Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII:

Nghiêm trị gắn liền cảm hóa, giáo dục

Thứ Sáu, 14/08/2015, 08:12
Ra đời gắn liền với sự phát triển và lớn mạnh của Công an nhân dân (CAND) Việt Nam, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã khắc phục mọi khó khăn gian khổ, không ngừng phấn đấu, từng bước xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, giáo dục, cải tạo, cảm hóa người phạm tội thành những người lương thiện, có ích cho xã hội.

Nhân 70 năm Ngày truyền thống CAND (19/8/1924 – 19/8/2015) và 10 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII) về những đóng góp của Cảnh sát trại giam đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của CAND Việt Nam.

PV: Quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đến nay đã có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức; vậy mô hình hiện nay có những ưu việt gì so với các mô hình cũ trước đây, thưa Tổng cục trưởng?

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng: Cách đây 65 năm, ngày 7/11/1950 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 150/SL về “Tổ chức các trại giam”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên, cao nhất của Nhà nước ta về công tác trại giam, tạo nền tảng pháp lý để lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam (nay là lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) thực hiện nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII.

Từ đó đến nay lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã có nhiều lần thay đổi về mô hình, tổ chức bộ máy cũng như tên gọi: Cục Lao cải (1953), Cục Quản lý trại giam (1961), Cục Cảnh sát Quản lý trại giam (1973), Cục Quản lý và cải tạo phạm nhân (1981), Cục Quản lý trại giam (1989), Cục Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng (1996). Năm 2009, thực hiện Nghị định của Chính phủ, Tổng cục  VIII được thành lập.

Việc triển khai thực hiện mô hình tổ chức bộ máy mới của Tổng cục VIII được đánh giá là một bước đột phá trong công tác xây dựng lực lượng, sự thay đổi đó là phù hợp với quy luật khách quan và xu thế phát triển của xã hội; thể hiện rõ sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong lĩnh vực thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp theo hướng chuyên môn, chuyên sâu để đạt hiệu quả thiết thực.

Nhiều lĩnh vực công tác trước đây thuộc chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị trực thuộc Bộ, nay chuyển giao về Tổng cục VIII như: quản lý, chỉ đạo công tác tạm giam, tạm giữ và hỗ trợ tư pháp; thực hiện công tác quản lý đối với người bị kết án tù được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, trại viên được tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc để chữa bệnh, những người bị áp dụng các hình phạt khác ngoài hình phạt tù, người được đặc xá, hết án, hết thời hạn đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, công tác tái hòa nhập cộng đồng… đã được Tổng cục VIII chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện đạt hiệu quả tích cực, phục vụ tốt công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Tổ chức bộ máy từ Tổng cục đến các đơn vị trực thuộc và Công an các địa phương đã được kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Đội ngũ cán bộ chiến sỹ thường xuyên được củng cố, từng bước nâng cao chất lượng, được rèn luyện qua thực tiễn công tác, có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ năng lực công tác ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao.

PV: Thời gian gần đây, chúng ta có rất nhiều đổi mới trong công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh; xin đồng chí đánh giá về hiệu quả những đổi mới này. Những đổi mới đó đã đem lại lợi ích như thế nào đối với họ trong quá trình lao động, cải tạo, học tập và tái hòa nhập cộng đồng?.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng: Những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh (PN, TV, HS) đã có nhiều đổi mới sâu sắc toàn diện cả về nội dung và hình thức giáo dục; đảm bảo nguyên tắc nghiêm trị, nghiêm minh đi liền với cảm hóa, giáo dục, bảo đảm quyền con người.

Quán triệt nội dung đổi mới đó, các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng (TG, CSGDBB, TGD) đã và đang cụ thể hóa bằng các việc làm thiết thực, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho PN, TV, HS như tổ chức thực hiện tốt công tác thăm gặp, nhận gửi thư, nhận tiền quà, bố trí hệ thống điện thoại để họ liên lạc với gia đình theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện công khai, minh bạch và đảm bảo đúng chế độ ăn, ở, mặc, phòng và khám chữa bệnh, xếp loại cải tạo, xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù… Bên cạnh đó Tổng cục cũng thường xuyên mở rộng quan hệ, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức xã hội cùng chung tay góp sức vào hoạt động giáo dục PN, TV, HS.

 Đổi mới biện pháp giáo dục, cải tạo bằng chính những phong trào và các hoạt động thiết thực như tổ chức cho PN, TV, HS thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hội thi “Tiếng hát tình đời”; cuộc thi vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương”; thi viết “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, phát động phong trào viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”; thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, phòng chống ma túy, HIV/AIDS… các cuộc thi đó có sức lan tỏa và ý nghĩa giáo dục vô cùng lớn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị đã phát động sâu rộng “Quỹ tấm lòng vàng” giúp đỡ phạm nhân, trại viên có hoàn cảnh khó khăn; phát động xây dựng nếp sống “trật tự, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”; quan tâm đầu tư xây dựng thư viện, phòng đọc sách, tủ sách trong các phân trại, buồng giam để phạm nhân nghiên cứu, học tập trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ; duy trì thường xuyên các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tạo không khí thi đua sôi nổi, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật.

Những đổi mới trong công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm PN, TV, HS đã mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh giúp họ tích cực thi đua cải tạo tiến bộ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy, quy định để được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong việc đặc xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Số PN, TV, HS được xếp loại khá, tốt năm sau cao hơn năm trước.

Thực hiện quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015, Tổng cục đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai lập hồ sơ đề nghị xét đặc xá cho các phạm nhân đủ điều kiện, đảm bảo công khai, minh bạch đúng quy định của pháp luật. Dự kiến trong dịp Quốc khánh 2/9 năm nay sẽ có khoảng 16.000 đến 17.000 phạm nhân được đặc xá tha tù trước thời hạn trở về địa phương.

Xin cảm ơn đồng chí!

Phương Thủy (thực hiện)
.
.