Người Cảnh sát cơ động xứng đáng với tấm Huân chương

Thứ Năm, 07/04/2011, 11:44
Đã từ lâu rồi, Trung úy Nguyễn Danh Phương nổi tiếng với những chiến công xuất sắc. Người lính ở Trung đoàn Cảnh sát cơ động Công an Thủ đô ấy lại rất kiệm lời khi kể về thành tích. Anh vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, đạt danh hiệu "Thanh niên tiêu biểu" của Bộ Công an, "Tài năng trẻ Thủ đô"…
>> Biểu dương Cảnh sát cơ động bắt ma túy

Ngay từ nhỏ, cậu bé quê ở xứ nhãn lồng (Hưng Yên) đã rất thích sau này được trở thành chiến sĩ Công an. Vì thế, đến tuổi trưởng thành là Phương tình nguyện gia nhập lực lượng Cảnh sát cơ động. Sau những năm tháng khổ luyện giữa nắng gió thao trường, anh xung phong vào Nam công tác, giữ gìn bình yên mảnh đất Tây Nguyên. Trở về Thủ đô yêu dấu, anh về với "mái nhà" của những người lính Trung đoàn Cảnh sát cơ động. Cuộc sống bộn bề với những lo toan thường nhật của một gia đình trẻ, vợ không có việc làm, 2 con còn nhỏ, nhưng vượt lên những khó khăn của hoàn cảnh gia đình, anh vẫn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đã nhiều năm trên đường tuần tra, không biết bao nhiêu lần anh áp sát tội phạm. Có kẻ nếu không mua chuộc được anh bằng "đạn bọc đường" thì chúng giở ngay chiêu côn đồ để hành hung uy hiếp. Nhưng với lính cơ động thì điều đó nào có ngại gì, bây giờ anh đã quá quen rồi.

Nhớ lại những ngày đầu, mỗi lần lên đường làm nhiệm vụ là thần kinh luôn căng thẳng, bởi tội phạm luôn rình rập, những kẻ "ăn sương" vẫn nhởn nhơ trên đường phố, xâm nhập vào từng con ngõ khi mọi người đã ngủ say, nhưng những bước chân người lính như Phương vẫn rong ruổi suốt đêm khuya. Những khó khăn vất vả và nguy hiểm chẳng bao giờ anh nói với vợ, chỉ cười để chị yên lòng. Thiếu gì những kẻ "đầu trộm đuôi cướp" luôn giắt dao kiếm trong người, nếu gặp Cảnh sát cơ động cản trở đường "ăn chơi" của chúng là rút ra đâm, có đứa còn có HIV và tiền án tiền sự cũng đầy mình.

Trung úy Phương quả quyết: "Nếu phát hiện đó là tội phạm hình sự thì Cảnh sát cơ động sẽ truy đuổi đến cùng. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải bắt gọn, khi nghe thấy tiếng kêu cứu của người dân".

Và anh cảm thấy phấn khởi lúc có một bác công nhân khi tan ca trở về đã gặp và nói với anh: "Nhìn thấy các anh tuần tra trên đường phố, tôi thấy thật yên lòng"

Kim Thanh
.
.