Nghề pháp y hình sự

Thứ Năm, 26/02/2009, 18:37
Được bồi dưỡng 100.000đ/vụ nhưng các bác sĩ pháp y luôn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV khi phải giải phẫu những tử thi là những con nghiện chết bởi AIDS, những kẻ giang hồ gây án bị tử vong… Thậm chí có vụ, các giám định viên đang mổ tử thi trong buồng, người nhà nạn nhân cứ đập cửa giục "các bác nhanh lên để tới giờ gia đình khâm liệm".
>> Những người giữ xác

Giật thót và tim đập liên hồi bởi bất ngờ đập vào mắt là những thân hình trần trụi cứ nhìn tôi trừng trừng. Tĩnh tâm nhìn kỹ, phát hiện ra đó chỉ là những người giả thì tôi bật cười. Ấy là những mô hình ở hành lang của Trung tâm Giám định pháp y-sinh vật thuộc Viện Khoa học hình sự. Nếu người yếu bóng vía như tôi thì chẳng thể nào làm nổi nghề pháp y hình sự hằng ngày mổ xẻ tử thi.

Bận rộn với nghề

Những ngày này, các thầy thuốc trên cả nước đang rạo rực chào đón "ngày của riêng mình". Vậy mà, những bác sĩ ở Trung tâm vẫn đau đáu với những mẫu vật mà các cơ quan điều tra toàn quốc gửi về đang chờ kết quả.

Tôi bước vào phòng Thượng tá, Tiến sĩ y khoa Lê Việt Vùng, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y- sinh vật. Đang bận rộn với cả đống những yêu cầu giám định đặt trước bàn, nhưng anh vẫn vui vẻ đưa tôi tham quan tất cả các phòng làm việc.

Những bác sỹ pháp y đang trao đổi công tác.

Có một nơi, đầy những máy siêu âm, bàn khám bệnh, máy soi, máy chụp chiếu… Tôi thấy giống như một bệnh viện thu nhỏ. Cạnh đó, đang thực nghiệm trên nạn nhân của vụ cố ý gây thương tích. Phải là những bác sĩ giỏi mới có thể làm được những công việc này, tôi thầm nghĩ.

Vuốt mái tóc đã lốm đốm những sợi bạc, Tiến sĩ Lê Việt Vùng thổ lộ: "Đã 39 năm rồi mình làm việc trong lĩnh vực khoa học hình sự". Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, anh bước vào nghề pháp y với niềm đam mê của tuổi trẻ. Anh đã từng được tu nghiệp ở nhiều nước (Nga, Mỹ, Trung Quốc) và trở về cống hiến cho nước nhà, một tiến sĩ y khoa trong lĩnh vực giám định pháp y.

Ở Trung tâm này có 12 bác sĩ y khoa, nhiều người đã từng học ở nước ngoài (Nga, CH Czech, Nhật). Sau khi tốt nghiệp y khoa thì mỗi người phải học thêm nhiều năm nữa thì họ mới có thể trở thành một giám định viên pháp y được.

Có nhiều cán bộ giỏi, có trình độ chuyên môn cao như vậy là một điều đáng quý. Trung tâm này là nơi giám định cao nhất, thực hiện theo yêu cầu của cơ quan tố tụng. Và đặt trên vai họ là những vụ án nghiêm trọng gây bức xúc dư luận, và phải làm trong thời gian nhanh nhất. Vì thế bất kể đó là đêm hay là ngày, mưa hay nắng, chỉ biết rằng kết quả giám định pháp y của đơn vị này sẽ là "chìa khoá" để mở ra hướng đi của vụ án mà ai cũng mong chờ.

Những người mặc áo blouse trắng ấy không phải là những bác sĩ với những người bệnh trọng, những cơn bệnh hiểm nghèo. Họ là những bác sĩ thường trên từng cây số, ở bất cứ nơi nào từ núi cao tới rừng rậm nơi có những tử thi. Họ "bắt bệnh" bằng ngôn ngữ khoa học, sự nhạy cảm và lương tâm nghề nghiệp để chữa bệnh cho đời.

Giúp người chết "sống lại" để nói vì sao họ chết

Các bác sĩ pháp y đã làm được điều đó nhờ những dấu vết thu thập từ hiện trường vụ án. Nhờ những dấu vết biết nói ấy mà vụ án đốt xác nữ sinh viên Đào Thị Huệ ở khu vực phường Trung Hoà (Hà Nội) vào đêm 7/9/2008 đã mau chóng được khám phá. Chắc ít người biết rằng, vụ án được mở nút bắt đầu từ những dấu vết để lại trên thi thể nạn nhân này.

Một giám định viên kể rằng, khi phát hiện một cô gái bị thiêu cháy ở cánh đồng thì câu hỏi đặt ra đầu tiên "Cô ấy là ai?". Quá khó, vì chẳng có gì để lại ngoài đống tro tàn. Từ đống tro ấy, các giám định viên đã phát hiện những chứng cứ biết nói. Chất dịch thu được từ "vùng kín" của cô gái đã khẳng định có tinh trùng, vậy là cô ấy đã có quan hệ tình dục, có quan hệ yêu đương.

Trong đống tro tàn kia, qua giám định còn có cả sách vở song ngữ tiếng Hàn bị đốt. Từ những tình tiết này hướng cơ quan điều tra xác định, cô gái có thể liên quan đến chuyện dạy và học với một người Hàn Quốc và cô ta là sinh viên. Các nữ sinh Khoa tiếng Hàn (Trường ĐH Hà Nội) được rà soát ngay, đã tìm thấy nữ sinh Đào Thị Huệ mất tích. 3 chìa khóa thu được ở hiện trường cũng chính là chìa khoá khu nhà trọ của Huệ.

Những mối quan hệ nam nữ của Huệ cũng được xác minh, trong đó có một thanh niên Hàn tên là Kim Ki jong, trong vai một du khách đến Việt Nam tìm kiếm việc làm. Qua giám định ADN mẫu tinh trùng thu được trong người Huệ trùng với mẫu thu được từ Kim Ki jong. Điều đó càng khẳng định thủ phạm là hắn.

Từ kết quả giám định của các bác sĩ pháp y Viện Khoa học hình sự, Công an Hà Nội đã mở ra hướng điều tra nhanh chóng với một niềm tin tuyệt đối rằng Kim là thủ phạm. Vì ghen tuông tình ái, Kim đã giết chết người tình sau khi ân ái và mang xác để thủ tiêu hòng phi tang chứng. Cô gái xấu số đã không thể nói được gì nhưng những chứng cứ khoa học đã tìm ra kẻ thủ ác. 

Mấy ai có thể ngờ rằng, một người chồng (Bùi Văn Khánh, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) sau khi sát hại vợ mình lại chủ động đến cơ quan điều tra trình báo: "Vợ tôi vì quá ghen tuông, nghi chồng ngoại tình nên đã thắt cổ tự vẫn trên giường".

Đúng là chị Lương Lan Anh (vợ Khánh) đã chết trên giường, cổ thít chặt bởi một chiếc khăn. Nếu qua loa đại khái thì người chồng bội bạc kia vẫn nhởn nhơ sống với người tình. Nhưng, khi các giám định viên thuộc Trung tâm Giám định pháp y có mặt thì mọi chứng cứ khoa học đã phản ánh rằng: đó là một vụ giết người, tạo hiện trường giả, có vết bóp cổ, chiếc khăn buộc ở cổ chỉ là vật che giấu.

Sự khẳng định mang tính khoa học này đã khiến các điều tra viên đi tới tận cùng sự việc. Chỉ ngay tối hôm ấy, sau vài "chiêu" nghiệp vụ, người chồng bạc ác ấy đã phải nhận tội. Mỗi vụ án tương tự xảy ra đều phải xác định nguyên nhân cái chết, chết do vật gì gây nên và đó có phải là án mạng hay không.

Những điều đó cơ quan điều tra rất cần để định hướng vụ án đi theo hướng nào hay dừng lại. Vì thế, các giám định viên phải là người có mặt đầu tiên. Oái oăm thay, chẳng phải lúc nào cũng tĩnh tâm và suôn sẻ để mà mổ xẻ tử thi, để mà tìm chứng lý khoa học cho một vụ án. Có những nơi phải căng bạt giữa hiện trường, người hiếu kỳ vây kín xung quanh. Cũng có lúc, phải tiến hành mổ xẻ trong buồng kín của gia đình nạn nhân với những bóng điện lờ mờ, thời gian giới hạn tới từng phút.

Tiến sĩ Vùng than thở: "Có vụ, các giám định viên đang mổ tử thi trong buồng, người nhà nạn nhân cứ đập cửa giục "các bác nhanh lên để tới giờ gia đình khâm liệm", nhiều áp lực căng thẳng là vậy mà vẫn phải chính xác, nếu sai một ly sẽ đi một dặm, hậu quả khó lường".

Tâm sáng của người giám định pháp y

Một năm, phải giám định tới 542 vụ, có tới  161 vụ mổ xẻ phức tạp các giám định viên phải trải qua. Còn nhớ khi  vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra, nhận lệnh các giám định viên lên đường vào Nam, tổ chức khám nghiệm nhận dạng thi thể các nạn nhân. Đúng 20 ngày sau mới kết thúc. Phải nói rằng lúc ấy "cái mũi" cũng phải trải qua những ngày cực khổ bởi những mùi không thở nổi. Mỗi kết luận, giám định của Trung tâm phần lớn đều là chứng cứ trước toà. Đặc biệt trong một số trường hợp là chứng cứ duy nhất buộc thủ phạm phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

"Làm thay đổi tí chút có được không?", tôi hỏi Tiến sĩ Vùng. Anh khẳng định, phải luôn luôn làm đúng với khoa học và lương tâm nghề nghiệp. Người làm khoa học phải trung thành với khoa học, không thể mang cái cá nhân chủ quan của con người vào đó. Nếu không sẽ thay đổi tính chất vụ án, để lọt kẻ gian, làm oan người vô tội. Đã có những người được minh oan nhờ những giám định chính xác.

Người ấy là ông H. ở huyện Thạch Thất (Hà Nội). Hơn 70 tuổi, ông H. bị một bé gái 8 tuổi tố cáo đã "hại đời cháu". Cô bé này khai rất rành mạch, chi tiết về cuộc "hành sự". Nếu chỉ nghe thì rõ ràng là… đúng, nhưng khi giám định thì thấy rằng ông già ấy không còn khả năng ấy nữa. Vậy là ông H. được minh oan bởi cái tâm trong sáng và sự tận tâm với khoa học của các giám định viên.

Và các bác sĩ pháp y luôn phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV khi phải giải phẫu những tử thi là những con nghiện chết bởi AIDS, những kẻ giang hồ gây án bị tử vong… Mỗi vụ như thế mức bồi dưỡng là 100.000đ

Kim Quý
.
.