Người con thân yêu của bản vùng cao

Thứ Hai, 05/12/2011, 19:41
Tôi biết Thượng tá Đinh Xuân Thắng, Trưởng Công an huyện Mường Khương (Lào Cai) hơn chục năm trước, khi anh còn là Phó trưởng Công an huyện, phụ trách hình sự. Để rồi, chẳng biết vì lưng cơm Séng Cù thơm dẻo, vị ớt Mường Khương thơm quyến rũ hay tình người nơi đây níu kéo mà mỗi lần có dịp lên công tác ở Lào Cai, tôi đều ghé qua Mường Khương.

Nhấp chén rượu ngô cay nồng, quyến rũ, Thượng tá Thắng bồi hồi nhớ lại kỷ niệm hơn ba mươi năm trước: "Khoảng giữa năm 1977, tôi đang học cấp 3 ở Yên Bái thì thấy các chú Công an về thông báo thi tuyển. Đang tuổi "bẻ gẫy sừng trâu", tôi hăm hở nộp đơn rồi theo học tại Trường sơ cấp Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ. Tháng 12/1977, tôi ra trường và được điều động về làm Công an phụ trách xã Nấm Lư thuộc huyện Mường Khương".

Đến năm 1981, anh đi học Trường Trung cấp Công an rồi trở lại Mường Khương, nhận nhiệm vụ tại Đội Công an phụ trách xã. Đó là những năm tháng chẳng dễ quên, Thượng tá Thắng chia sẻ: Đội phụ trách xã lúc đó có vài chục cán bộ, chiến sỹ, anh em thường xuyên phải có mặt ở các xã để kiểm tra, nắm tình hình. Ngày ấy, để đến được các xã như Cao Sơn, Tả Ngải Chồ… chỉ có cách duy nhất là đi bộ, men theo những con đường một bên vách đá dựng đứng, soi mình xuống dòng sông Chảy, một bên là vực sâu thăm thẳm. Đồng bào bản chất thật thà nhưng cũng dễ tin và dễ nghe, một số trường hợp còn mang nặng phong tục tập quán lạc hậu, họ quan niệm ốm đau bệnh tật là do ma chài…

Muốn vận động được bà con thì phải hiểu họ. Vậy là anh mày mò học tiếng dân tộc, bắt đầu bằng những từ thật đơn giản như mời ăn cơm, uống nước… rồi chào hỏi. Sau đó, anh chuyển sang công tác tại Đội Quản lý hành chính và đến tháng 2/1993, được bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an huyện.

Với hơn 86,5km đường biên giới đất liền, có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, khí hậu nơi đây vô cùng khắc nghiệt, mùa đông quanh năm ẩm ướt, cái lạnh tái tê, cứ chu kỳ 3-5 năm lại có tuyết rơi một lần… Công việc quá bận rộn nên mãi sau này, anh mới lập gia đình. Nhắc đến người vợ đã cùng chia ngọt sẻ bùi, đôi mắt Thượng tá Thắng đầy trìu mến: “Mãi đến khi tuổi ngoài ba mươi, tôi mới về quê lập gia đình với một cô giáo trường làng.  Thương chồng vất vả, vợ tôi lại ngược lên Mường Khương lập nghiệp. Cậu con trai lớn cũng sinh ra ở Mường Khương”…

Làm án ở vùng cao cũng có những bí quyết riêng, nếu chỉ áp dụng luật một cách khô khan thì không dễ thành công. Thượng tá Thắng nhớ lại: Trong vụ bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại xã Tả Ngải Chồ cách đây không lâu, Chấu Lao Vư bị mất trâu đã nghi cho 3 đối tượng là Chấu Seo Tỏa (trú tại xã Pha Long), Sùng Seo Phừ (trú tại xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương) và Thào Seo Quáng (trú tại huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Vậy là, Vư đến Ban Công an xã Tả Ngải Chồ, tố cáo hành vi phạm tội của 3 đối tượng trên. Khi vụ việc đang được cơ quan chức năng giải quyết thì Vư, trong lúc nôn nóng đã gọi anh em trong thôn đến bắt Tỏa và Phừ về nhà đánh đập, dùng thanh sắt nung đỏ để tra tấn… Khi lực lượng Công an xã, Công an huyện Mường Khương và Đồn Biên phòng Pha Long nhận được tin, đến vận động, thuyết phục Vư không chấp thuận, đồng thời còn gọi thêm một số người thân, cản trở lực lượng làm nhiệm vụ. Vì thiếu hiểu biết, Vư còn bắt gia đình Tỏa và Phừ bồi thường 13 triệu đồng...

Khi đó, Thượng tá Thắng đã cùng anh em băng rừng, vượt suối lặn lội vào bản, gặp gỡ, thuyết phục và phân tích cho Vư hiểu, không ai có quyền tự ý bắt người, việc đó là sai. Đối tượng trộm trâu phải do pháp luật xử lý. Lúc ấy, Vư mới hiểu ra. Anh Thắng chia sẻ: Trong những tình huống như thế, giải pháp tốt nhất là giáo dục để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho những người bị bắt giữ. Và muốn làm được điều đó, các lực lượng được giao nhiệm vụ phải khéo léo, một chút nóng vội cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều năm trở lại đây, hoạt động mua bán người trên địa bàn Mường Khương diễn biến rất phức tạp. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và tập quán "cướp vợ" của đồng bào vùng cao, các đối tượng trong nội địa đã câu kết với đối tượng ngoài biên giới, hình thành các đường dây mua bán người xuyên quốc gia… Để ổn định tình hình, Thượng tá Thắng thường xuyên đôn đốc cán bộ trong đơn vị quản lý tốt địa bàn, anh cũng trực tiếp đến các xã vùng cao, tuyên truyền giải thích cho người dân thủ đoạn của các đối tượng mua bán người và chỉ đạo phá nhiều vụ án lớn. Tận tâm với nghề, trách nhiệm với công việc, Thượng tá Đinh Xuân Thắng luôn được đồng đội tin yêu, quý mến

Xuân Mai
.
.