“Nghề tra cứu” của Công an xứ chè

Thứ Tư, 06/07/2016, 09:56
Tại phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Thái Nguyên có nhiều hồ sơ lưu giữ đã 60 năm, giấy bị phân hủy, ố vàng, phải bảo quản bằng hóa chất chống mối mọt nên rất độc hại.

Mặc dù vậy, ngày qua ngày, Trung tá Nguyễn Thị Hạnh- Đội trưởng Đội Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, phòng Hồ sơ Công an tỉnh Thái Nguyên vẫn cùng đồng đội cần mẫn, miệt mài, tỉ mỉ tra cứu, khai thác những thông tin trong hồ sơ để phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an.

Gắn bó với công tác hồ sơ nghiệp vụ an ninh đã hơn 20 năm, Trung tá Nguyễn Thị Hạnh hiểu được giá trị của mỗi tập hồ sơ, dù đã cũ nát, con chữ đã nhòe theo dòng thời gian, nhưng nó lại là kho thông tin quý giá có ý nghĩa quan trọng trong công tác của lực lượng An ninh.

Xác định tầm quan trọng của công tác hồ sơ nghiệp vụ an ninh, những năm qua, Trung tá Nguyễn Thị Hạnh cùng cán bộ, chiến sĩ trong đội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê gắn bó với nghề. Chị tâm sự: Chúng tôi quản lý rất nhiều hồ sơ qua các chế độ. Nhiều hồ sơ đã cũ, lưu từ trước những năm 1950 trở lại đây.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Thái Nguyên trao đổi công việc.

Với những hồ sơ cũ, chúng tôi đã phục chế, photo để tránh mờ để khi yêu cầu nghiệp vụ cần đến là sẵn sàng mang ra đọc được đầy đủ thông tin. Đặc thù của cán bộ hồ sơ phải tỉ mỉ, cẩn thận, nếu không sẽ khó tìm được thông tin chính xác khi cần đến. Khi kết luận một vấn đề nào đó là phải trả lời đúng, trung thực với hồ sơ.

Khi nói đến cán bộ, chiến sĩ làm công tác hồ sơ nhiều người chỉ nghĩ đó là công việc hành chính đơn giản, nhẹ nhàng, nhưng thực tế không phải vậy.

Công việc của cán bộ hồ sơ ngoài kiểm tra, tiếp nhận, đăng ký hồ sơ, tài liệu đến sắp xếp, phân loại, bổ sung thông tin, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu, khai thác hồ sơ, chỉnh lý biên tập, phục vụ công tác nghiệp vụ… trung bình mỗi năm, cán bộ hồ sơ còn tra cứu, phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường Công an nhân dân trên 12 nghìn lượt yêu cầu.

Tra cứu hàng nghìn lượt phục vụ tuyển chọn nghĩa vụ Công an, nghĩa vụ quân sự; tuyển chọn nhân sự vào các cơ quan Đảng, chính quyền; xác nhận lý lịch tư pháp, xuất nhập cảnh...

Đặc biệt có thời điểm, cán bộ, chiến sĩ phải làm việc gấp nhiều lần so với thường ngày, áp lực do khối lượng công việc lớn, có khi chị em phải làm thêm giờ, làm cả ngày nghỉ để kịp tiến độ thời gian, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Như kỳ Đại hội Đảng các cấp, đơn vị tiếp nhận trên 4.000 yêu cầu tra cứu. Hay cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, cán bộ hồ sơ đã tra cứu, thẩm tra, xác minh trên 10.000 lượt yêu cầu về những người dự kiến đưa vào danh sách bầu cử.

Cán bộ, chiến sĩ phải rút từng hồ sơ, nghiên cứu từng trường hợp, sau đó trả lời cho các đơn vị chức năng để kịp thời xử lý thông tin, làm căn cứ rà soát, loại khỏi danh sách bầu cử những trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Không chỉ có ý nghĩa trong công tác nghiệp vụ của ngành Công an, cán bộ, chiến sĩ hồ sơ còn cung cấp thông tin để chứng minh, giải tỏa được những băn khoăn, thắc mắc của người dân về chế độ chính sách, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân. Giải quyết triệt để những đơn thư tố cáo sai sự thật làm giảm uy tín của cán bộ.

Thượng tá Vũ Tú Lệ- Phó trưởng phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: Phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Thái Nguyên nói chung và Đội Hồ sơ nghiệp vụ an ninh nói riêng với chức năng nhiệm vụ tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo, thực hiện công tác hồ sơ nghiệp vụ an ninh. Với đặc thù của đơn vị là tỷ lệ nữ chiếm 70% quân số nên có những khó khăn nhất định trong thực hiện công tác nhiệm vụ.

Đội hồ sơ an ninh và các cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đều tập trung, tận dụng thời gian, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để phục vụ công tác tra cứu, đáp ứng yêu cầu công tác nghiệp vụ cũng như phục vụ các yêu cầu để đáp ứng công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Thanh Hải
.
.