NSƯT Đức Lợi: Tâm huyết để phát triển nghệ thuật trong lực lượng Công an

Thứ Tư, 10/09/2014, 11:07
Ngay khi tách ra hoạt động độc lập vào năm 2008, Đoàn Ca múa nhạc (CMN) CAND đã liên tục tự khẳng định vị trí trong việc góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho CBCS Công an và nhân dân, với hàng loạt chương trình nghệ thuật biểu diễn khắp mọi miền Tổ quốc. Không chỉ thế, Đoàn còn giành được nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và quốc tế, cho thấy thương hiệu một đơn vị nghệ thuật của lực lượng Công an. Nhân dịp ngày truyền thống CAND, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, NSƯT Đức Lợi, Trưởng Đoàn CMN CAND.

+ Có khá nhiều chương trình và giải thưởng, nhưng xin đồng chí điểm qua một vài dấu ấn của Đoàn CMN CAND?

NSƯT Đức Lợi: Ngay khi tách ra, dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, nhưng chúng tôi đã cố gắng dàn dựng những tiết mục có chất lượng để tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và đã giành được huy chương bạc (HCB) cùng nhiều huy chương vàng (HCV), HCB cho các cá nhân. Tại Liên hoan CMN chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, chương trình “Làm theo lời Bác” gồm 12 tác phẩm nghệ thuật của Đoàn đã được đánh giá cao về nội dung, chất lượng nghệ thuật, kỹ năng biểu diễn và lần đầu tiên giành HCV toàn đoàn, cùng 3 HCV, 2 HCB. Năm 2013, tại Liên hoan nghệ thuật 4 nước “Việt Nam - Lào - Campuchia - Myanmar", chương trình “CAND vì biên cương bình yên, hữu nghị” của Đoàn cũng để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng về sự công phu trong lựa chọn chủ đề, nội dung, cũng như thể hiện rõ nét màu sắc của đơn vị nghệ thuật trong CAND. Chương trình hoành tráng, chuyên nghiệp cao này đã mang về cho Đoàn HCV, cùng 3 HCV, 2 HCB và đạt giải Tổng Đạo diễn xuất sắc nhất. Dàn nhạc và Đội múa đều được tặng Giấy khen của Hội chuyên ngành. Tại Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc năm 2013, lần đầu tiên Đoàn cử nghệ sĩ dự thi và đã giành HCV với tác phẩm “Chuyến xe tình người”. Đặc biệt, tháng 4-2014, Đoàn đã mang vở kịch múa “Lêkima đỏ” dự Liên hoan Múa quốc tế và lại giành HCV.

+ Không chỉ đạt giải thưởng trong các hội thi chuyên nghiệp, được biết, Đoàn luôn quan tâm phục vụ CBCS Công an và nhân dân vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới?

NSƯT Đức Lợi: Hàng năm, Đoàn đều tổ chức các chuyến lưu diễn hằng tháng phục vụ CBCS Công an và bà con các dân tộc ở vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, Đoàn đã có 2 chuyến biểu diễn phục vụ CBCS và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Kế hoạch đột xuất, nhưng Đoàn đã kịp thời tuyển chọn các tác phẩm đặc trưng về hình tượng người chiến sĩ Công an, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi…. để dàn dựng phù hợp với tâm lý những người lính trẻ xa nhà. Vì thế, không chỉ được bộ đội và nhân dân Trường Sa đánh giá cao, Đoàn còn được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Bằng khen, 1 đồng chí được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và 18 nghệ sĩ diễn viên được tặng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa. Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho Đoàn và 1 cá nhân vv...

+ Đoàn cũng đã có nhiều chương trình giao lưu quốc tế thành công?

NSƯT Đức Lợi: Năm 2010, lần đầu tiên Bộ Công an Việt Nam mời Công an các nước có chung đường biên giới (Trung Quốc - Lào - Campuchia) tham gia giao lưu nghệ thuật “Mùa thu hữu nghị”. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng, nên là đơn vị chủ trì, Đoàn đã lựa chọn và xây dựng chương trình mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mỗi nước và cùng đi biểu diễn phục vụ CBCS, nhân dân các địa phương. Đoàn còn phục vụ lãnh đạo Bộ Công an tiếp hơn 60 đoàn đại biểu quốc tế, góp phần thắt chặt tình hữu nghị với Công an các nước. Nhân “Năm đoàn kết hữu nghị Việt - Lào 2012”, Đoàn đã xây dựng chương trình nghệ thuật thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc, được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình quốc gia Lào và được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào khen ngợi. Dịp 20 năm hợp tác toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, chương trình nghệ thuật “Bài ca hữu nghị” của đoàn biểu diễn tại Hàn Quốc đã được ngợi khen. Tháng 5-2014, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đã mời Đoàn sang biểu diễn cho hơn 2.000 khán giả, trong đó, 300 cựu binh Nga, nhiều người từng chiến đấu và công tác tại Việt Nam và để lại dư âm tốt.

+ Ngoài anh là một Tổng Đạo diễn nhiều lần được giải Đạo diễn Xuất sắc, Đoàn có còn sở hữu thế mạnh nào?

NSƯT Đức Lợi: Về ca sĩ, chúng tôi có 3 solist trụ cột: Trung tá, NSƯT Thanh Tâm, Đại úy Kim Oanh và Đại úy Minh Lương, đều là những người giành nhiều HCV trong các kỳ hội diễn chuyên nghiệp. Về múa, Đoàn có biên đạo múa Út Lan -người vừa giành 2 HCV với biên đạo thành công nhiều tác phẩm. Diễn viên múa Nguyễn Thái Ngọc Hà là người tốt nghiệp xuất sắc trường múa, được tuyển thẳng về Đoàn và đã giành 3 HCV, trong đó, có vai chính trong vở “Lêkima đỏ”. Dàn nhạc cũng nhiều nghệ sĩ dân gian danh tiếng: NSƯT Phan Kim Thành (đàn bầu), NSƯT Văn Hà (đàn nhị), nghệ sĩ phối khí Tất Nghĩa, hay nghệ sĩ đàn T’rưng Thu Hoài, đã giành HCB… Các nghệ sĩ của Đoàn đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp do được tuyển chọn từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Trường Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Múa vv…

+ Nhưng thật tiếc khi danh tiếng của Đoàn chưa nổi bật xứng với những tiềm năng đang có?

NSƯT Đức Lợi: Thực ra, nếu tham gia các hội diễn thì Đoàn CMN CAND là một đơn vị khiến nhiều đoàn phải vị nể, vì chương trình ấn tượng, bản lĩnh chính qui. Tuy nhiên, với thị trường giải trí thì các nghệ sĩ của Đoàn ít được xuất hiện. Do Đoàn luôn bám sát yêu cầu, mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị, chứ không phục vụ theo các sinh hoạt của thị trường, nên các tiết mục, chương trình đều mang màu sắc, phong cách biểu diễn chính thống, nghiêm túc.

+ Liệu có phải một phần vì công tác truyền thông của Đoàn gần như chưa có gì, do hiện hoạt động biểu diễn đều miễn phí, nên không tạo sức ép cạnh tranh?

NSƯT Đức Lợi: Do đặc thù của Đoàn là phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, khắc họa hình tượng người chiến sĩ Công an là chính, nên doanh thu không là chủ yếu. Khi về các địa phương phục vụ CBCS Công an và nhân dân, Đoàn thường biểu diễn ở các hội trường của Công an tỉnh, không phải các rạp lớn và giấy mời phát trong lực lượng Công an địa phương. Do đó, Đoàn không có nhu cầu quảng bá rộng rãi. Đoàn chỉ có hơn 30 người, nên trước mắt, chúng tôi phải bám sát nhiệm vụ mà Bộ Công an đã giao, nên chưa tính đến việc phục vụ tất cả các đối tượng khán giả.

+ Để tạo được thương hiệu của đơn vị nghệ thuật CAND trên thị trường âm nhạc xứng tầm, theo đồng chí, vấn đề gì cần được coi trọng để phát triển?

NSƯT Đức Lợi: Mô hình Đoàn CMN hiện là mô hình không còn phù hợp, khi các địa phương đã chuyển các đoàn nghệ thuật thành các nhà hát để có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Bên Quân đội hiện đã có 3 nhà hát và đoàn nghệ thuật chỉ có ở cấp quân khu, quân binh chủng. Vì thế, để phát triển được, đề nghị Bộ Công an nâng đoàn lên thành Nhà hát CMN CAND, để phù hợp với tình hình. Vì chỉ khi trở thành nhà hát, mới có các cơ chế hoạt động về cơ sở vật chất, định biên, để thu hút người tài và xây dựng những chương trình nghệ thuật chính thống và bề thế mang tính của lực lượng CAND, phản ánh đúng được những cố gắng và khả năng thực sự của nghệ thuật trong lực lượng CAND.

+ Cám ơn đồng chí!

Ngô Thị (thực hiện)
.
.