Người trinh sát hình sự đi dân nhớ, ở dân thương

Thứ Hai, 12/11/2012, 22:52
Tôi gặp Thiếu tá Ninh Ngọc Hà, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an tỉnh Yên Bái, khi anh cùng đồng đội vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày ở một huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái - huyện Mù Căng Chải, lần theo một đường dây lừa bán người ra nước ngoài. So với lần đầu gặp tôi, vẻ bề ngoài của anh có phần thay đổi… duy chỉ có đôi mắt của người lính hình sự vẫn vậy, ở đó cháy rực tình yêu nghề và niềm đam mê công việc.

1. Trở về đơn vị hôm đó, Thiếu tá Hà và đồng đội lại vội vã bắt tay vào công việc… Đối tượng họ phải đối mặt lần này là nữ quái cầm đầu đường dây mua bán người qua biên giới. Từ lúc bị bắt giữ cho đến khi được dẫn giải về đơn vị, chị ta luôn lắc đầu quầy quậy, sau đó lại sử dụng tiếng Mông để từ chối mọi câu hỏi, không khai báo tên, tuổi và địa chỉ thật.

Vừa động viên thuyết phục, Thiếu tá Hà vừa tỷ mỷ khai thác các tài liệu thu thập được, tập trung đấu tranh với chị ta. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, nữ quái sau đó đã khai tên thật là Lý Thị Mẩy, trú tại tỉnh Yên Bái. Vì hám lời, Mẩy đã lừa gạt nhiều cô gái vùng cao đưa sang bên kia biên giới bán kiếm lời. Song lúc này, lại nảy sinh một khó khăn khác, Thiếu tá Hà nhớ lại: Mẩy thừa nhận hành vi phạm tội song kiên quyết không khai báo tên, tuổi và địa chỉ của các đối tượng còn lại trong đường dây. “Từng đối mặt với rất nhiều đối tượng hình sự, trong đó có không ít đối tượng cộm cán, nhiều lần ra tù vào tội nhưng tôi chưa thấy đối tượng nữ nào lỳ lợm như Mẩy. Trước sau, chị ta chỉ khai quen biết đối tượng trong đường dây một cách qua loa, không biết địa chỉ cụ thể”, Thiếu tá Hà kể lại.

Thiếu tá Ninh Ngọc Hà đang nghiên cứu hồ sơ.

Trong vụ án này, sự tỷ mỷ, kiên trì đã giúp người lính hình sự có nhiều năm lăn lộn với thực tế, tìm ra được hướng đi đúng, giúp vụ án thành công tốt đẹp. Vừa gợi mở vừa đấu tranh từ những mâu thuẫn trong lời khai của Mẩy, vừa tổ chức lực lượng rà soát theo đặc điểm nhận dạng của người bị hại, Mẩy sau đó đã khai thêm đồng bọn tên là Tình ở Sơn A, Văn Chấn, Yên Bái… Với sự nỗ lực không ngừng của anh và đồng đội, đường dây mua bán phụ nữ trên được bóc gỡ thành công,  góp phần trả lại sự bình yên cho địa bàn, ngăn chặn được hiểm họa mua bán người ở vùng cao.

2. “Mỗi vụ án hình sự là một bài học thực tế sinh động. Người trinh sát ngoài việc thường xuyên học tập kiến thức trong sách vở, cũng phải linh hoạt thích ứng với thực tế”, Thiếu tá Hà giãi bày. Rồi anh kể cho chúng tôi vụ án Hà Quang Tự (28 tuổi, trú tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) chiếm đoạt trẻ em và cố ý gây thương tích xảy ra tại thôn Cát Thịnh, huyện Văn Chấn.

Do túng tiền tiêu xài, Tự đã trộm cắp chiếc điện thoại của anh Phạm Ngọc Vượng, cũng trú tại tỉnh Yên Bái. Khi biết Tự là đối tượng lấy trộm tài sản, anh Vượng nhiều lần gặp, yêu cầu Tự chuộc lại chiếc điện thoại trên… Sau nhiều lần đòi chuộc điện thoại không thành, giữa anh Tự và anh Vượng xảy ra mâu thuẫn. Tự trong lúc tức giận đã xông vào nhà anh Vượng, bế cháu Phạm Minh Thu là con gái anh Vượng, khi đó vừa được 3 tháng tuổi về nhà.

Trước sự điên cuồng của Tự, anh Vượng van xin nhưng đối tượng này không buông tha. Trong khi bế cháu Thu về nhà, Tự đã đập đầu cháu Thu vào cửa, nhưng không cho người nhà kiểm tra tình trạng sức khỏe của cháu. Sau đó, Tự dùng dao nhọn chém vào bà nội của cháu Thu là Hà Thị Huyền... Gia đình nạn nhân và chính quyền địa phương sau đó tiến hành giải cứu cháu Thu nhưng do vết thương quá nặng, cháu đã tử vong.

Sau khi gây án, Tự bỏ trốn… Khi tiếp nhận vụ án này, cái khó là xác định được nguyên nhân khiến cháu Thu tử vong. Đối tượng Tự khai rằng, trong lúc giằng co với bà nội cháu bé đã gây ra sự việc trên, còn bà Huyền thì lại trả lời rằng không có sự việc trên.

Để làm rõ sự thật, bắt kẻ thủ ác phải đền tội, Thiếu tá Hà thực nghiệm điều tra, tìm ra những điểm mâu thuẫn trong lời khai giữa gia đình người bị hại và đối tượng gây án, thời gian xảy ra sự việc và củng cố lời khai của các nhân chứng. Với những bằng chứng này, đối tượng Tự sau đó đã phải khai nhận toàn bộ sự thật.

3. Quê gốc ở Lý Nhân (Hà Nam) song tuổi thơ của Thiếu tá Ninh Ngọc Hà lại có những ngày tươi đẹp ở vùng đất đầu nguồn “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Tuổi ấu thơ êm đềm, câu chuyện trinh thám qua giọng kể trầm ấm của người cha, những nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm văn học và rồi những câu chuyện cảnh giác trên phát thanh vì an ninh Tổ quốc vào mỗi tối thứ bảy hằng tuần đã nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của cậu bé Hà ngày đó, ước mơ cháy bỏng được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an.

Năm 2000, anh đã thực hiện được tâm nguyện của mình, trở thành một cán bộ Công an. Sau khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát (hiện nay là Học viện Cảnh sát nhân dân), anh về nhận công tác tại Phòng PC45 Công an tỉnh Yên Bái, ban đầu là Đội Cảnh sát truy nã tội phạm. Những ngày đầu mới về đơn vị, Thiếu tá Hà vừa làm vừa học hỏi các đồng nghiệp đi trước từ những vụ án đơn giản đến phức tạp rồi anh dần trưởng thành.

Hơn chục năm qua, Thiếu tá Hà không nhớ đã tham gia bao nhiêu chuyên án nhưng kỷ niệm về vụ án đầu tay chẳng dễ quên. Đó là một vụ hiếp dâm, nạn nhân là một người thiểu năng trí tuệ, vừa bị câm lại vừa điếc. Để lấy được lời khai của người bị hại, Thiếu tá Hà lặn lội xuống địa bàn, gặp gỡ gia đình nạn nhân, mày mò học các ký hiệu giao tiếp thông qua mẹ của nạn nhân. Và với sự giúp đỡ của người phiên dịch, vụ án sau đó được khám phá thành công, 2 đối tượng gây án bị bắt giữ.

Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tiếp, Thiếu tá Ninh Ngọc Hà luôn đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Song niềm vui lớn nhất với anh và đồng đội là khi bình yên được trả lại cho địa bàn, những kẻ thủ ác phải trả giá đắt trước pháp luật

PV
.
.