòn, khoét sâu mâu thuẫn giữa các phe phái tay sai của Mỹ, tạo sự rối loạn trong nội bộ của chúng.

Đặc biệt sau Tết Mậu Thân 1968, lực lượng các ban ngành của Khu Sài Gòn - Gia Định bị tổn thất nặng nề, hoạt động của LLTSVT nổi lên như một nhân tố góp phần hồi phục phong trào cách mạng tại nội thành, giữ vững lòng tin của nhân dân vào cách mạng và bác bỏ luận điệu  tuyên truyền của địch “lực lượng cách mạng đã bị quét sạch khỏi Sài Gòn”.

Tham luận của ông Thái Doãn Mẫn tại hội thảo: “Vai trò của An ninh Khu Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” đã khái quát quá trình chiến đấu và trưởng thành của lực lượng An ninh T4, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, khôn khéo, mưu trí đương đầu với các âm mưu, thủ đoạn của các cơ quan tình báo, Cảnh sát đặc biệt, các tổ chức trá hình khác của Mỹ-ngụy, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ các lực lượng và phong trào cách mạng Sài Gòn-Gia Định, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Công Trường
.
.