Người lính anh hùng của An ninh T4

Thứ Bảy, 13/03/2010, 11:00
Trong hơn 13 năm trực tiếp đứng trong hàng ngũ chiến đấu, bảo vệ lãnh đạo thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khó gì có thể kể hết những khó khăn gian khổ mà Đại tá Huỳnh Công Oai và đồng đội đã chịu đựng, vượt qua. Có lẽ ngay bản thân ông cũng không thể nhớ hết bao nhiêu lần mình và đồng đội đứng trong lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết.

78 tuổi, một bên mắt đã hư hại hoàn toàn, bên còn lại cũng chỉ còn 4/10, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Huỳnh Công Oai chia sẻ với chúng tôi rằng, sức khỏe của ông đã giảm sút rất nhiều, trí nhớ không còn tốt nữa. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ông chính thức bước vào ngành Công an, thời gian như chiếc bóng thoáng qua thềm, song đời người thì hữu hạn. Sau cả một khoảng thời gian dài ấy, chúng tôi cũng cứ ngỡ phải mất thời gian khá lâu, ông mới có thể nhớ được những chuyện từng xảy ra trong quá khứ. Thế nhưng, thật bất ngờ, chỉ chạm vào quá khứ ấy, ký ức một thời lửa đạn trong ông đã vụt sống dậy sống động như tất cả mới chỉ xảy ra nơi nào đó của ngày hôm qua…

Đi về phía mặt trời

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cha mẹ phải đi làm mướn kiếm ăn, bản thân ông Huỳnh Công Oai lúc đó cũng phải đi ở đợ kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. 14 tuổi mới bắt đầu được đi học nhưng cũng chỉ 1 năm sau đó, cậu bé Oai ngày ấy cũng phải nghỉ học để phụ cha mẹ làm rẫy. Vì song thân và cả chú, bác đều là những người hoạt động cách mạng, có người bị địch bắt, tra tấn đến chết nên Huỳnh Công Oai giác ngộ rất sớm, tích cực tham gia nhiều hoạt động, hỗ trợ các cô, chú cán bộ tại địa phương. Tuy nhiên, được trực tiếp cầm súng chiến đấu để góp phần giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, trong đó có gia đình, họ hàng, người thân mới là khát vọng cháy bỏng của Huỳnh Công Oai.

19 tuổi, mong ước đó trở thành sự thật khi Huỳnh Công Oai trở thành một trong số không nhiều thanh niên địa phương được tuyển thẳng vào đơn vị Công an vũ trang của An ninh T4. Cùng đồng đội nhận nhiệm vụ xây dựng căn cứ cho lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, nhưng vốn tháo vát, luôn gương mẫu, đi đầu trong các công việc của đơn vị nên chỉ một năm sau, Công Oai đã vinh dự được kết nạp Đoàn. Cũng trong khoảng thời gian này, dù căn cứ di chuyển song địch vẫn phát hiện, bao vây, cắt đứt con đường tiếp tế lương thực. Đơn vị vừa phải xây dựng, bảo vệ căn cứ, vừa phát rẫy, trồng lúa, trồng mì để tự túc lương thực. Cuộc sống kham khổ nhưng phong trào thi đua thì ngày càng sôi nổi…

Một năm sau, đúng ngày 20/7/1964, Huỳnh Công Oai vinh dự được kết nạp Đảng, chuyển sang đơn vị trinh sát, tiểu đoàn Vinh Quang (Đơn vị Công an vũ trang tập trung). Không biết đã bao nhiêu lần, anh đã áp sát khu vực địch đóng quân, trân mình dưới ánh đèn pha, luồn lách qua những trận mưa đạn của kẻ thù để nắm cho được tình hình địch, kịp thời báo về đơn vị, đề ra phương án tác chiến.

Sau một khóa học tăng cường, năm 1965, Huỳnh Công Oai được phân công về tiểu đội bảo vệ lãnh đạo Khu ủy, trong đó có đồng chí Mai Chí Thọ (Năm Xuân), lúc ấy đang là Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Ngoài nhiệm vụ canh gác 24/24 giờ trong ngày, bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo, tiểu đội phải dựng nhà, đắp ụ, đào hầm làm việc, hầm bí mật...

Lần đầu tiên theo bảo vệ đồng chí Mai Chí Thọ, cùng ăn, ngủ trong rừng nhiều ngày, không có bàn ăn, chàng bảo vệ trẻ Huỳnh Công Oai hăng hái xách dao chặt cây làm một chiếc bàn. Lấy ngón tay đẩy thử, chiếc bàn lay lắt như chiếc lá thu sắp rụng, chú Năm không la mắng mà còn ôn tồn bảo Công Oai dọn thức ăn xuống đất rồi giải thích: Làm chiếc bàn phải có cái chân to hơn thì mặt bàn mới vững. Cũng giống như người làm cách mạng, phải tạo được cái chân vững chắc trước. Cháu còn trẻ, còn phải học, rèn luyện nhiều để sau này vững chãi hơn…

Kể với chúng tôi về hơn 7 năm ròng theo bảo vệ chú Năm Xuân, Đại tá Huỳnh Công Oai bảo rằng: Đó là những tháng ngày ông học được rất nhiều, kể từ cách ứng xử trong quan hệ đồng chí, đồng đội, với dân cho đến những bài học tri thức. Ông bỏ học sớm, không biết chữ, nhìn mọi người đọc sách, báo cũng "thèm" lắm. Biết ông ham học, chú Năm giao hẳn cho bác sĩ Xuân dạy ông học, thỉnh thoảng chỉ bảo thêm. Không có giấy bút, thời gian học chỉ là những lúc học viết chữ trên mặt đất giữa giờ nghỉ giải lao của ngày làm việc, của buổi hành quân, có khi là học ngay dưới làn pháo sáng của địch. Cứ như thế, cho đến ngày giải phóng, trình độ được qua kiểm tra của ông đã lên đến lớp 7.

Những lần "giáp mặt" tử thần

Tháng 4/1965, địch phát hiện căn cứ Khu ủy ở Hố Bò, An Phú, Củ Chi liền đổ quân bao vây. Nhận được tin báo trước đó vài giờ, toàn bộ lãnh đạo Khu ủy được di chuyển đến nơi an toàn. Huỳnh Công Oai và đồng đội được giao nhiệm vụ ở lại chiến đấu, bảo vệ căn cứ. Suốt 7 ngày đêm đơn vị phải bám trụ dưới những trận bom đạn của kẻ thù với lòng căm hận sục sôi trong khi địch ra sức tàn phá, sát hại đồng bào khu vực xung quanh. Đúng 7h30' ngày thứ 8, bộ binh địch có xe tăng, máy bay yểm trợ mới đổ quân vào khu vực trung tâm. Vì súng đạn ít nên chỉ huy Ba Lên ra lệnh phải đợi đến khi địch cách 10m mới được bắn. Một chiếc máy bay sà xuống gần đến mức tưởng như sắp chạm vào mặt đến nơi, Huỳnh Công Oai nhấn cò súng. Chỉ ít phút sau, một vệt khói đen xì hiện ra, máy bay đâm sầm xuống mặt đất.

12h trưa, lợi dụng các địa đạo, Huỳnh Công Oai cùng một đồng chí theo đường hầm vào giữa đội hình địch, bất ngờ đánh thốc ra, yểm trợ cho đồng đội. Nghe tiếng đạn bắn xối xả vào trung đội bạn phía bên, đoán là một ổ đại liên địch đang nằm đâu đó rất gần, Công Oai đề nghị được bò lên khỏi miệng hầm, về phía nhà trung tâm của Khu ủy. Ngay bên vách liếp, đúng là có một ổ đại liên với 5 tên Mỹ bên cạnh thay nhau nã đạn vào trung đội bạn của Công Oai. Anh rút chốt trái lựu đạn cuối cùng. Ổ đại liên bị phá hủy hoàn toàn… Kế hoạch càn quét, đóng quân của địch thất bại. Toàn đại đội phấn khởi vì đã diệt được 150 tên Mỹ, bắn rơi tại chỗ 17 máy bay. Trong đó, Huỳnh Công Oai diệt 8 tên, bắn rơi 2 máy bay, phá hủy 1 khẩu đại liên, được tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ"...

Năm 1967, chiến trường tại Củ Chi, Bến Cát ngày càng ác liệt hơn. Địch ngày đêm càn quét, dội bom, nã pháo, thả biệt kích nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng nên việc bảo vệ các lãnh đạo càng khó khăn, phức tạp. Huỳnh Công Oai được đồng chí Huỳnh Văn Bánh phân công bảo vệ trực tiếp đồng chí Năm Xuân. Khi ấy, địch càn từ Củ Chi, qua sông Sài Gòn đến Bến Cát. Vừa mang trong người 30kg tài liệu, máy móc, phương tiện đi lại, Huỳnh Công Oai vừa bảo vệ thủ trưởng của mình thoát vòng vây an toàn.

Một ngày sau, anh lại được phân công cùng một đồng chí khác trở lại Củ Chi lấy công văn. Vừa trở về đến khu đồng trống Cà Tum, 2 máy địch xuất hiện, rà soát, thổi tung cả cây cối quanh ụ nấp, quyết bắt sống 2 chiến sĩ. Thấy cự ly quá gần, Huỳnh Công Oai nổ súng. Một chiếc máy bay rơi, 2 chiếc còn lại rút chạy về hướng Tây Ninh. Tài liệu được chuyển về Trung ương cục an toàn, Huỳnh Công Oai tiếp tục nhận được giấy khen, được phong cấp Trung đội phó.

Trở về

Thực tế, trong hơn 13 năm trực tiếp đứng trong hàng ngũ chiến đấu, bảo vệ lãnh đạo thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khó gì có thể kể hết những khó khăn gian khổ mà Đại tá Huỳnh Công Oai và đồng đội đã chịu đựng, vượt qua. Có lẽ ngay bản thân ông cũng không thể nhớ hết bao nhiêu lần mình và đồng đội đứng trong lằn ranh mỏng manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng có một điều ông luôn khẳng định chắc chắn với chúng tôi rằng dù trải qua nhiều đoạn trường gian khổ song ông được sống, được trở về, sống cuộc đời bình yên như ngày hôm nay đã là hạnh phúc lớn, may mắn lớn so với rất nhiều đồng đội của mình không có dịp trở về.

Về quãng đường hoạt động tiếp theo của ông, chúng tôi được biết, ông theo bảo vệ lãnh đạo Thành ủy đến năm 1973 thì chuyển công tác khác, tham gia nhiều hoạt động khác của An ninh T4, góp phần giải phóng, trực tiếp bảo vệ nhiều cơ quan trọng yếu vào tiếp quản Gia Định. Sau đó ông còn giữ nhiều cương vị khác nhau trong ngành Công an: Tiểu đoàn phó Cảnh sát bảo vệ Công an TP, Phó Giám đốc Xí nghiệp 81 - Công an TP, Giám đốc Công ty Cơ khí Song Pha - Công an TP.

Năm 1995, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 2004, ông chính thức nhận quyết định nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá

Ngọc Nguyễn
.
.